Thảo luận Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 12/2, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Tham gia ý kiến dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên cho biết: Lần sửa đổi này, Chính phủ đưa ra một chính sách rất mới, đó là bổ sung nội dung về tham vấn chính sách. Hiện nay tham vấn chính sách được đặt trong mối quan hệ với các hình thức lấy ý kiến khác. Cụ thể, phản biện xã hội với vai trò của Mặt trận Tổ quốc; tham vấn chính sách trong chính sách mới; lấy ý kiến góp ý đối với các dự án luật. Nội dung này được quy định tại Điều 6 trong những quy định chung và tại Điều 30 trong quy trình xây dựng pháp luật.
![Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên thảo luận tổ sáng nay 12/2.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_416_35207010/162ca747900979572018.jpg)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên thảo luận tổ sáng nay 12/2.
Đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị cần làm rõ tham vấn chính sách có phải là một quy trình bắt buộc trong quá trình lập pháp hay không? Tham vấn chính sách có giá trị pháp lý như thế nào? Theo đại biểu, hiện nay, dự thảo chưa nói rõ tham vấn chính sách có phải là một quy trình bắt buộc hay không. Đồng thời, dự thảo quy định đối tượng được tham vấn chỉ dừng lại ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành có liên quan trực tiếp. Nếu tham vấn chính sách là một quy trình bắt buộc, thì cần phải giải quyết rõ mối quan hệ giữa tham vấn chính sách và thẩm tra chính sách. Trong trường hợp ý kiến tham vấn chính sách và ý kiến thẩm tra khác nhau, thì sẽ xử lý như thế nào?
Theo đại biểu Nguyên, cần làm rõ giá trị pháp lý của tham vấn chính sách để tránh trường hợp lúc tham vấn thì cho ý kiến theo hướng này nhưng khi thẩm tra lại có ý kiến theo hướng khác. Điều này có thể dẫn đến sự không thống nhất trong quá trình xây dựng chính sách. Vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ tham vấn chính sách là gì, giá trị pháp lý của nó ra sao, để tránh những vướng mắc trong thực tiễn triển khai.
Mặt khác, nội dung thể hiện tại Điều 6 chưa thống nhất với Điều 30. Cụ thể, Điều 6 của dự thảo quy định các chủ thể tham vấn gồm Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan ngang bộ. Trong khi đó, Điều 30 lại ghi theo hướng cơ quan lập đề xuất chính sách tham vấn Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Điều này dẫn đến cách hiểu không thống nhất về vai trò chủ thể tham vấn. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị viết lại theo hướng, cơ quan chủ trì soạn thảo là đơn vị tổ chức tham vấn chính sách, mời các hội đồng, ủy ban và chuyên gia tham gia góp ý; không nên quy định theo hướng Hội đồng Dân tộc hay Ủy ban lại tự tổ chức tham vấn, vì như vậy không đúng với vai trò và thẩm quyền.
Tại Điều 67, liên quan đến việc xin ý kiến đối với các vấn đề lớn trong hồ sơ chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu cho rằng, quy định tại dự thảo luật phù hợp với quy trình lập pháp theo Quy định 178. Tuy nhiên, hiện nay, quy trình lập pháp đã có sự thay đổi; trước đây, Chính phủ trình dự thảo luật lần đầu, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý và trình lại Quốc hội; nhưng theo quy trình mới, sau khi Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và giải trình cho đến khi thông qua. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ “đã trình Quốc hội” có nghĩa là gì? Vì hiện nay, hầu hết dự án luật được trình theo quy trình một kỳ họp, nên cần phân định rõ giai đoạn trình để tránh nhầm lẫn. Thêm vào đó, khi dự án luật đã trình Quốc hội nhưng Đảng ủy Quốc hội vẫn xin ý kiến Bộ Chính trị, thì việc phối hợp giữa Đảng ủy Quốc hội và Chính phủ sẽ thực hiện như thế nào? Theo đại biểu, để đảm bảo tính nhất quán, quy trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền cũng nên giao cho cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện...