Thanh Hóa: 2 năm, 13 người chết đuối trên kênh Bắc
Kênh Chính (thuộc hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã) có lưu tốc dòng chảy lớn, mái kênh dốc, độ sâu khoảng 3m nhưng nhiều đoạn không có lan can, hàng rào bảo vệ. Trong khoảng 2 năm, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc và Thường Xuân đã có 13 người chết đuối.
Vụ vỡ kênh ngàn tỷ đã lộ ra nhiều "khoảng tối" trong quá trình thi công và vận hành dự án. Ảnh: TĐ
Sự cố vỡ kênh Chính (thuộc hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã) đoạn qua địa bàn giáp ranh xã Phùng Giáo và xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) vào trưa ngày 27/12/2020 đã khiến việc tưới tiêu cho hơn 30.000 ha diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị gián đoạn. Hiện tại, các đơn vị có liên quan đang khẩn trương khắc phục sự cố, tuy nhiên, quá trình xây dựng và vận hành tuyến kênh này từng lộ ra nhiều bất cập.
Dự án kênh Chính từng không có lan can, rào chắn để cảnh báo, bảo vệ dân cư sinh sống hai bên bờ kênh. Ảnh: QD
Kênh “tử thần”
Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc Bùi Huy Toàn xác nhận với PV Báo Nhà báo & Công luận có tình trạng người dân địa phương bị chết đuối dưới dòng kênh này.
“Các vụ đuối nước huyện đều có báo cáo gửi tỉnh. Mấy năm vừa làm kênh thì có hiện tượng chết đuối. Do kênh mới làm xong nên người dân đi tắm, đi rửa rau trượt chân xuống. Bây giờ người dân cảnh giác rồi. Chúng tôi giao cho UBND các xã, đoàn thành niên, hội phụ nữ cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm đối với người dân” – ông Toàn cho hay.
Tuyến kênh Chính từ K6+269 – K16+276 do Ban quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 3 quản lý nằm trên địa bàn các xã: Phùng Minh, Phùng Giáo, Phúc Thịnh, Nguyệt Ấn và Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Tuyến kênh được hoàn thành vào đưa vào sử dụng từ năm 2018, phục vụ cấp nước tưới cho gần 1.000 ha diện tích nông nghiệp của huyện và cấp nước sinh hoạt cho người dân trong vùng.
Theo báo cáo của UBND huyện Ngọc Lặc gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, tính từ năm 2018 đến tháng 9/2020, có 9 người chết đuối dưới kênh. “Tuyến kênh đi qua địa bàn khu dân cư đa phần là kênh hở, lưu tốc dòng chảy lớn, được kiên cố hóa bằng bê tông, mái kênh dốc, độ sâu nước trên kênh bình quân khoảng 3,0m nhưng không có lan can hàng rào bảo vệ nên hằng năm đã xảy ra tình trạng người dân sinh sống và gia súc, gia cầm đi lại trên bờ kênh bị tai nạn rơi xuống kênh và chết đuối” – báo cáo của UBND huyện Ngọc Lặc nêu rõ.
Kênh Chính Bắc, đoạn qua huyện Ngọc Lặc có lưu tốc lớn, độ sâu trung bình khoảng 3m. Ảnh: BTH
Trên địa bàn huyện Thường Xuân, tuyến kênh Chính từ K0 – K5+350 đi qua địa bàn xã Lương Sơn, cung cấp nước tưới cho khoảng 500 ha diện tích nông nghiệp của địa phương này. Ông Nguyễn Thành Lương, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho PV Báo Nhà báo & Công luận biết, tại xã Lương Sơn có trường hợp trẻ em chết đuối tại tuyến kênh này và huyện đã có báo cáo gửi UBND tỉnh. Tính đến tháng 9/2020, có 4 người ở huyện Thường Xuân chết đuối dưới tuyến kênh Chính. “Ngoài ra, nhiều trường hợp bị rơi xuống kênh được cứu vớt kịp thời; số lượng gia súc, gia cầm của nhân dân bị thiệt hại cũng tương đối lớn do bị rơi xuống kênh” – báo cáo của UBND huyện Thường Xuân cho hay.
Dự án ban đầu không có lan can, rào chắn?
Ông Lê Bá Huân, Trưởng phòng Quản lý thi công, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 3, đơn vị đầu tư, quản lý, vận hành tuyến kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã không nhớ rõ số người chết đuối trên tuyến kênh Chính. Tuy nhiên, ông Huân thừa nhận, dự án kênh Chính hợp phần hệ thống kênh Bắc sông Chu – Nam sông Mã ban đầu không có hạng mục lan can, hàng rào bảo vệ. Lưu tốc dòng chảy, độ sâu của tuyến kênh khoảng 3,0m. “Sau khi nhận được báo cáo của các huyện, ban đã có đề xuất với Bộ Nông nghiệp và PTNT lập dự án xây dựng hệ thống lan can, rào chắn tại các nơi kênh hở đi qua khu dân cư. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với các xã tuyên truyền, cảnh báo người dân cẩn thận khi đi qua khu vực nguy hiểm”. Đối với những trường hợp chết đuối dưới kênh Chính, ông Huân cho biết, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 3 phối hợp với chính quyền địa phương động viên, thăm hỏi.
Hiện trạng tuyến kênh Chính trên địa bàn xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc), cách đoạn kênh bị vỡ khoảng 500m. Ảnh: Hữu Dụng
Khi được hỏi về trách nhiệm, bồi thường của chủ đầu tư và cũng là đơn vị quản lý, vận hành kênh khi để xảy ra tai nạn đuối nước, ông Lê Bá Huân cho biết, đơn vị không có kinh phí. “Hiện tại, chúng tôi đã lập rào chắn và cắm biển cảnh báo ở một số điểm nguy hiểm tại khu dân cư” – ông Huân cho biết thêm.
Chất lượng bê tông xây dựng tuyến kênh liệu có đảm bảo? Ảnh: Hữu Dụng
Xuất hiện thêm nhiều điểm xói lở dọc tuyến kênh
Cách điểm bị vỡ khoảng 500m, trên địa bàn xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc), theo ghi nhận của PV, có nhiều vị trí bị đứt gãy ở cả bờ kênh và đáy kênh. Đặc biệt, tại một số điểm tiếp giáp giữa bờ kênh và đáy kênh đã bị xói lở, bê tông vỡ vụn lòi cả sắt.