Tập phát ngôn có trách nhiệm

Lùm xùm về những phát ngôn 'vạ miệng' của tân hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi những ngày qua một lần nữa trở thành hồi chuông báo động trong giới trẻ về trách nhiệm từ những phát ngôn của mình. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển như vũ bão, các chuyên gia cho rằng, giới trẻ càng phải biết cách tập phát ngôn có trách nhiệm.

Giới trẻ cần học các kỹ năng giao tiếp, ứng xử (Ảnh minh họa)

Báo động tình trạng phát ngôn thiếu trách nhiệm

Những ngày qua, làn sóng tẩy chay hoa hậu (Miss World Vietnam 2023) Ý Nhi chưa có dấu hiệu lắng xuống vì các phát ngôn “vạ miệng”. Thậm chí, tân hoa hậu này liên tiếp mắc sai lầm về những phát ngôn thiếu chuẩn mực của mình. Nếu chia sẻ bạn trai phải thay đổi để theo kịp mình, hay so sánh bản thân với người đồng trang lứa rằng khi bạn bè chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì cô đã tham dự cuộc thi hoa hậu là khởi nguồn khiến dư luận tranh cãi, thì câu trả lời: “Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung” cho câu hỏi “Hãy kể tên ba người nổi tiếng quê ở Bình Định”, lập tức làm bùng nổ chỉ trích từ cư dân mạng.

Phát ngôn của tân hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi không phải là cá biệt. Mới đây, trong một buổi phỏng vấn, Á hậu 1 Miss World Vietnam 2023 Đào Thị Hiền cũng gây tranh cãi khi kể tên 5 nhân vật nổi tiếng ở Nghệ An. Người đẹp liệt kê tên mình, ca sĩ Hương Tràm và một số nhân vật lịch sử. Câu trả lời khiến cộng đồng mạng bức xúc khi cô đặt tên mình lên trên các anh hùng dân tộc.

Ý Nhi hay Đào Thị Hiền vẫn đang còn ở độ tuổi rất trẻ. Tuy nhiên, sai lầm của họ khó được chấp nhận bởi khi trở thành người nổi tiếng, những phát ngôn của họ có tác động lớn đến xã hội nên càng phải chuẩn mực. Những lời “vạ miệng” của hai nàng hậu một lần nữa dấy lên những lo ngại về phát ngôn trong giới trẻ hiện nay, khi mà thời đại công nghệ và mạng xã hội lên ngôi, những trào lưu thiếu chuẩn mực cũng đang xuất hiện.

Không khó để thấy, trên mạng xã hội facebook, zalo hay instagram… những phát ngôn của giới trẻ thiếu trách nhiệm đầy rẫy trên mạng. Là người gần gũi với đoàn viên, sinh viên, TS. Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, Bí thư Đoàn Đại học Huế lo lắng: “Phải thừa nhận là một bộ phận giới trẻ hiện nay đang có vấn đề về trách nhiệm liên quan đến những phát ngôn. Nhiều bạn thoải mái nói, viết ra những ngôn từ ảnh hưởng đến xã hội, thậm chí đụng chạm lợi ích quốc gia, dân tộc, đến lịch sử. Không ít bạn trẻ hùa theo trào lưu xoáy sâu những vấn đề tiêu cực hơn tích cực. Đó là vấn đề đáng báo động”.

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho rằng, hiện nay, những trào lưu trên không gian mạng nhằm câu view, câu like, gây chú ý với những lời nói của mình với một ý đồ nào đó (giải trí, quảng cáo, tạo chú ý…) xuất hiện rất nhiều và đang tác động vào suy nghĩ của giới trẻ. Nhiều trào lưu mạng kích động, tạo môi trường cho những trào lưu, phát ngôn thiếu chuẩn mực. Điều đáng nói là xu hướng nhiều người tìm kiếm, thích đọc những ngôn từ ấy lại xuất hiện. Đó là vấn đề đáng báo động.

Ngoài sự ảo tưởng về bản thân, xu hướng ca ngợi thành tích bản thân đạt được, một nguyên nhân mà theo các chuyên gia tâm lý và giáo dục dẫn đến những phát ngôn như của hoa hậu Ý Nhi, Á hậu Đào Thị Hiền hay một số phát ngôn thiếu chuẩn mực của giới trẻ đó là họ thiếu kiến thức đến lĩnh vực phát ngôn, thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Theo TS. Nguyễn Thanh Hùng, tuổi trẻ có những bồng bột là điều có thể hiểu. Tuy nhiên, các bạn trẻ chưa đặt mình vào vị trí người nghe, người cảm nhận để đánh giá được tác động về lời nói của mình. Khả năng tiếp thu, lĩnh hội và chuyển hóa trong các giá trị từ lời nói của nhiều bạn trẻ cũng đang có vấn đề.

Tập nhận thức & phát ngôn

“Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” là cách nói ẩn ý ngụ ngôn mà người xưa đã khuyên nhắc mọi người phải hết sức cẩn trọng giữ gìn lời nói. Lời nhắc nhở khuyên răn này là cả một kinh nghiệm già dặn trong việc giao tiếp xử thế của người xưa nhưng còn nguyên giá trị đến ngày nay. Và, tập phát ngôn có trách nhiệm là sự luyện tập của bất kỳ ai.

Đối với giới trẻ, điều quan trọng vẫn ở nhận thức của họ. TS. Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, giới trẻ phải thường xuyên trau dồi kiến thức và kỹ năng. Trước những phát ngôn của mình, phải nghiên cứu xem có phù hợp với chuẩn mực, văn hóa người Việt Nam, phù hợp xu thế xã hội và có gây ảnh hưởng đến những người xung quanh không. Đồng thời, phải biết cách chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình.

Lứa tuổi học sinh, sinh viên chắc chắn không thể tránh khỏi những suy nghĩ chưa chín chắn, vì thế luôn cần vai trò của gia đình, nhà trường trong công tác giáo dục. Các bậc phụ huynh cần quan tâm, uốn nắn lời ăn tiếng nói của con em bằng nhiều cách. Còn ở nhà trường, cần có thêm nhiều hoạt động phong trào để giáo dục những giá trị chuẩn mực phù hợp với văn hóa, đạo đức con người Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác truyền thông những giá trị tốt, giám sát và kiểm soát đối với những phát ngôn thiếu trách nhiệm cũng là cách để thế hệ trẻ rút kinh nghiệm.

TS. Nguyễn Văn Quang cũng cho rằng, cần hình thành cho thế hệ trẻ những kỹ năng thực hành xã hội, kỹ năng ứng xử. Điều này cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, các tổ chức hội - đoàn để tạo môi trường tốt cho giới trẻ.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tap-phat-ngon-co-trach-nhiem-130912.html