Tập trung toàn lực dập tắt Covid-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương có dịch Covid-19 với tinh thần 3 không: Không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu cơ chế, chính sách, vật tư, sinh phẩm
Sáng 29-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Trước những diễn biến mới, việc phòng chống dịch đòi hỏi giải pháp tích cực hơn, toàn diện hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn theo tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Rút ra được bài học rất lớn
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đợt dịch lần thứ 4 này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm. Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, nên điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.
Ông Nguyễn Thanh Long dự báo Bắc Giang sẽ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới và có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, nếu dồn lực trấn áp, sẽ kiểm soát được dịch trong những ngày tới.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh việc bảo vệ các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng. Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong khu công nghiệp, phải lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, khu công nghiệp khi có dịch bệnh. Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông đến nơi cư trú. Các khu công nghiệp phải xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên.
Cũng đánh giá đợt dịch này khó khăn hơn những đợt trước rất nhiều, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trước đây chúng ta chậm 1 tuần còn đuổi kịp tốc độ lây lan của dịch, bây giờ chậm 1 tuần mà muốn đuổi kịp thì phải tăng nhanh gấp 10 lần. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng nhận định tại các địa phương có dịch, cấp ủy, chính quyền và các lực lượng đều "rất lăn lộn, máu lửa", song những nơi chưa có dịch thì vẫn còn biểu hiện chưa cảnh giác lắm. Theo ông, dứt khoát phải chấn chỉnh tình trạng này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng qua đợt dịch này, chúng ta rút ra được một bài học rất lớn: Khoanh vùng được rồi nhưng giữ nguyên bên trong, không xử lý thì rất nguy hiểm. Ví dụ, khu nhà trọ công nhân rất chật chội, nếu cách ly mà không có biện pháp giãn ra thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: Về tổng thể, chúng ta đang kiểm soát được tình hình. Song, cục bộ có một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, diễn biến càng ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM và một phần nào đó ở Hà Nội.
Thủ tướng chỉ rõ có nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Một số cơ quan, địa phương, đơn vị khi chưa có dịch thì chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị cũng không nắm chắc và đánh giá đúng tình hình, không đưa ra được giải pháp phù hợp để giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa. Một bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cộng với việc thực hiện thiếu nghiêm túc trong thực hiện các quy định phòng chống, dẫn tới lây lan dịch.
Về mục tiêu sắp tới, Thủ tướng nêu rõ: Ưu tiên chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, dập tắt dịch; tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và kết thúc tốt đẹp năm học 2020-2021.
Thủ tướng cũng đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà toàn hệ thống chính trị và toàn dân phải vào cuộc, trên tinh thần "tổng tiến công toàn lực, toàn diện, mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa với quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, tập trung cao hơn nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình nhanh hơn nữa".
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm, với phương châm "ba không": Không nói thiếu tiền; không nói thiếu nguồn nhân lực; không nói thiếu cơ chế và phương tiện vật chất, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc men…
Cuối năm 2021 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế sẽ cố gắng đàm phán, tiếp cận vắc-xin Covid-19 để tiêm cho người dân, đến cuối năm 2021 sẽ đạt miễn dịch cộng đồng.
Sắp tới, sẽ có 38,9 triệu liều vắc-xin Covax, 30 triệu liều vắc-xin từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ đặt mua thêm 10 triệu liều từ Covax và 20 triệu liều từ Pfizer. 40 triệu liều vắc-xin của Nga đã được đặt mua từ lâu, bộ đang nỗ lực đàm phán để thúc đẩy quá trình bàn giao diễn ra sớm. Công ty Moderna cũng hứa sẽ cung ứng cho Việt Nam một lượng vắc-xin. Như vậy, dự kiến có khoảng hơn 100 triệu liều thì có thể tiêm cho khoảng 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế phấn đấu mua đủ 150 triệu liều trong năm 2021.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh vắc-xin Covid-19 không có hiệu lực bảo vệ miễn dịch suốt đời, chỉ kéo dài 6 tháng đến 1 năm. Do đó, việc bảo đảm nguồn cung và cơ chế tài chính cho việc mua vắc-xin là rất quan trọng.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP HCM có khoảng 5,6 triệu người phải tiêm vắc-xin từ kinh phí do TP tự bố trí ngân sách hoặc từ viện trợ, tài trợ, hỗ trợ... TP HCM kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vắc-xin (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính khi mua nhóm vắc-xin này.
Tất cả vì Bắc Giang
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 ở đây.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết nhiều ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương đều quan tâm đến Bắc Giang. Những đề xuất, đề nghị của tỉnh đều được các bộ, ngành liên quan nhất trí.
"Quan trọng là Bắc Giang tổ chức thực hiện thế nào, chúng ta phải làm và làm cho hiệu quả. Mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đặt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trước hết và trên hết" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tăng cường quản lý toàn bộ lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh chứ không chỉ riêng các trường hợp liên quan các ca mắc Covid-19. Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan triển khai ngay các giải pháp, những đề nghị mà Bắc Giang đề xuất để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết khi có thông tin 190 thương nhân Trung Quốc tạm dừng vào Bắc Giang thu mua vải thiều, bộ đang nghiên cứu đề xuất tổ chức vận chuyển vải đến tận các cửa khẩu; đồng thời triển khai bán nông sản này ở tất cả siêu thị, chợ truyền thống trên cả nước.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/tap-trung-toan-luc-dap-tat-covid-19-20210529225852714.htm