Thay đổi nhận thức nông dân trong sản xuất nông nghiệp
Qua 3 năm thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại TP.Tân An, tỉnh Long An dù còn gặp khó khăn nhưng bước đầu làm thay đổi nhận thức nông dân, mang lại kết quả khả quan.
15 năm gắn bó với việc trồng rau màu, thời gian gần đây, qua sự vận động, giới thiệu của Hội Nông dân xã Lợi Bình Nhơn, vợ chồng ông Nguyễn Minh Châu, ngụ ấp Ngãi Lợi B, có sự thay đổi trong tư duy sản xuất. Ông và các thành viên trong tổ hợp tác của xã thí điểm bón phân hữu cơ sinh học. Ông nói: “Tôi nhận thấy, so sánh giữa việc bón phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học với các loại phân bón trước đây, hiệu quả mang lại cao hơn, kéo dài được thời gian thu hoạch từ 7-10 ngày. Những vụ tiếp theo, tôi tiếp tục áp dụng những kỹ thuật được hướng dẫn, hy vọng năng suất đạt cao hơn”.
Khi phường Khánh Hậu quy hoạch Đề án trồng rau ƯDCNC, ông Đồng Tấn Phong là một trong những hộ được tỉnh chọn làm điểm thông qua hình thức hỗ trợ phân, thuốc trên diện tích đất khoảng 1ha. Ông chia sẻ, lần đầu thực hiện chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng lâu ngày, ông cũng quen dần. Năng suất và lợi nhuận có tăng nhưng chưa nhiều. Tuy nhiên, ông cho rằng, trồng rau theo hướng này là hợp với tình hình phát triển của thời hội nhập. Khi xã hội ngày càng phát triển, người tiêu dùng quan tâm đến các mặt hàng an toàn. Vì vậy, nông dân cần thay đổi tư duy, cách làm để sản phẩm làm ra mới cạnh tranh được trên thị trường.
Thời gian qua, ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp tại thành phố đạt một số kết quả nhất định. Đó là ứng dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học, mô hình mang lại hiệu quả cao do lượng phân sử dụng hiệu quả, giảm sâu, bệnh, cho năng suất cao, thực hiện mô hình tưới tiết kiệm, góp phần tăng hiệu quả sử dụng nước, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí vận hành tưới cũng như công lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Tham gia đề án, người dân được hỗ trợ phân hữu cơ sinh học Nhật Bản và chế phẩm sinh học, sau khi sử dụng, năng suất và chất lượng sản phẩm rau, củ, quả được nâng lên. Bên cạnh đó, thành phố đã nhân rộng mô hình với diện tích 20ha ứng dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất với tổng kinh phí trên 40 triệu đồng.
Ngoài ra, thành phố phối hợp Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho Hợp tác xã Nông nghiệp rau, củ, quả Khánh Hậu và Tổ hợp tác Rau an toàn ấp Ngãi Lợi B, xã Lợi Bình Nhơn với tổng diện tích gần 13ha với 33 hộ dân tham gia. Tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ hơn 141 triệu đồng. Đến nay, hợp tác xã và tổ hợp tác rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế TP.Tân An - Đỗ Văn Thạch, ƯDCNC trong trồng rau tại thành phố còn gặp khó khăn do ở xã Lợi Bình Nhơn và An Vĩnh Ngãi, nông dân chuyển sang trồng thanh long. Điều này ảnh hưởng đến công tác vận động nông dân tham gia mô hình trồng rau ƯDCNC ở những vùng quy hoạch. Hơn nữa, với đặc thù các loại rau trên địa bàn thành phố phần lớn là những rau ăn quả như bầu, bí, mướp, dưa leo, cà chua, khổ qua, đậu bắp,... nên có sự điều chỉnh trong chỉ tiêu thực hiện, tức là những diện tích trồng rau trong dự án chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, hệ thống tưới phun tự động, tưới tiết kiệm,…
Bí thư Thành ủy - Trần Kim Lân cho biết, thời gian tới, thành phố tuyên truyền, vận động hoặc có thể điều chỉnh diện tích trồng rau trong vùng quy hoạch do một số hộ chuyển đổi trồng thanh long. Đồng thời, thành phố tiếp tục xây dựng và hỗ trợ hợp tác xã điểm ƯDCNC; thực hiện rà soát kết cấu hạ tầng vùng ƯDCNC nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa, sản xuất được thuận lợi; phối hợp các ngành tỉnh, giải quyết những khó khăn vướng mắc; hỗ trợ các điểm bán rau sạch;…/.
Theo Đề án nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, thành phố được giao chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 65ha sản xuất rau ƯDCNC, tập trung tại các địa phương: Phường Khánh Hậu (25ha), xã An Vĩnh Ngãi (15ha), xã Lợi Bình Nhơn (25ha). Đến nay, thành phố thực hiện ƯDCNC trên 21ha rau, đạt 33,3% kế hoạch. Ngoài ra, thành phố xây dựng được 3 mô hình điểm với diện tích khoảng 4ha; hướng dẫn, ứng dụng tưới tiết kiệm trong sản xuất đối với một số hộ nông dân trong vùng. Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ ngoài vùng quy hoạch đối với Tổ hợp tác Rau an toàn xã Hướng Thọ Phú,…