Thấp thỏm bên ruộng ớt
(Baoquangngai.vn)- Thời điểm này nông dân trên địa bàn huyện Tư Nghĩa, nơi được ví như "thủ phủ ớt" của tỉnh đang vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, giá ớt đang giảm thấp, thương lái đến mua chậm khiến nhiều gia đình không khỏi lo lắng.
Không dám thuê nhân công
Dạo qua các cánh đồng ở xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương, Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), hình ảnh một màu đỏ nối tiếp của ớt, người trồng không buồn hái. Nhiều người dân cho rằng, thời tiết tương đối thuận lợi năng suất ớt khá cao, ớt chỉ thiên đạt 1 tấn/sào, nhưng ngay từ đầu vụ thu hoạch giá ớt bắt đầu giảm mạnh, thị trường tiêu thụ khó khăn, khiến nông dân lo lắng.
Cặm cụi từ sáng đến trưa, vợ chồng ông Lê Thanh Trung, ở xã Nghĩa Hiệp hái được 3 bao ớt chỉ thiên. Tựa lưng vào bao ớt trên bờ ruộng, ông Bình ngao ngán: “Vụ này, nhà trồng 5 sào ớt, giống ớt chỉ thiên, hiện trái đã chín đỏ nhưng thương lái thu mua với giá rất thấp, khiến chúng tôi không buồn hái. Mới đây, thương lái có ra ruộng thu mua ớt với giá 6.000 đồng/kg, người nông dân đành chịu lỗ nặng. Vì nếu không bán, ớt sẽ chín rũ và hư hỏng hết. Bán cả 2 bao ớt này vẫn không đủ tiền để trả công cho người hái, chưa kể vốn đầu tư, công chăm sóc hơn 3 tháng cũng coi như mất sạch".
Theo ông Trung, một sào ớt, tính cả công chăm sóc và phân bón trên dưới 6 triệu đồng, riêng thuê nhân công thu hái mỗi ngày là 120-150.000 đồng/người. Mỗi lao động cao nhất mỗi ngày cũng chỉ hái được tầm 30kg.Trong khi đó, trung bình mỗi sào người nông dân thu hoạch được từ khoảng 9 tạ đến 1 tấn ớt. Với giá bán như hiện nay là 6.000 đồng/kg thì tính ra 1 sào ớt chỉ thu được khoảng 5-6 triệu đồng. Thành ra nếu thuê công thì lỗ nên đành tự hái, tiết kiệm được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Giá ớt liên tục giảm, hiện chỉ còn 5-6 nghìn đồng/kg
Tiền bán ớt không đủ trả công người hái, nên chị Nguyễn Thị Hồng Sinh cũng không dám thuê người thu hoạch. Hai mẹ con người hái, người gom dồn ớt vào bao, không khí ngột ngạt. Mãi hơn nửa giờ sau một hồi vòng vo, chị Sinh mới chia sẻ: “Quanh đây ai cũng thế, vụ trước thấy giá ớt tốt quá, công hái có cao nhưng cả chủ ruộng lẫn người làm công đều vui, nên vụ này đổ xô trồng ớt. Năng suất cao, màu ớt đẹp nhưng giá thì quá tệ. Đầu vụ giá ớt ở mức 30.000 đồng, sau đó rớt dần và giờ chỉ còn 6.000 đồng/kg mà là phải chở tới bán tận bàn cân của đại lý. Với giá ớt như hiện nay bình quân mỗi sào, gia đình tôi bị thu lỗ gần 5 triệu đồng”.
Theo nhiều nông dân ở xã Nghĩa Hiệp, giá thu mua ớt phải ở mức 15.000 đồng/kg trở lên nông dân mới có lãi. Với giá tầm 5-7.000 đồng/kg xem như vừa đủ chi phí, công mấy tháng chăm sóc coi như mất trắng. Nhìn cánh đồng rộng hàng nghìn m2, màu đỏ nối tiếp của ớt, nhưng người trồng không buồn hái. Ai nấy cũng tiếc nuối khi quay về thời điểm trước Tết Nguyên đán, mỗi ký ớt được thu mua có giá 50-150.000 đồng/kg, mỗi sào ớt cho thu nhập trên 50 triệu đồng.
Bao giờ hết bấp bênh?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp, giá ớt liên tục giảm sâu trong tuần qua là hệ quả từ cách làm chạy theo thời giá của người nông dân. Năm 2020, ớt giữ giá cao chót vót (150.000 đồng/kg) trong nhiều tháng liền đã “hút” người nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh ồ ạt trồng loại cây này. Đến các xã như: Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) đâu đâu cũng thấy những vườn ớt đang chín rộ, nhưng người trồng không buồn hái.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng chuyên thu mua ớt của bàn con ở xã Nghĩa Lâm cho biết: "Phần lớn ớt của bà con đều được xuất bán sang thị trường Trung Quốc, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Lượng ớt mà thị trương tiêu thụ chấp nhận giảm tới hơn một nửa so với mọi năm. Đặc biệt, từ ngày 1.4, thời điểm ớt chín rộ, thương lái Trung Quốc lại ngưng nhập ớt, trong khi đó diện tích ớt trồng tại địa phương lại tăng hơn so với mọi năm, cung vượt cầu kéo theo giá giảm mạnh".
Đi khắp cánh đồng thôn 6, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) mới thấy cách làm chạy theo thời giá của bà con nông dân. Nhiều bãi bồi trồng mì, đậu phụng ven sông trước kia giờ được bà con chuyển sang trồng ớt. Bà Nguyễn Thị Thân (65 tuổi) cho biết: "Năm ngoái, gia đình tôi thất thu vì bắp, mì cho năng suất thấp. Năm nay, tôi chuyển toàn bộ diện tích 5 sào đất bãi bồi sang trồng ớt nhưng ớt lại rớt giá không phanh. Giờ giá cả như thế này, thậm chí không có người mua nên tranh thủ hái đêm ra chợ bán. Cũng có người thắc mắc sao không phơi khô, đợi giá ớt tăng trở lại mới bán. Nhưng khổ lắm phơi ớt khô tốn thêm công, mà lỡ rồi giá vẫn thấp thì chết thêm công phơi. Vả lại rất ít thương lái mua ớt khô".
Giá ớt quá thấp, bà Nguyễn Thị Thân ở thôn 6, xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) không dám thuê người thu hái, mẹ con bà tự hái ớt để bán.
Ông Lê Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm cho biết: “Năm 2021, diện tích trồng ớt toàn xã cao nhất từ trước đến nay với gần 10ha, tăng khoảng 4ha so với năm 2020. Sở dĩ diện tích trồng ớt của địa phương tăng là nhiều nông dân trong xã chuyển đổi diện tích đất trồng mì, bắp năng suất thấp sang trồng ớt. Mặc dù, ngay từ đầu vụ gieo trồng, xã đã khuyến cáo bà con không tăng diện tích trồng ớt mà vẫn giữ nguyên như năm trước. Tuyên truyền là vậy, nhưng bà con nông dân vẫn ồ ạt trồng vì thấy giá ớt năm ngoái cao. Xã không cấm được".
Việc đầu tư mang tính may rủi, thấy giá cao mà đầu tư xuống giống, không hề có quy hoạch đã làm cây ớt thường xuyên bấp bệnh và chính bà con nông dân là người phải gánh chịu thiệt hại. Ông Bùi Văn Vàng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa cho biết: "Năm 2021, diện tích gieo trồng ớt của huyện tăng cao nhất từ trước đến nay với gần 500ha, tăng khoảng 60ha so với năm 2020, tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Thương, Nghĩa Lâm, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ,...Trong khi thị trường tiêu thụ ớt vẫn là Trung Quốc. Do đó, từ ngày 1.4, phía Trung Quốc không nhập khẩu ớt nữa nên giá ớt giảm mạnh, nông dân đang phải đối mặt với thua lỗ. Đây là bài toán nan giải từ nhiều năm qua nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra cách khắc phục”.
Bài, ảnh: Thủy Tiên
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202104/thap-thom-ben-ruong-ot-3052905/