Thấy gì từ bức tranh lợi nhuận ngân hàng quý I?

Theo chuyên gia, trong kịch bản Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ 8 - 10%, củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng thì mục tiêu tín dụng tăng mạnh là khả thi, qua đó đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong năm nay.

Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận ấn tượng trong quý I/2025. Ảnh minh họa.

Nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận ấn tượng trong quý I/2025. Ảnh minh họa.

Nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục trong quý I

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, phần lớn các tổ chức tín dụng được khảo sát (74 - 76%) kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế trong quý I/2025 có cải thiện so với quý IV/2024, dự kiến tiếp tục xu hướng cải thiện trong quý II/2025. Thực tế tính đến thời điểm hiện tại, đã có hàng chục ngân hàng công bố ước tính kết quả kinh doanh quý I với xu hướng chung là khởi sắc.

Tại ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lợi nhuận trước thuế quý I ước tính đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2024 và hoàn thành 30% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Đây cũng là mức lợi nhuận trước thuế quý I cao nhất từ trước tới nay tại SHB.

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng vừa công bố KQKD quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 4.350 tỷ đồng, tăng gần 189% so với cùng kỳ 2024 và là mức lợi nhuận theo quý cao nhất lịch sử hoạt động của ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng báo lãi quý I cao nhất lịch sử với lợi nhuận trước thuế hơn 2.100 tỷ đồng, ước tăng hơn 40% so với mức thực hiện của quý I/2024 và hoàn thành 26% kế hoạch lợi nhuận năm.

VPBank báo lãi hợp nhất quý I đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Riêng tại ngân hàng mẹ, lợi nhuận trước thuế quý I ghi nhận đạt 4.942 tỷ đồng trong bối cảnh thu nhập lãi thuần khởi sắc mạnh mẽ 23%.

Theo thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, trong quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 6,5% so với mức 1.530 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2024.

Tại LPBank, lợi nhuận trước thuế quý I đạt hơn 3.175 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2024 trong bối cảnh kinh doanh khởi sắc và tối ưu chi phí nhân viên.

NamABank cũng chứng kiến lợi nhuận trước thuế quý I khởi sắc, đạt 1.214 tỷ đồng, tăng gần 22% so với mức thực hiện quý I/2024, hoàn thành hơn 24% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại VietABank, lợi nhuận trước thuế quý I/2025 ước tính đạt gần 353 tỷ đồng, tăng 42,5% so với cùng kỳ 2024, hoàn thành 27% mục tiêu lợi nhuận năm.

Lãnh đạo ABBANK thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 rằng lợi nhuận trước thuế quý I của ngân hàng ước đạt khoảng 400 tỷ đồng, tức tăng khoảng 108% so với cùng kỳ và tương đương 22% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tại NCB, lợi nhuận trước thuế quý I ước đạt hơn 125 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh thu nhập lãi thuần đạt mức cao nhất trong 9 quý liên tục.

Trong khi đa phần các ngân hàng ước tính kết quả kinh doanh quý I khởi sắc, cũng có một số nhà băng báo lãi sụt giảm.

Gần đây, PGBank đã công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 96 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ trong bối cảnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh.gần 250% lên 147 tỷ đồng.

BCTC quý I/2025 của ngân hàng ACB cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.600 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước khi một số mảng kinh doanh chính ghi nhận kết quả đi lùi. Theo đó, thu nhập lãi thuần quý I/2025 của ACB đạt 6.358 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với quý I/2024

Không công bố cụ thể KQKD quý I, tuy nhiên tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ ‘bật mí’ với cổ đông rằng lợi nhuận trước thuế quý vừa qua ước đạt khoảng 20-22% kế hoạch lợi nhuận cả năm (kế hoạch lợi nhuận năm là 11.020 tỷ). Tạm tính mức lợi nhuận quý I của VIB khoảng 2.200 tỷ, con số này thấp hơn khoảng 12% so với mức lợi nhuận thực hiện cùng kỳ năm ngoái.

Khoảng hơn một nửa số ngân hàng trong hệ thống chưa công bố BCTC quý I hay ước tính kết quả kinh doanh, tuy nhiên, trong một nhận định gần đây, Chứng khoán Vietcombank cho hay tín dụng cải thiện ngay từ đầu năm là yếu tố đóng góp vào mức tăng trưởng lợi nhuận ngay từ quý I tại các ngân hàng. Quan điểm này cũng tương tự với đánh giá của lãnh đạo nhiều ngân hàng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 ngân hàng VIB diễn ra gần đây, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho hay lợi nhuận của VIB tăng tích cực trong quý I/2025 chủ yếu nhờ tín dụng tăng trưởng tốt so với toàn ngành. Theo đó, tính đến 10/3/2025, tín dụng tại VIB tăng khoảng 3% so với cuối năm 2024, cao hơn mức tăng trưởng khoảng 1,2% bình quân toàn ngành.

Còn tại TPBank, đại diện ngân hàng thông tin tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,75%, cao hơn mức trung bình ngành là 2,5% tính đến hết 25/3/2025. Nếu cập nhật đến thời điểm sát ngày diễn ra ĐHĐCĐ là 24/4, tăng trưởng tín dụng tại TPBank đã đạt 4,5%.

Triển vọng cả năm phân hóa

Mặc dù bức tranh KQKD toàn ngành trong quý I nhìn chung tích cực, “thách thức” là cụm từ được nhiều lãnh đạo ngân hàng nhắc tới khi nói về bức tranh kinh tế năm nay, trước những bất ổn địa chính trị và biến động thuế quan tác động sâu sắc đến các quốc gia.

Theo đánh giá của nhóm phân tích KBSV, ngành ngân hàng có thể chịu tác động ở mức trung bình từ chính sách thuế quan của Mỹ. Tác động sẽ thể hiện ở ba góc độ.

Thứ nhất, tín dụng có thể chịu ảnh hưởng do tỷ trọng cho vay với hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu chiếm 15-20% và tiêu dùng bán lẻ bị ảnh hưởng gián tiếp từ hoạt động XNK. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có thể được bù đắp từ sự đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các thị trường khác; việc đẩy mạnh tín dụng cho các lĩnh vực trọng điểm khác như BĐS, đầu tư công. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất nỗ lực duy trì ở mức thấp cùng một số yếu tố hỗ trợ khác cũng sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng.

Thứ hai là áp lực suy giảm NIM tăng lên trong kịch bản KBSV kỳ vọng lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5%, trong khi lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp - mức tăng ít hơn và có độ trễ với lãi suất huy động.

 Ảnh: ACBS

Ảnh: ACBS

Thứ ba là rủi ro nợ xấu gia tăng do triển vọng kinh tế không tích cực như trước, đặc biệt là nhóm khách hàng trong lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan chịu áp lực dòng tiền. Dù vậy các ngân hàng vẫn còn dư địa để xử lý nợ, kỳ vọng luật hóa Nghị quyết 42 cũng giúp giảm nợ xấu toàn hệ thống.

 Trong khi rủi ro nợ xấu hiện hữu, việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023-2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao. Ảnh: ACBS

Trong khi rủi ro nợ xấu hiện hữu, việc trích lập dự phòng ở mức tương đối thấp trong giai đoạn 2023-2024 khiến áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 vẫn sẽ ở mức cao. Ảnh: ACBS

Tác động sẽ đáng kể hơn tại các ngân hàng nhóm Big4. Tại ĐHĐCĐ Vietcombank diễn ra mới đây, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng nhận định ngân hàng sẽ chịu tác động mạnh hơn các ngân hàng khác bởi danh mục khách hàng FDI lớn. “Đối với Vietcombank, tác động sẽ đặc biệt rõ rệt do ngân hàng đang chiếm khoảng 20% thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại toàn thị trường. Nhiều khách hàng của Vietcombank là các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ trong các lĩnh vực như điện tử, gỗ, thủy sản, nhựa... – đây đều là những ngành dễ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế cao”, ông Tùng thông tin.

Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV Phan Đức Tú cũng đánh giá tại ĐHĐCĐ vừa diễn ra rằng lợi nhuận chắc chắn sẽ có suy giảm cho dù có thành công trong việc đàm phán thuế quan. Theo ông Tú, tổng dư nợ khối khách hàng của BIDV bị ảnh hưởng bởi tác động thuế quan thống kê được ước tính khoảng 300.000 tỷ đồng, chiếm 15% dư nợ của BIDV.

“Việc áp thuế sẽ có ảnh hưởng tới tín dụng, huy động vốn, lợi nhuận. Do đó, lợi nhuận chắc chắn bị ảnh hưởng, bởi khi chất lượng tài sản suy giảm thì chi phí trích lập dự phòng sẽ tăng lên. Chúng tôi đã tiến hành triển khai nghiên cứu những khó khăn cụ thể để cùng doanh nghiệp tháo gỡ. BIDV đang yêu cầu các chi nhánh làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp”, lãnh đạo BIDV thông tin.

Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, hầu hết lãnh đạo ngân hàng đánh giá tác động không đáng kể do dư nợ tín dụng liên quan đến các khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan không nhiều. Nhiều ngân hàng vẫn giữ nguyên, thậm chí điều chỉnh tăng mục tiêu lợi nhuận ấn tượng.

Chẳng hạn, PGBank đã điều chỉnh tăng mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay lên 1.001 tỷ đồng, tức tăng 135,3% so với mức thực hiện của năm 2024. ABBANK đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 131% so với kết quả thực hiện của năm 2024 là 779 tỷ đồng. Đây là hai nhà băng có mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận thuộc top cao nhất hệ thống trong năm nay.

Chủ tịch HĐQT ABBANK Đào Mạnh Kháng tự tin mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.800 tỷ đồng năm nay là khả thi trong bối cảnh hết quý I/2025, ước tính lợi nhuận ngân hàng đã đạt 400 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 22% kế hoạch năm. Tại PGBank, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hương cũng tự tin vào mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ba chữ số trong năm nay trên cơ sở tiềm năng của ngân hàng trong mảng thu ngoài lãi, như hoạt động ngoại hối, dịch vụ, thanh toán quốc tế, bảo lãnh và các dịch vụ khác… Cùng đó, PGBank cũng đang nỗ lực cải thiện tỷ lệ CIR thông qua tinh giản quy trình, tăng năng suất lao động…

Nhiều ngân hàng khác cũng lên kế hoạch lợi nhuận với mức tăng trưởng hai chữ số như Techcombank, SHB, TPBank, LPBank... và tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu.

Chia sẻ trước cổ đông, Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú nhấn mạnh mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đặt ra cho năm 2025 là ‘tham vọng’. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm nay và tăng trưởng GDP đạt hai chữ số cho các năm tiếp theo bất chấp những thách thức. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo TPBank cũng duy trì quyết tâm thực hiện các kế hoạch đã đặt ra cho năm nay để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của Chính phủ. “Vậy nên đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa có điều chỉnh gì về kế hoạch kinh doanh”, lãnh đạo TPBank cho hay.

Tăng trưởng tín dụng đi kèm tiết giảm chi phí sẽ là động lực cho lợi nhuận

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm. Ảnh: KBSV

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng cao nhất trong nhiều năm. Ảnh: KBSV

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá nếu Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ 8 - 10% cũng như củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng tăng trưởng kinh tế, thì mục tiêu tín dụng tăng mạnh là khả thi và đây sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng trong năm nay. Nhất là khi thu nhập ngoài lãi vẫn đóng góp tỷ trọng nhỏ trong tổng thu nhập của các ngân hàng.

Theo khảo sát toàn bộ TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (tỷ lệ phản hồi 100%), các TCTD kỳ vọng trong cả năm 2025, huy động vốn tăng 13,1% trong khi tín dụng tăng trưởng mạnh hơn ở mức 16,4%. Đây là mức bình quân kỳ vọng cao nhất trong 5 năm qua.

Cùng đó, xu hướng tiết giảm chi phí hoạt động được đánh giá sẽ đóng góp thêm vào lợi nhuận ngân hàng năm nay.

Báo cáo tài chính 2024 của các ngân hàng đã phản ánh xu hướng tái cấu trúc nhân sự tại nhiều nhà băng có lượng cán bộ nhân viên tại thời điểm cuối năm giảm đáng kể so với đầu năm, chẳng hạn như BIDV, Sacombank, TPBank, ABBANK, ACB… Tại ĐHĐCĐ năm nay, nhiều ngân hàng tiếp tục tập trung vào sắp xếp, tinh gọn nhân sự, hướng tới bộ máy vận hành tối ưu chi phí hoạt động và đáp ứng chuyển đổi số.

Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho hay năm 2024, ngân hàng đã giảm gần 500 nhân sự. Năm 2025-2026, Sacombank sẽ tiếp tục xu hướng này, giảm nhân sự tại các phòng giao dịch truyền thống và tăng giao dịch trên không gian số.

Tại ABBANK, ông Vũ Văn Tiền, Phó Chủ tịch, thành viên HĐQT ngân hàng cho biết trong năm qua, ABBANK đã mạnh dạn tinh giản bộ máy, có đơn vị cắt giảm tới 30-40% nhân sự, và sẽ tiếp tục tối ưu hơn nữa bởi “trong thời đại số hóa như hiện nay, không thể duy trì mô hình đông nhưng không mạnh”.

Thùy Dung

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thay-gi-tu-buc-tranh-loi-nhuan-ngan-hang-quy-i.html