Tay chân miệng vào mùa, làm gì để bảo vệ con bạn

Bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành tại Việt Nam. Bệnh xuất hiện ở tất cả các tháng trong năm, cao điểm vào tháng 3 - 4 và tháng 9 đến cuối năm.

Tay chân miệng do nhiều loại virus khác nhau gây ra

Bệnh lây truyền qua đường phân miệng. Virus gây bệnh có trong phân và dịch tiết hô hấp của người bệnh hoặc người mang mầm bệnh. Người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc cầm nắm, chạm tay vào những đồ vật hoặc bề mặt nhiễm dịch tiết mang virus sẽ nhiễm bệnh.

Vì vậy để phòng bệnh, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh và rửa tay bằng xà phòng. Đối với nhà có trẻ em dưới 5 tuổi và các trường mầm non, cần vệ sinh đồ chơi và các bề mặt trẻ thường tiếp xúc bằng các chất khử khuẩn thông thường như javel.

Sau đây là những chia sẻ của bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM về căn bệnh này.

Bệnh tay chân miệng có phải là bệnh mới không?

Bệnh tay chân miệng không phải là bệnh mới xuất hiện, trong tài liệu y khoa đã nói đến từ lâu. Tuy nhiên đa số bác sĩ và người dân đều không biết đến bệnh này, do trước đây bệnh chủ yếu là tác nhân coxsakie rất lành tính.

Gần đây trên thế giới đã phát hiện thêm một tác nhân mới rất nguy hiểm cũng gây ra bệnh này đó là enterovirus 71, tác nhân này nguy hiểm vì nó có thể gây biến chứng não và tim gây tử vong cao và rất nhanh.

Bệnh tay chân miệng có liên quan đến bệnh “lở mồm long móng” ở súc vật không?

Đây là 2 bệnh hoàn toàn khác nhau do 2 nguyên nhân khác nhau. Bệnh tay chân miệng do siêu trùng gây ra và chỉ lây từ người sang người, không phải lây từ súc vật sang người.

Tại sao lại mắc bệnh tay chân miệng ?

Siêu vi trùng gây bệnh có trong nước bọt, phân, bóng nước của trẻ bệnh. Siêu vi trùng này có thể bám vào bàn tay, thức ăn thức uống, sàn nhà, đồ chơi, dụng cụ ăn uống.

Trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất, nhưng tất cả các lứa tuổi khác đều có thể mắc bệnh.

Trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất, nhưng tất cả các lứa tuổi khác đều có thể mắc bệnh.

Trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng khi nuốt phải thức ăn, thức uống hay khi ngậm đồ chơi có chứa siêu vi trùng gây bệnh

Bệnh thường gặp ở tuổi nào? Và thường gặp ở mùa nào ?

Mọi người đều có thể mắc bệnh, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.

Bệnh thường xảy ra theo 2 mùa trong năm, từ tháng 3 đến tháng 5 và sau đó từ tháng 9 đến tháng 11 trong năm.

Biểu hiện của bệnh như thế nào ?

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng cũng rất dễ nhận biết nếu được chú ý đó là các bóng nước. Bóng nước có kích thước từ 2 – 10 mm, màu xám, hình bầu dục, bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau.

Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng làm trẻ đau và bỏ ăn.

Khi nổi bóng nước trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp đi và tự khỏi sau 5 đến 7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.

Bệnh có biến chứng không ?

Đa số các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi, nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71, một số trẻ có biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não.

Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thuốc hỗ trợ khi có biến chứng giúp cho trẻ mắc bệnh vượt qua giai đoạn nặng, sau đó tự hồi phục.

Tỷ lệ tử vong ở tay chân miệng hiện nay giảm rất nhiều so với 5-10 năm trước.Nếu trẻ được phát hiện bệnh sớm, các biến chứng và độc lực của virus không cao thì đa số các trẻ đều hồi phục hoàn toàn dù có biến chứng nặng.

Có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng không?

Vắc xin phòng bệnh tay chân miệng hiện nay chỉ có Trung Quốc sản xuất nhưng không nhập về Việt Nam.Hiện nay, ở Việt Nam đang thử nghiệm giai đoạn 3 loại vắc xin của Đài Loan tại 2 tỉnh miền Tây là Đồng Tháp và Tiền Giang. Nếu thử nghiệm này tốt thì có lẽ vào năm 2022, vắc xin này mới có ở thị trường Việt Nam.

Những dấu hiệu nào cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay ?

Một trẻ bị bệnh tay chân miệng cần đưa đến bệnh viện chuyên khoa ngay khi có một trong những dấu hiệu sau:

- Sốt cao (từ 38,5oC trở lên)

- Ói nhiều

- Giật mình, hốt hoảng

- Run chi

- Yếu liệt tay hoặc chân

Trẻ đã mắc bệnh tay chân miệng thì có mắc lại nữa hay không?

Bệnh tay chân miệng không có miễn dịch vĩnh viễn, do đó có thể mắc lại. Mặt khác, do có nhiều tác nhân khác nhau gây bệnh nên đã bệnh rồi vẫn có thể mắc lại.

Phòng bệnh như thế nào?

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó phòng bệnh là biện pháp hàng đầu hiện nay.

Cách phòng bệnh:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

2. Thực hiện ăn chín, uống chín, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi.

3. Thường xuyên lau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

5. Theo dõi sức khỏe của trẻ hàng ngày, khi phát hiện trẻ có biểu hiện bệnh cần cách ly và đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

PHA LÊ (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tay-chan-mieng-vao-mua-lam-gi-de-bao-ve-con-ban-20210421124650374.htm