Thấy gì quanh việc bệnh nhân Parkinson kiện hai hãng sản xuất Paraquat?
Tháng 10 vừa qua, hàng ngàn bệnh nhân Parkinson nhiều nước tiếp tục kiện hãng Syngenta, Thụy Sĩ và Chevron, Mỹ, với lý do thuốc diệt cỏ chứa chất Paraquat của hai tập đoàn này là nguyên nhân gây bệnh cho họ.
Luật sư và những người khởi kiện có được các tài liệu nội bộ của 2 công ty vào những năm 1950 từ bộ nhớ đệm (cache) máy tính (phần cứng hoặc mềm tích hợp sẵn với tác dụng lưu trữ tạm thời). Họ thấy những công bố của Syngenta có nhiều mâu thuẫn với nghiên cứu của chính công ty. Luật sư bên nguyên - Steve Tillery, đã trình các tài liệu nội bộ của Syngenta và nhiều bằng chứng khác tại phiên xét xử tháng 6/2021 ở Tòa án bang Illinois, Mỹ.
Theo tờ Guardian thì hàng trăm trang tài liệu do luật sư bên nguyên trình Tòa mà họ được tiếp cận đã tiết lộ: Vào những năm 1960, 1970, các nhà khoa học của Syngenta Imperial Chemical Industries (ICI, 1926 - 2008, tiền thân của Syngenta Chemical) và Chevron Chemical đã nhận thấy chất Paraquat có thể tích tụ trong não người. Hồ sơ cho thấy các nhà khoa học của hai công ty chứng minh nhiễm Paraquat có thể làm tổn thương thần kinh trung ương, gây ra chứng run và các triệu chứng khác ở động vật thí nghiệm tương tự như ở người bệnh Parkinson.
Các tài liệu "tố" các công ty "vận động trong bóng tối" để cố gắng ngăn cản một nhà khoa học được đánh giá cao tham gia ban cố vấn của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) - có trách nhiệm quản lý các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong đó có Paraquat... Các quan chức của hai công ty muốn đảm bảo những nỗ lực điều tra không thể truy ngược lại họ. Tuy nhiên, các tài liệu trên lại "nói" rằng, từ năm 1975, những người trong cuộc lo sợ có thể phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý vì những tác hại lâu dài của Paraquat. Chevron, Mỹ tuyên bố với Guardian rằng, họ thường xuyên xem xét những nghiên cứu khoa học về tính an toàn của các sản phẩm do họ sản xuất, gồm cả Paraquat và không có nghiên cứu nào "cho thấy mối liên hệ giữa Paraquat và bệnh Parkinson"!?
Chất diệt cỏ Paraquat được sử dụng trên khoảng 15 triệu hecta đất nông nghiệp nước Mỹ và Chính phủ công bố Paraquat sử dụng ở nước này từ năm 1992 - 2018 đã tăng 3 lần. Ở Mỹ, tỷ lệ mắc Parkinson khoảng 107 - 187/100.000 dân, mỗi năm thêm trên 60.000 người mắc mới. Theo Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), những năm gần đây, bệnh này thuộc nhóm 15 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Năm 2015, toàn cầu có 6,2 triệu người Parkinson, khoảng 117.400 tử vong; tuổi thọ trung bình sau chẩn đoán 7 - 15 năm... Tuy cả hai tập đoàn đều phủ nhận mọi trách nhiệm pháp lý, cho rằng không có bằng chứng khoa học Paraquat gây bệnh Parkinson, nhưng ngay khi phiên tòa tháng 6.2021 bắt đầu, Syngenta đã chấp nhận trả 187,5 triệu USD cho các nguyên đơn? Hiện các luật sư đang thúc ép hai tập đoàn tiếp tục bồi thường cho hơn 2.000 người mắc Parkinson khác, gồm cả những người Parkinson ở Canada.
Parkinson hay bệnh "liệt rung"
Năm 1817, bác sĩ ngoại khoa người Anh, James Parkinson (1755 - 1824), lần đầu mô tả biểu hiện run khi nghỉ; đi lê bước, khom người; rối loạn giấc ngủ; táo bón của bệnh Parkinson, lưu ý tính chất tiến triển đến tàn phế nặng của bệnh và gọi là bệnh liệt rung (paralysis agitans). Sau Jean Martin Charcot (1825 - 1893), bác sĩ thần kinh người Pháp, mô tả thêm triệu chứng chậm vận động, cứng cơ và đặt tên bệnh là Parkinson.
"Bức tranh" lâm sàng đầy đủ của Parkinson là: Run khi nghỉ, rõ nhất ở ngón tay cái và trỏ như động tác "vê thuốc lào"; đầu run như lắc chậm, run cả hàm, lưỡi, có thể giảm âm khi nói, hoặc nói lắp; run giảm đi khi vận động và mất khi ngủ; biên độ run tăng lên khi căng thẳng; mệt mỏi. Tăng trương lực cơ (cơ căng cứng), thường có triệu chứng "bánh xe răng cưa" ở khớp (duỗi khớp cho bệnh nhân, thấy duỗi từng nấc, không liền mạch), do các cơ gấp tăng trương lực quá mức. Giảm vận động: các động tác tự nhiên giảm và chậm; các động tác chủ ý thiếu tự nhiên; bước đi khó khăn do khó nâng chân, làm cho bước chân ngắn, dáng đi như vội vã. Giảm vận động và khả năng điều khiển ngọn chi nên viết chữ nhỏ, sinh hoạt ngày càng khó khăn. Tăng trương lực cơ và giảm vận động có thể gây đau cơ và mệt mỏi, làm khuôn mặt đơ như mặt nạ, mất biểu hiện cảm xúc. Khó bắt đầu các động tác bước, xoay vòng, dừng lại. Bước kiểu lê bước; tay cong lên, không vung hoặc vung rất ít; khi đi đầu đổ về phía trước do mất phản xạ tư thế, lâu dần trở nên cúi gù. Rối loạn giấc ngủ là triệu chứng phổ biến: do tiểu đêm, hoặc không thể trở lại giường, làm tăng ngủ ngày. Rối loạn phản xạ với tăng phản xạ gân xương và phản xạ mũi - môi, nhưng không có phản xạ bệnh lý bó tháp (chi phối vận động cơ thể gồm hệ tháp và ngoại tháp ở não: Bó tháp là đường dẫn truyền xung động thần kinh từ vùng chi phối vận động ở vỏ não (gồm các tế bào não hình tháp) ly tâm đến các bộ phận thực hiện vận động (tay, chân…). Hệ ngoại tháp gồm nhóm nhân xám ở đáy não, cùng với tiểu não tác động đến các tế bào vùng vỏ não vận động để chi phối các cử động và điều hòa trương lực cơ. Tổn thương hệ ngoại tháp gây ra các rối loạn vận động ngoại biên như run tay, chân; cứng cơ, múa giật hoặc vận động chậm...). Rối loạn thần kinh thực vật: tăng tiết dịch (nước bọt…); phù; tím tái ngọn chi; rối loạn chức năng dạ dày; rối loạn cương; rối loạn cấp và mất kiểm soát bàng quang gây ra đái dầm; hạ huyết áp khi đứng. Rối loạn tâm thần: có thể trầm cảm, lo âu, suy giảm nhận thức (do thiếu ngủ), một số có hoang tưởng bị hại, ảo thị. Rối loạn vận động thực quản gây khó nuốt và tăng nguy cơ viêm phổi hít. Rối loạn vận động trực tràng gây táo bón. Thường thấy mất khứu giác; viêm da tiết nhờn: nổi nhiều ban đỏ bong vảy, nhờn, ẩm và dính cũng rất phổ biến. Khoảng một phần ba bệnh nhân Parkinson bị mất trí.
Giáo sư David Marsden, bệnh viện thần kinh quốc gia London, Anh và Giáo sư thần kinh Joseph Jankovic, đại học Y Baylor, Houston, Texas, Mỹ, chia bệnh Parkinson thành 4 nhóm lớn: Parkinson nguyên phát (vô căn - nhiều nhất), gồm bệnh Parkinson người cao tuổi (khởi phát trung bình từ 58 - 60 tuổi), Parkinson khởi phát sớm (trước 45 tuổi), Parkinson ở tuổi thiếu niên; Parkinson do thoái hóa nhiều nhân xám não (còn gọi là Parkinson không điển hình); do di truyền; mắc phải (thứ phát) do nhiễm khuẩn, thuốc an thần, nhiễm độc, chấn thương và rối loạn vận mạch.
Hiện vẫn chưa biết nguyên nhân gây bệnh Parkinson, mới chỉ có những phát hiện: Lượng Dopamin của người bệnh thiếu hụt đáng kể. Dopamin là chất dẫn truyền thần kinh có vai trò điều tiết vận động và phối hợp động tác, có nhiều ở các nhân xám vùng đáy não (còn gọi là "hạch" nền) như nhân đuôi, cầu nhạt, nhân bèo, vùng dưới đồi thị, liềm đen (các cấu trúc giải phẫu). Dopamin ức chế hoạt động nhân đuôi, Acetylcholin lại kích thích nhân này hoạt động và ở người bình thường tác dụng của hai chất này cân bằng. Khi các tế bào não ở "hạch" nền thoái hóa sẽ giảm bài tiết Dopamin, làm Acetylcholin "tăng" ưu thế, hậu quả là cơ của bệnh nhân Parkinson căng cứng. Ngoài Dopamin, bệnh Parkinson còn có rối loạn nhiều chất dẫn truyền thần kinh khác như Serotonin, Cholecystokinin, chất P (gồm 11 axit amin, một Neuropeptid (những "sứ giả" hóa học, liên kết với các thụ thể để điều chỉnh hoạt động thần kinh và cơ trơn, cơ vân, cơ tim), Enkephalin (là các polypeptid - peptid là liên kết giữa nhóm Carboxyl và nhóm Amin (-CO-NH-) giữa hai Anpha amino axit) có trong các Neurone trung ương (như trong nhân cầu nhạt, đồi thị, nhân đuôi…)…
Frederic Henry Lewy (1885 - 1950), bác sĩ thần kinh người Mỹ gốc Đức, phát hiện thể vùi (những thể nhỏ trong tế bào chất, không hoạt động trao đổi chất như bào quan, mà lưu trữ dinh dưỡng, khoáng chất hoặc chứa "rác" của chuyển hóa - do nhà tự nhiên học Đan Mạch, Otto Friedrich Müller (1730 - 1784) phát hiện) sau này gọi là thể Lewy. Thể này chứa Anpha Synuclein - một protein cấu tạo mô thần kinh - ở dạng sợi (không hòa tan) và được coi là tổn thương mô đặc trưng của Parkinson khi nó xuất hiện trong hệ thống nhân đen (liềm đen - gồm 4 cấu trúc giải phẫu khác nhau). Sau này thể Lewy được phát hiện ở nhiều bệnh khác như mất trí thể Lewy, teo đa hệ thống (bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển gây rối loạn chức năng bó tháp và tiểu não, thần kinh tự động), Alzheimer và ở nhiều vùng mô khác như nhân vận động của dây thần kinh sọ não số X, vùng dưới đồi thị, vỏ não khứu giác… Hiện cơ chế bệnh sinh hình thành thể Lewy từ Anpha Synuclein vẫn chưa được sáng tỏ. Gần đây, Trung tâm nghiên cứu thoái hóa thần kinh ở Đức công bố Anpha Synuclein "di chuyển" từ vùng thấp lên vùng cao của não. Nghiên cứu trên người Parkinson và tiêm chất này vào dây thần kinh ở cổ chuột thấy các thể Lewy xuất hiện sớm nhất ở hành tủy, sau đó phát hiện tích tụ ở não giữa rồi vỏ não, nhưng không giải thích được bản chất của "di chuyển lên cao" này.
Từ năm 2013, hiện tượng chết tế bào não theo chương trình (apoptosis) do phá hủy ty thể (mitochondria), tiêu thể (lysosome - sản xuất men tiêu hủy các sản phẩm thừa protein, nucleic, axit, polysaccharid và các tế bào hư hỏng, già, chết); tăng quá mức Dopamin (ngược với hiện tượng giảm) đang là hướng nghiên cứu mới về cơ chế bệnh sinh của Parkinson…
Nguy cơ cao mắc Parkinson là các yếu tố: Tuổi cao (≥ 65 tuổi tỷ lệ mắc 1%; ≥ 80 tuổi: 10%) do lượng Dopamin giảm ở người già; thường xuyên tiếp xúc với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; chấn thương sọ não.
Paraquat có gây bệnh Parkinson?
Paraquat (C12H14Cl2N2, Glamoxone, Cyclone, Surehre, Prelude...), một chất diệt cỏ kịch độc nếu ngộ độc cấp, nhưng ở đây chỉ nói đến nhiễm độc mạn tính. Trong cơ thể, chu trình oxy hóa - khử của Paraquat với Nicotinamid adenin dinucleotid phosphat (NADPH) và oxy rất phức tạp, tạo ra lượng nhiều các gốc tự do (free radical, bình thường chuyển hóa vẫn liên tục tạo ra với lượng ít) độc hại Superoxid (O2-); Hydro peroxid (H2O2), Hydroxyl (OH)… làm tổn thương tế bào. Các gốc tự do với độc tính cao hủy hoại lipid của màng tế bào (do phản ứng với lipid); phá hủy ty thể ("cơ quan" sinh năng lượng của tế bào) và các bào quan khác, AND và các protein tối cần thiết cho tồn tại tế bào; mặt khác cạn kiệt Nicotinamid adenin dinucleotid phosphat làm tế bào chết. Ở người Parkinson, oxy hóa lipid và protid tăng cao hơn bình thường, nghĩa là tạo ra nhiều gốc tự do hơn - yếu tố nguy cơ chính gây thoái hóa tế bào thần kinh.
Đến 2017, Paraquat bị cấm sử dụng ở 28 nước châu Âu (từ 2007), Kuwait, Bờ Biển Ngà, Syria, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Campuchia, Ấn Độ, Trung Quốc và bị hạn chế sử dụng ở rất nhiều nước. Mỹ quy định dùng Paraquat phải xin phép.
Paraquat vào Việt Nam từ 1993, đến 2017 có 46 loại thuốc bảo vệ thực vật chứa Paraquat; tháng 8/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấm các chất chứa Paraquat, nhưng chất độc này vẫn dùng tràn lan và có nhiều ca ngộ độc cấp.
Trước đây Mỹ khuyến khích Mehico dùng Paraquat hủy diệt cây cần sa, sau nghiên cứu thấy chất này này gây nguy hiểm cho công nhân sử dụng nó. Trong đất, thời gian bán hủy (DT50) của Paraquat từ 7 - 20 năm, do bị keo đất giữ chặt, trở thành chất trơ; trong nước, Paraquat không bị thủy phân hoặc quang phân, hấp phụ nhanh vào các hạt sa lắng hay huyền phù; từ đó vào cơ thể qua ăn, uống.
Người sinh sống, làm việc ở nơi thường xuyên sử dụng Paraquat sẽ nhiễm độc mạn tính. Vì thế những người Parkinson kiện các hãng sản xuất Parquat là có cơ sở.