Tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ở trường đại học
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (gọi tắt là Nghị quyết 57), các trường đại học (ĐH), viện nghiên cứu đang khẩn trương xây dựng các chương trình hành động, mục tiêu cho phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy nghiên cứu khoa học...
Mô hình liên kết “3 nhà”
Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TPHCM và ĐH Bách khoa Hà Nội vừa ký kết chương trình hợp tác triển khai Nghị quyết 57. Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng nền tảng hợp tác chặt chẽ giữa 3 ĐH lớn nhất cả nước.
Thông qua chương trình này, các bên cam kết huy động nguồn lực, nhân lực và cơ sở vật chất để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại vào thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đại học Quốc gia TPHCM và UBND tỉnh Đồng Tháp ký kết hợp tác toàn diện trong triển khai Nghị quyết 57
Theo đó, 3 ĐH sẽ phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực: đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhất là bậc sau ĐH, tổ chức chương trình đào tạo chung, học tập luân chuyển giữa 3 ĐH, cấp văn bằng đồng song phương; nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, năng lượng mới...
Đặc biệt, ba bên sẽ xây dựng các phòng thí nghiệm liên ngành dùng chung, triển khai mô hình các viện nghiên cứu xuất sắc liên kết; phát triển hệ sinh thái số, ĐH số liên thông, thư viện số, dữ liệu nghiên cứu chung; tổ chức hội thảo quốc tế, trao đổi học giả, phát triển tạp chí khoa học chuẩn quốc tế; kết nối doanh nghiệp, hợp tác đào tạo theo đơn đặt hàng, phát triển sản phẩm và thương mại hóa.
Cụ thể, ĐHQG Hà Nội đang xây dựng Công viên Công nghệ cao và đổi mới sáng tạo có quy mô 22,9ha, với 110.000m² sàn xây dựng, là nơi hội tụ các nhóm nghiên cứu đẳng cấp quốc tế và doanh nghiệp công nghệ. Năm 2025 dự kiến thành lập 5 viện nghiên cứu trọng điểm là Viện Trí tuệ nhân tạo, Viện Công nghệ bán dẫn, Viện Tế bào gốc, Viện Công nghệ môi trường, Viện Nghiên cứu lượng tử.
ĐHQG TPHCM đầu tư 700 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo để kết nối nhà khoa học - doanh nghiệp - nhà đầu tư. Mục tiêu đến năm 2030 của trung tâm là huy động 10 triệu USD cho startup; thu hút 15 trung tâm nghiên cứu và phát triển từ các tập đoàn lớn; đào tạo hơn 10.000 sinh viên, học viên trong lĩnh vực khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo...
Trung tâm tập trung vào các công nghệ trọng điểm như AI, chuyển đổi số, bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng mới… ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ xây dựng Tổ hợp trung tâm xuất sắc về công nghệ chiến lược gồm: dữ liệu và AI, an ninh mạng, chip, năng lượng mới, công nghệ vũ trụ…
Kỳ vọng vào sự đột phá
Đánh giá về sự hợp tác này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, sự hợp tác giữa 3 ĐH là mô hình tiêu biểu cho việc gắn kết giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp. Ba bên sẽ cùng tạo ra đột phá trong khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ba ĐH được lựa chọn không chỉ vì quy mô, mà còn vì có nền tảng nghiên cứu vững mạnh, đào tạo nhân lực STEM hàng đầu và có khả năng lan tỏa trong toàn hệ thống. Đây sẽ là hạt nhân cho mô hình thử nghiệm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược, thu hút nhân tài và hạn chế “chảy máu chất xám”.
Theo PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM, thực hiện chương trình hành động triển khai Nghị quyết 57, ĐHQG TPHCM đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc đề xuất, đăng ký thực hiện Nghị quyết 57 với chương trình “Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tích hợp với công nghệ chiến lược tại ĐHQG TPHCM đạt trình độ tiên tiến, ngang tầm khu vực và thế giới giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn 2045”.
Trong đó, ĐHQG TPHCM sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch triển khai các nội dung của chương trình đạt hiệu quả cao nhất, đóng góp thiết thực nhất cho sự phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu của chương trình là nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa TPHCM và vùng Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước...
Đồng thời, góp phần vào định hướng phát triển TPHCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo; là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Sau các buổi làm việc với ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, chia sẻ: Đây là những đơn vị dẫn đầu cả nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Đảng ủy, lãnh đạo cùng các nhà khoa học của 3 đơn vị này đều đánh giá, xây dựng chương trình hành động và kỳ vọng Nghị quyết 57 sẽ là động lực rất lớn để phát triển, làm chủ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên tới. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết 57, nhất thiết phải tăng đầu tư nguồn lực (về cơ sở vật chất lẫn con người) cho 3 đơn vị...
Qua trao đổi, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của các thầy cô, các nhà khoa học, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương sẽ tập hợp, chọn lọc để tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những quyết sách cụ thể, phù hợp cho các viện, trường triển khai hiệu quả những mục tiêu của Nghị quyết 57.