Tháo điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực
TPHCM đang trông chờ sớm được triển khai nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 nhằm khơi thông nguồn lực phát triển.
Cần cơ chế vượt trội
Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, thành phố cần cơ chế đột phá. Theo đó, chính quyền địa phương sẽ được trao quyền lớn hơn để tự quyết định các vấn đề về phát triển. Thứ hai, môi trường chính sách, pháp luật về đầu tư, thương mại cần giảm bớt đi các rào cản về giấy phép và thủ tục hành chính. Thứ ba, có các ưu đãi về tài chính cho địa phương. Theo bà Thảo, thành phố đang đứng trước nhiều điểm nghẽn trong khi chính sách pháp luật còn chồng chéo và chung chung, thẩm quyền không rõ, nhiều việc phải xin cấp trên. “Trước thực tế này, đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách vượt trội để phát huy vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo,... của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước” - bà Thảo nhấn mạnh.
Dự thảo nghị quyết mới bao gồm các quy định thí điểm một số cơ chế chính sách vượt trội phát triển TPHCM với 6 nội dung cụ thể về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược TPHCM; quản lý khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy thành phố và TP Thủ Đức.
PGS. TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing cho rằng, rất cần tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, cơ chế vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để TPHCM thực hiện các mục tiêu; phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Trong khi đó, TS Hà Thị Thùy Dương - Học viện Chính trị khu vực IV (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định, những cơ chế vượt trội này được thí điểm ở TPHCM sẽ giúp cho thành phố phát triển, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Quyết tâm triển khai nghị quyết mới hiệu quả
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, những cơ chế, chính sách mới sẽ tạo sự phát triển đột phá cho thành phố. Trong đó, nghị quyết mới sẽ tập trung nhiều hơn cho các cơ chế chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cũng như ưu đãi nhà đầu tư chiến lược. Từ đó, giúp thành phố giữ vững vai trò đầu tàu, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của cả nước. “Nếu nói một nghị quyết, một luật có tháo gỡ hết vướng mắc, khó khăn hay không, khơi thông hết mọi nguồn lực hay không thì e là không. Tuy nhiên, Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, chúng ta cũng cần thêm các văn bản pháp luật khác để giải quyết các vấn đề thực tiễn, kể cả vướng mắc lẫn nhu cầu phát triển” - ông Mãi nói.
Theo TS Hà Thị Thùy Dương, việc xây dựng và thí điểm cơ chế vượt trội cho TPHCM có ý nghĩa toàn quốc. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là, các bộ, ngành đều phải tích cực cùng thành phố nghiên cứu để đề xuất thể chế, cơ chế vượt trội cho thành phố.
Liên quan đến quyết tâm thực hiện nghị quyết mới, ông Phan Văn Mãi khẳng định, với kinh nghiệm triển khai Nghị quyết hơn 5 năm qua, TPHCM xác định việc chuẩn bị đội ngũ, điều kiện, tâm thế để triển khai nghị quyết mới rất quan trọng. Thành phố chủ động phân công cho các cơ quan cụ thể hóa các nội dung cơ chế, chính sách để trình HĐND tại các kỳ họp sau khi nghị quyết mới được Quốc hội thông qua. Dự kiến trình HĐND khoảng 28 nội dung. Trong đó, có 8 nội dung cụ thể hóa nghị quyết mới tại kỳ họp giữa năm để đầu năm 2024 có thể triển khai các dự án” - ông Phan Văn Mãi nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thao-diem-nghen-khoi-thong-nguon-luc-5718336.html