Tập đoàn Hà Đô (HDG) nhận chứng nhận đầu tư dự án điện gió Hữu Phước quy mô hơn 1.700 tỷ đồng

Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG) vừa nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy Điện gió Phước Hữu tại tỉnh Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.

Tập đoàn Hà Đô hiện đang vận hành dự án Nhà máy Điện gió 7A với công suất 50 MW trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận diễn ra ngày 28/4 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, đại diện các cơ quan ban ngành, và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và bản ghi nhớ nghiên cứu phát triển dự án cho 14 nhà đầu tư với tổng số vốn dự kiến đầu tư là 120.000 tỷ đồng.

Trong đó, UBND tỉnh Ninh Thuận có trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy Điện gió Phước Hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã cổ phiếu HDG - sàn HoSE). Dự án này có công suất 50 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 1.730 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 21/4, Tập đoàn Hà Đô cũng được UBND tỉnh Lạng Sơn đã trao biên bản ghi nhớ đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Bình Gia có quy mô 80MW, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 2/2024, đại diện Tập đoàn Hà Đô cho biết đang chờ cơ chế chính sách phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ và sẵn sàng triển khai ngay các dự án nếu mức giá năng lượng tái tạo được ban hành ở mức “đủ khả thi”.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Tập đoàn Hà Đô đang vận hành dự án Nhà máy Điện gió 7A (huyện Thuận Nam) có công suất 50 MW với tổng mức đầu tư 1.875 tỷ đồng, và dự án Nhà máy Điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước (hay còn gọi là SP Infra 1, huyện Ninh Phước) có công suất 50 MWp với tổng mức đầu tư 1.055 tỷ đồng.

Đối với điện gió, sản lượng tại dự án 7A Ninh Thuận trong năm 2023 đã tăng 23% so với năm 2022 khi các sự cố kỹ thuật được khắc phục. Dự kiến sản lượng tại dự án này sẽ tăng thêm 13% trong năm 2024, đạt 83% sản lượng thiết kế nhờ tỷ lệ vận hành turbine được cải thiện.

Đối với điện mặt trời, dự án Hà Đô Ninh Phước đang duy trì sản lượng cao, dự kiến trung bình đạt 92-93% sản lượng thiết kế giai đoạn 2024 - 2025.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính hiện lưu ý, dự án Hà Đô Ninh Phước có nguy cơ phải giảm giá FIT đáng kể từ năm 2025 và sử dụng khung giá chuyển tiếp làm cơ sở tính giá cho hiện tại do dự án này nằm trong trong danh sách 14 dự án điện mặt trời đang hưởng cơ chế giá FIT sai quy định.

VNDirect Research hiện nhận định giá bán điện dự kiến của dự án Hà Đô Ninh Phước sẽ được các cơ quan chức năng điều chỉnh giảm mạnh khoảng 24%, từ 9,35 cent/kWh xuống còn 7,09 cent/kWh từ năm 2025 trở đi.

Trong khi đó, theo đánh giá thận trọng của MBS Research, giá bán điện của dự án này có thể được áp dụng theo khung chuyển tiếp là 5,1 cent/kWh từ năm 2025 trở đi.

Hiện tại, Hà Đô đang là chủ đầu tư của 8 nhà máy năng lượng, bao gồm: 5 nhà máy thủy điện, 2 nhà máy điện mặt trời và 1 nhà máy điện gió với tổng công suất gần 500 MW, đạt doanh thu khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2030, dự kiến Hà Đô sẽ nâng công suất phát điện lên trên 1GW, với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng/năm.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/tap-doan-ha-do-hdg-nhan-chung-nhan-dau-tu-du-an-dien-gio-huu-phuoc-quy-mo-hon-1700-ty-dong-120338.htm