Thanh Ninh chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân
Xã Thanh Ninh (Phú Bình) đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập của bà con nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Tạc, Chủ tịch UBND xã Thanh Ninh, cho biết: Thanh Ninh là xã thuần nông, với 70% số hộ sản xuất nông nghiệp, còn lại là sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Để nâng cao thu nhập cho người dân, hàng năm, địa phương đều xây dựng phương án, kế hoạch, mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và triển khai đến 13 xóm trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tập trung tuyên truyền người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Với trên 300ha đất trồng lúa và cây màu, cùng hệ thống nước tưới thuận tiện, xã Thanh Ninh đã tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn gieo trồng các giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương; thực hiện mô hình cánh đồng một giống, sản xuất các giống lúa chất lượng cao, như: Dự hương 8, Đài thơm 8… theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng, quy mô 10ha; xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ lúa nếp Ngọc Lam tại xóm Hòa Bình 2, diện tích 5ha; mô hình cấy cần thả cá ở xóm Phú Thanh 1, Phú Thanh 2…
Cùng với đó, địa phương thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Bình tổ chức tập huấn về sản xuất nông nghiệp cho bà con; khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất… Từ đó, nâng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã năm 2022 lên 130 triệu đồng/ha (tăng 7 triệu đồng so với năm 2018).
Cùng với chú trọng sản xuất nông nghiệp, xã Thanh Ninh cũng quan tâm hỗ trợ thành lập các hợp tác xã (HTX), nhằm giúp các thành viên liên kết trong sản xuất - kinh doanh, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Hiện nay, xã có 5 HTX, gồm: HTX Phát triển nông thôn Út Hồng, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Minh Hòa, HTX Dịch vụ nông nghiệp Anh Đức, HTX Chăn nuôi Hòa Bình và HTX Ngựa bạch Hùng Hậu.
Chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc HTX Phát triển nông thôn Út Hồng, chia sẻ: Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, từ 15 thành viên ban đầu, HTX đã phát triển lên hơn 20 thành viên. Với ngành nghề sản xuất chính là gia công hàng may mặc, chúng tôi luôn tích cực tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường để đảm bảo các thành viên luôn có việc làm ổn định. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất 14.000-15.000 sản phẩm, thu nhập của các thành viên đạt 5,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra, với 2.500 người trong độ tuổi lao động, xã Thanh Ninh đã đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị để tổ chức đào tạo nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động tại địa phương; tuyên truyền, vận động và giới thiệu người độ tuổi lao động tham gia làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn; liên kết với một số công ty để giới thiệu lao động địa phương tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản…).
Kết quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã đạt gần 90%. Trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm trên 30%. Trung bình mỗi năm, địa phương có trên 10 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, đến nay, thu nhập bình quân ở xã Thanh Ninh đạt 67 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,7% (giảm 1,5% so với năm 2018). Từ nay đến năm 2025, xã phấn đấu nâng thu nhập của người dân lên 80 triệu đồng/người/năm.