Tạo dựng chất lượng dân số bền vững từ sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục
Các chuyên gia kêu gọi sự chung tay của gia đình, cộng đồng và xã hội để phát triển chất lượng dân số bền vững, giảm gánh nặng y tế trong tương lai.
Ngày 26-12, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow với chủ đề "Sức khỏe hôm nay – Chất lượng dân số ngày mai", tập trung vào việc cải thiện chất lượng dân số thông qua các giải pháp như dinh dưỡng, chăm sóc thai kỳ, giáo dục và lối sống lành mạnh.
Theo Thạc sĩ Trần Thị Hồng, Phó trưởng Phòng Sức khỏe sinh sản - Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, chất lượng dân số Việt Nam hiện phụ thuộc vào sức khỏe, giáo dục, kinh tế và văn hóa - xã hội. Trong đó, sức khỏe và giáo dục là yếu tố quan trọng giúp nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe cá nhân, trong khi yếu tố kinh tế giúp gia đình tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.
Mặc dù tuổi thọ trung bình của người dân đã tăng lên trên 74 tuổi, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh chỉ kéo dài đến 64 tuổi, gây ra gánh nặng chi phí y tế cho gia đình, xã hội.
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng dân số, tuy nhiên thói quen ăn uống lạm dụng đồ ăn nhanh, thiếu rau quả... ảnh hưởng xấu đến cả người lớn và trẻ em.
TS-BS Lưu Ngân Tâm, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cho biết chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng từ khi còn trẻ là yếu tố quan trọng để giảm thiểu gánh nặng bệnh tật trong tương lai.
Thạc sĩ Trần Thị Hồng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ngay từ những năm đầu đời, đồng thời khuyến cáo các cặp đôi nên khám sức khỏe trước khi kết hôn để chuẩn bị sức khỏe cho việc mang thai.
Nhấn mạnh chăm sóc thai kỳ rất quan trọng nhằm đảm bảo một thế hệ tiếp theo khỏe mạnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Thị Hồng Nhu, Trưởng Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Từ Dũ, cho biết chăm sóc thai kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề như dị tật bẩm sinh và suy dinh dưỡng thai nhi. Việc sàng lọc và tư vấn chăm sóc thai kỳ là cần thiết để giảm nguy cơ sinh non, bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.