Tạo lối mở
Nhiều năm nay, ngành Giáo dục địa phương vẫn chật vật với bài toán thiếu GV. Đây là nỗi lo canh cánh khó giải, nhất là trong bối cảnh phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ viên chức.
Do tính chất đặc thù, hằng năm ngành Giáo dục đều tăng quy mô lớp, học sinh; trong khi số lượng giáo viên lại giảm do nghỉ hưu, chuyển công tác; giáo viên tuyển mới không đủ… Để khắc phục, nhiều địa phương đã xoay sở đủ cách, từ thực hiện dồn dịch trường, lớp; bố trí, sắp xếp, điều chuyển đội ngũ... nhưng tình trạng thiếu giáo viên vẫn không thể khắc phục. Chưa kể đến, một bộ phận giáo viên diện hợp đồng lao động với chế độ tiền lương, tiền công thấp nên không mặn mà với công việc, có xu hướng chuyển nghề. Điều này ảnh hưởng lớn đến tổ chức dạy học và giáo dục trong nhà trường.
Năm 2018, Nghị định số 161/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, bài toán thiếu giáo viên càng trở lên khó giải. Bởi theo Nghị định này, không thực hiện việc ký hợp đồng lao động đối với "những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính hoặc là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên". Hàng nghìn nhà giáo bị cắt hợp đồng, nhiều trường thiếu, thậm chí "trắng" giáo viên ở một số bộ môn.
Học sinh phải dồn lớp, giảm tiết học còn thầy cô day dứt, đứng ngồi không yên bởi chẳng biết tương lai ra sao sau nhiều năm gắn bó với bục giảng. Nhiều người tiếp tục chờ đợi chính sách mới nhưng cũng không ít giáo viên chuyển nghề hoặc dạy thuê cho chính ngôi trường của mình...
Trong bối cảnh này, Nghị quyết 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp Giáo dục và Y tế của Chính phủ được ban hành đã gỡ nút thắt về đội ngũ, đặc biệt thời điểm triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đã gần kề. Theo Nghị quyết, các đơn vị được phép tuyển bổ sung số giáo viên còn thiếu theo định mức được phê duyệt. Được linh hoạt hơn trong việc hợp đồng giáo viên còn thiếu do tăng quy mô lớp, học sinh, giáo viên nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc nghỉ ốm đau, thai sản... để tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường.
Việc không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng đối với giáo viên là cơ sở để nhà trường đề xuất tuyển dụng viên chức, cũng là cơ hội để giáo viên hợp đồng được xem xét tuyển dụng; không còn tình trạng giáo viên hợp đồng kéo dài trong nhiều năm. Bên cạnh đó, cho phép hợp đồng giáo viên theo định mức, đồng nghĩa quỹ tiền lương, tiền công được bảo đảm; chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng sẽ được quan tâm hơn.
Việc ban hành cơ chế chính sách mới, khuyến khích phát triển trường tư thục; xã hội hóa buổi học thứ 2 sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đồng thời tạo cơ chế tăng thu nhập, bảo đảm mức sống để giáo viên yên tâm công tác.
Dù chỉ là cách để "giải quyết khó khăn trước mắt" nhưng Nghị quyết đã tạo lối mở cho giáo viên và nhà trường. Tuy nhiên, để giáo viên hợp đồng yên tâm công tác, không dịch chuyển làm các công việc khác, tránh tình trạng nhiều cơ sở giáo dục có nhu cầu nhưng không có giáo viên để hợp đồng, Bộ Nội vụ cần xem xét, nghiên cứu cơ chế hợp đồng, chế độ tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách khác, bảo đảm mức sống để giáo viên yên tâm cống hiến cho ngành Giáo dục, từ đó phương châm "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp" sẽ được thực hiện hiệu quả, rộng khắp.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tao-loi-mo-20200710102311483.html