'Tiến sĩ cua' mong giúp người dân nâng cao thu nhập

Tiến sĩ Cao Việt Bắc có nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đặc biệt là nghiên cứu về loài cua.

Thầy Cao Việt Bắc hướng dẫn sinh viên từng đặc điểm của loài cua. Ảnh: TG

Thầy Cao Việt Bắc hướng dẫn sinh viên từng đặc điểm của loài cua. Ảnh: TG

Nước da ngăm đen, dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị, nếu không phải giờ lên lớp, ít người nghĩ rằng anh Cao Việt Bắc (38 tuổi) là Tiến sĩ chuyên ngành thủy sản, giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Anh Bắc là người có nhiều đề tài nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, đặc biệt là nghiên cứu về loài cua.

10 tuổi đã được dạy nuôi cua

Sinh ra ở ấp Tân Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, vùng đất có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, ngay từ nhỏ, anh Cao Việt Bắc đã gắn bó với các loài thủy, hải sản, đặc biệt là con cua. “Lúc lên 10 tuổi cha đã dạy tôi cách nuôi cua, đặt cua, bắt cua... Cha còn cho tôi làm riêng 2 công vuông để tự nuôi cua lấy tiền ăn học. Kể từ đó, tôi có niềm đam mê mãnh liệt với việc nghiên cứu loài cua”, anh Bắc chia sẻ.

Niềm đam mê loài cua được “ươm mầm” ngay từ nhỏ, nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Bắc quyết định thi vào Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ. Năm 2010, anh tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, được trường giữ lại làm trợ giảng. Song song với công việc trợ giảng, anh Bắc mở thêm trại nhân cua giống tại quê nhà (huyện Đầm Dơi). Do con giống đạt chất lượng, người dân trong vùng thường đến đặt mua nên trại cua của anh sản xuất ra bao nhiêu hết bấy nhiêu.

Nhận thấy công việc ở trường bận rộn, khoảng cách đi lại giữa Cần Thơ và Cà Mau khá xa, cua thường bị bệnh trong quá trình ươm nuôi nên anh Bắc quyết định tạm đóng cửa trại cua giống, dành thời gian tiếp tục học lên thạc sĩ và sau đó là tiến sĩ. “Mình quyết định học tiến sĩ cũng vì muốn nâng cao kiến thức, nghiên cứu cách khắc phục bệnh trên loài cua và sản xuất các giống cua đạt chất lượng cao để cung cấp đến người dân”, anh Bắc nói.

Sau khi nhận bằng Tiến sĩ năm 2014, anh Bắc trở về địa phương để thỏa niềm đam mê nghiên cứu loài cua và tái sản xuất lại trại giống. Năm 2015, anh được nhận vào làm giảng viên chính thức Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau.

Tại đây, người thầy được đặt biệt danh “Tiến sĩ cua” đã có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất tại địa phương, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt dự án nghiên cứu mô hình nuôi cua thâm canh (vỗ béo cua hai da, cua lột; cua gạch, cua thịt) trong hệ thống bể nước tuần hoàn của anh Bắc được đánh giá rất hiệu quả.

“Những năm gần đây, mô hình nuôi từng con cua trong hộp phát triển ở nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, việc nuôi riêng lẻ như thế sẽ tốn nhiều thời gian chăm sóc và chi phí lắp đặt, vận hành nên khó phổ biến rộng rãi trong dân. Mô hình nuôi cua thâm canh trong hệ thống bể nước tuần hoàn có thể giảm nhiều lần chi phí, đỡ tốn thời gian, dễ nhân rộng, người dân có thể nuôi số lượng lớn cung ứng ra thị trường”, anh Bắc phân tích.

Cũng theo Tiến sĩ Cao Việt Bắc, mô hình nuôi cua thâm canh trong hệ thống bể nước tuần hoàn còn có ưu điểm thả được mật độ cao, chủ động kiểm soát chất lượng cua giống; môi trường nước, thức ăn, ánh sáng... Người nuôi có thể quyết định thời gian thu hoạch, chất lượng thịt, gạch của con cua. Mỗi năm, trại sản xuất cua theo mô hình kể trên của gia đình anh Bắc cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn cua vỗ béo, thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Ngoài nghiên cứu đặc tính các loài cua, sản xuất cua, giảng viên Cao Việt Bắc còn nghiên cứu chế biến các sản phẩm từ cua như: Chả cua, chà bông cua; giò chả cua, bánh phồng cua... góp phần nâng tầm đặc sản địa phương.

“Trong quá trình sản xuất, những con cua gãy càng, rụng ngoe; cua yếu nếu đem bán thường bị thương lái mua giá thấp, vì thế mình nghĩ ra cách sử dụng những con cua đó chế biến thành sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, lợi nhuận. Tiêu chí chế biến sản phẩm của mình là không phẩm màu, chất bảo quản và sử dụng thịt cua tươi nguyên chất 100%. Hiện tại, các sản phẩm của mình cũng đã nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng. Mình đang xây dựng thêm các kênh phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ, kể cả trong và ngoài nước”, anh Bắc chia sẻ.

Thầy Cao Việt Bắc và các sản phẩm chế biến từ cua. Ảnh: TG

Thầy Cao Việt Bắc và các sản phẩm chế biến từ cua. Ảnh: TG

Người thầy hết lòng hỗ trợ sinh viên

Dù dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, khởi nghiệp, thế nhưng anh Cao Việt Bắc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy. Anh rất nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên nên được học trò quý mến.

Từ Quốc Kiệt, sinh viên lớp nuôi trồng thủy sản khóa 16, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau chia sẻ, phương pháp dạy của thầy Bắc rất hay, đặc biệt là phần thực hành. Thầy hướng dẫn rất nhiệt tình, cặn kẽ đặc điểm từng loại thủy sản, giúp sinh viên tiếp thu nhanh kiến thức, có thể áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Trước đây, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau không có khu thực hành ngành nuôi trồng thủy sản. Chính thầy Cao Việt Bắc và một số giảng viên trong khoa đã tự bỏ tiền ra xây dựng khu thực hành để sinh viên có chỗ thực tập.

Không chỉ nhiệt tình trong giảng dạy, thầy Bắc còn tích cực hỗ trợ sinh viên tìm việc làm khi ra trường. “Mình có thành lập nhóm Zalo gồm những sinh viên khóa trước ra trường đã có việc làm.

Đối với sinh viên năm cuối ra trường em nào muốn đi làm mình sẽ nhờ các sinh viên khóa trước hỗ trợ; còn em nào muốn mở trại giống hoặc nuôi thủy sản tại hộ gia đình thì mình cũng sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật chuyên môn trong phạm vi có thể. Nhìn chung, ngành thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn ở Cà Mau, cần nguồn nhân lực lớn, nên sinh viên ra trường rất dễ kiếm việc làm”, TS Cao Việt Bắc thông tin.

Hiện, TS Bắc đã liên kết với nông dân và sinh viên hình thành 3 khu nuôi và 1 khu sản xuất sản phẩm từ cua. Ngoài ra, anh cũng hỗ trợ nhiều bạn sinh viên sau khi ra trường mở trại sản xuất giống thủy sản thành công. Dự kiến trong năm nay, anh sẽ xây dựng trại nuôi cua với quy mô sản xuất khoảng 20.000 con cua cốm, cua lột, cua gạch và cua thịt mỗi tháng.

Trong tương lai, anh mong muốn liên kết các xã nghèo của tỉnh nhằm nâng quy mô, hướng dẫn công nghệ nuôi cua cho những hộ dân có nhu cầu. Sau đó, tiến hành bao tiêu sản phẩm và cung ứng ra thị trường, góp phần giúp các hộ nâng cao thu nhập.

Với sự nỗ lực trong giảng dạy và nghiên cứu, Tiến sĩ Cao Việt Bắc nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Mô hình nuôi cua vỗ béo của anh từng vinh dự đạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.

Ngoài ra, anh cũng từng đạt giải Ba quốc gia Hội thi Thiết kế thiết bị đào tạo tự làm “hệ thống nuôi cua thương phẩm và vỗ béo cua biển”; Giải Nhì Cuộc thi khởi nghiệp Cà Mau, giải Ba Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL, cùng giải thưởng phụ mô hình đóng góp vì cộng đồng năm 2023.

Quách Mến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tien-si-cua-mong-giup-nguoi-dan-nang-cao-thu-nhap-post683319.html