Thành phố Hồ Chí Minh: Gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng

Hiện nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chậm tiến độ mà nguyên nhân chính là do ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp gỡ vướng tình trạng trên, trong đó có việc sẽ áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện.

Giải phóng mặt bằng trên đường Cách mạng Tháng Tám (quận 10, thành phố Hồ Chí Minh) phục vụ thi công dự án tuyến metro số 2. Ảnh: Hoàng Hùng

Nhiều dự án “chờ” mặt bằng

Là một trong những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh, dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dù khối lượng giải phóng mặt bằng đã đạt gần 80% nhưng khó “chạy nước rút” để sớm về đích. Nguyên nhân là từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ có 19 trường hợp bàn giao mặt bằng (tăng thêm hơn 3%). Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR), các trường hợp chưa bàn giao mặt bằng do chưa chấp nhận giá bồi thường, chủ yếu tập trung trên địa bàn quận 3, với 76/113 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng.

Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (thuộc MAUR - chủ đầu tư) Lê Văn Khoa cho biết, việc điều chỉnh hệ số giá đất tại quận 3 đã ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng, vì giá đền bù tăng lên, người dân muốn đàm phán lại. Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận 3 (thành phố Hồ Chí Minh) Trần Thanh Bình, địa phương đang chờ UBND thành phố phê duyệt hệ số giá đất (điều chỉnh), mới có thể hoàn thành việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng trong vòng 90 ngày.

Bên cạnh các dự án do MAUR làm chủ đầu tư, nhiều dự án hạ tầng giao thông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh quản lý cũng chậm tiến độ mà nguyên nhân chính cũng do ách tắc trong giải phóng mặt bằng. Cụ thể, trong số 75 dự án mà đơn vị đang quản lý, có 28 dự án phải chờ mặt bằng, 29 dự án đang thi công trong điều kiện chưa giải phóng hết mặt bằng.

Hệ thống hạ tầng giao thông của thành phố Hồ Chí Minh hiện chưa được đầu tư đầy đủ theo quy hoạch, nguyên nhân chính là do chưa có mặt bằng. Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, ngoài các tuyến metro dang dở, thành phố mới hoàn thành 2/5 đường cao tốc; các đường Vành đai 3 và 4 chưa được khởi công xây dựng; quốc lộ 1, quốc lộ 50, quốc lộ 22, quốc lộ 13 (qua địa bàn thành phố) chưa được nâng cấp, mở rộng...

Rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều dự án phải tạm ngưng thi công. Đến thời điểm này, khi hầu hết các dự án đã được khởi động trở lại, việc có "mặt bằng sạch" rất quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa các dự án sớm về đích như kế hoạch.

Hiện thành phố Hồ Chí Minh đang áp dụng thí điểm theo Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 9-3-2020 của Chính phủ để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất đối với 187 dự án đang triển khai. Các dự án này đang được xem xét hệ số giá cụ thể cho từng loại đất để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đối với các dự án hạ tầng giao thông, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, sở sẽ tổ chức các cuộc họp thường xuyên, định kỳ với các quận, huyện, đơn vị liên quan và chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Tại Nghị quyết số 141/NQ-CP ngày 14-11-2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11-2021, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan hoàn thiện hồ sơ Đề án thí điểm việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để trình Quốc hội. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, đề án được thông qua sẽ tạo cơ chế triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, giảm chi phí có thể phát sinh, hạn chế việc điều chỉnh dự án, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ.

UBND thành phố Hồ Chí Minh xác định, tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng sẽ góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm tiến độ toàn bộ các dự án trọng điểm của thành phố. Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đã giao UBND các quận, huyện phối hợp với các sở, ngành và chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nhằm tạo sự đồng thuận đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây được xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cuối năm 2021 và các năm tiếp theo.

Trọng Ngôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/bat-dong-san/1018195/thanh-pho-ho-chi-minh-go-vuong-trong-giai-phong-mat-bang