Tên lửa Iran phóng ào ạt từ hầm ngầm, quân đội Mỹ tính sao?

Gần đây Quân đội Iran liên tục cho phóng tên lửa đạn đạo từ hệ thống hầm ngầm và công khai trên phương tiện truyền thông; Mỹ liệu đã có những biện pháp đối phó với chiến thuật mới này của Iran?

Trong nhiều năm qua, Mỹ luôn coi Iran là mục tiêu sẵn sàng chiến đấu đầu tiên; Hạm đội 5 của hải quân Mỹ, được triển khai ở Vịnh Ba Tư luôn được xem là "mối đe dọa" đối với quốc phòng và an ninh của Iran.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ vẫn thường xuyên trực chiến tại vịnh Ba Tư; đây như một biện pháp răn đe quân sự, chống lại Iran.

Về thực lực của Iran, sức mạnh tổng thể về hải quân kém xa Hải quân Mỹ; Iran chỉ được trang bị 3 tàu ngầm thông thường lớp Kilo nhập khẩu từ Nga và một số tàu tên lửa nhỏ có lượng giãn nước dưới 1.000 tấn.

Iran cũng có nhiều tàu tuần tra nhỏ mang tên lửa và tàu ngầm nhỏ có thể thả thủy lôi, cũng như số tên lửa chống hạm phóng từ bờ tương đối lớn; nhưng thực tế đánh giá, những tàu này không thể là "đối thủ" với nhóm tác chiến tàu sân bay hùng mạnh của Mỹ.

Do eo biển Hormuz có chiều ngang hẹp và các vịnh nhỏ dày đặc, không thích hợp cho hạm đội Mỹ tiến hành triển khai các hoạt động hải quân lớn; tận dụng lợi thế địa hình, Iran đã phát triển số lượng lớn tên lửa chống hạm, bao gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, nhằm đe dọa Hải quân Mỹ.

Với mối quan hệ giữa Iran và Mỹ, liên tục không được cải thiện qua các đời Tổng thống Mỹ; trước tình hình trong nước của Mỹ hiện nay, nhóm tàu sân bay chỉ có thể hành trình liên tục trên Biển Ả Rập, tạo thêm áp lực quân sự lên Iran mà thôi.

Trên thực tế, chiến lược răn đe của Mỹ như vậy, đã nằm trong tầm tính toán của Iran. Quân đội nước này gần đây đã công khai một hệ thống tên lửa được bố trí dưới hầm ngầm. Từ màn hình có thể thấy nhiều tên lửa đạn đạo, được đặt thẳng đứng trên một băng chuyền, tương tự như đường ray ở trong các đường ngầm.

Khi di chuyển đến địa điểm chỉ định, số tên lửa Iran này có thể được phóng liên tục từ các boongke dưới lòng đất; tuy không nêu rõ vị trí cụ thể của những tên lửa này, nhưng hình ảnh cho thấy, khả năng Iran đã xây dựng một số lượng lớn các căn cứ tên lửa ngầm như vậy.

Không khó để thấy rằng, Iran hy vọng bằng phương pháp này, sẽ thực hiện chiến thuật "Lấy đoản binh chế trường trận"; với cách bố trí tên lửa như vậy, sẽ đạt được khả năng phóng nhanh tên lửa đạn đạo, giảm được thời gian nạp tên lửa vào bệ phóng; đồng thời sẽ có tác dụng tấn công bão hòa và bất ngờ trong quá trình tác chiến.

Trên thực tế, trình độ công nghệ tên lửa đạn đạo do Iran phát triển không phải là tốt nhất thế giới, yếu tố giành thắng lợi chủ yếu nằm ở số lượng lớn, nên chiến thuật tốt nhất của Iran là tăng mật độ hỏa lực, khi tiến hành các cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa.

Hệ thống tên lửa bố trí ngầm này của Iran có mức độ tự động hóa cao, nó có thể giải quyết vấn đề phóng tên lửa nhanh; đồng thời tiết kiệm nhân lực và vật lực quý giá. Trong mọi trường hợp, tên lửa của Iran ngày nay hoàn toàn tự sản xuất trong nước và có mức độ chính xác tương đối cao.

Iran từ lâu xác định, khi tình huống xung đột với Mỹ xảy ra, tên lửa đạn đạo và hành trình của họ là vũ khí phản công chủ lực; do vậy trong chiến lược phòng thủ của mình, Iran đã tập trung phát triển nhiều tên lửa đạn đạo và hành trình; đây cũng là điều "lo ngại" với Mỹ và Israel.

Không nghi ngờ gì nữa, nếu xung đột xảy ra, việc Iran sẽ sử dụng "màn" tên lửa để tấn công hạm đội Mỹ là điều chắc chắn. Để tấn công Iran, quân đội Mỹ cũng tăng cường trang bị vũ khí cho Israel, cung cấp cho Israel vũ khí tiên tiến như máy bay chiến đấu F35 và các loại bom phá hầm ngầm, được dẫn đường chính xác, để tấn công các căn cứ tên lửa ngầm của Iran.

Tuy nhiên địa hình của Iran cũng khá hiểm trở, những dãy núi có mặt khắp đất nước. Và đứng trước mối đe dọa của Mỹ, từ lâu Iran đã xây dựng nhiều công trình phòng thủ ngầm; do vậy không dễ cho Mỹ, có thể tìm được vị trí cụ thể và phá hủy số công trình phòng thủ ngầm của Iran.

Hiện tại tình hình quốc tế nhìn chung có nhiều bất ổn, và chiều hướng tương lai của tình hình chính trị Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với Iran; dù ai là Tổng thống, thì cũng không bao giờ tỏ ra ưu ái Iran, và Mỹ luôn lôi kéo các quốc gia trong khu vực, thành lập một liên minh mới chống lại Iran.

Việc duy trì lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran chắc chắn càng khắc nghiệt hơn. Nhưng việc Iran công bố hệ thống phóng tên lửa ngầm kiểu "súng máy" vào thời điểm này, cũng là "đòn" cảnh báo Mỹ, rằng Iran có khả năng chống trả kẻ thù bất cứ lúc nào.

Video Iran: Phóng tên lửa vào căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq - Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/ten-lua-iran-phong-ao-at-tu-ham-ngam-quan-doi-my-tinh-sao-1462141.html