Tăng tốc thu hút dòng vốn FDI lớn, chất lượng cao

Có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục thu hút được dòng đầu tư lớn, chất lượng cao. Tuy vậy, câu chuyện thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến dòng vốn này.

Nhà đầu tư ngoại gia tăng xây chuỗi cung ứng

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực trong bối cảnh có nhiều biến động của kinh tế toàn cầu. Nhận định này được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) đưa ra trong báo cáo vừa công bố về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2025.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm đã có gần 13,82 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2024. Trong số này, ngoại trừ vốn đăng ký mới vẫn đang giảm (đạt hơn 5,59 tỷ USD, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2024), mà phần nhiều là do sự thiếu vắng các dự án quy mô lớn, thì vốn đầu tư tăng thêm và đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng rất mạnh. Các con số tương ứng là 6,4 tỷ USD, tăng gấp gần 3,9 lần và 1,83 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ số vốn tăng, mà số lượng các dự án đăng ký mới, điều chỉnh vốn và số lượng các giao dịch góp vốn, mua cổ phần cũng tăng nhanh và điều này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư Việt Nam tiếp tục được củng cố. Họ không chỉ đến đầu tư mới, mà còn mở rộng quy mô hoạt động.

Chất lượng dòng vốn được nâng lên. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ, EU tiếp tục đầu tư mới và mở rộng đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Cụ thể, Tập đoàn Qualcomm (Mỹ) đã mua lại công ty phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh của VinAI, kỳ vọng xây dựng trung tâm R&D lớn thứ 3 thế giới của công ty về AI tại Việt Nam. Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) mới đây đã khánh thành nhà máy hơn 1,3 tỷ USD ở Việt Nam.

Trong khi đó, Tập đoàn SYRE (Thụy Điển) đang hướng tới việc đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Mỹ và EU. Dự án mà SYRE dự kiến đầu tư tại tỉnh Bình Định có quy mô lên tới 1 tỷ USD.

“Chúng tôi muốn lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư chiến lược do Việt Nam đang phát triển mạnh về năng lượng xanh, cũng có ngành dệt may mạnh. SYRE cam kết sử dụng nhiều nhất nguyên liệu từ Việt Nam, tăng cường chuỗi cung ứng và sản xuất tại Việt Nam”, Chủ tịch SYRE Susanna Campbell cho biết.

Một thông tin tích cực khác, mới đây, ông Tim Cook, CEO của Apple chia sẻ “gần như tất cả” các thiết bị, bao gồm iPad, Mac, Apple Watch và AirPods của công ty được bán tại Mỹ trong quý này đến từ Việt Nam.

Những năm gần đây, Apple liên tục dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam. Foxconn, Luxshare, Goertek - những nhà sản xuất linh kiện, thiết bị cho Apple, không ngừng mở mới và mở rộng các dự án ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Nghệ An… để gia tăng năng lực sản xuất.

“Điều này cho thấy vị trí quan trọng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Cẩn trọng với rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ

Dù dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang tích cực và các nhà đầu tư nước ngoài cũng luôn khẳng định niềm tin vào điểm đến Việt Nam, nhưng các cảnh báo về những ảnh hưởng, rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ đã được đưa ra.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2025, mặc dù Mỹ vẫn duy trì tăng trưởng đầu tư vào Việt Nam (đạt 176,3 triệu USD, tăng 82,2% so với cùng kỳ - PV), song vẫn cần đặc biệt lưu ý đến chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ áp lên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các biện pháp này có thể tạo ra áp lực đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có chuỗi cung ứng gắn với thị trường Mỹ, làm thay đổi tính toán chiến lược đầu tư trong tương lai. “Một số doanh nghiệp có thể tạm dừng mở rộng quy mô, điều chỉnh cấu trúc xuất khẩu hoặc chuyển hướng đầu tư sang các ngành ít chịu ảnh hưởng từ thuế. Theo đó, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến chính sách thương mại của Mỹ và các đối tác lớn, đồng thời tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để đưa ra chính sách ổn định, hỗ trợ nhà đầu tư duy trì niềm tin vào môi trường đầu tư trong nước”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2025 mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã nhấn mạnh việc “cần theo dõi sát diễn biến của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài do một số doanh nghiệp đang có kế hoạch chuyển dần hoạt động lắp ráp, giá trị gia tăng thấp sang các nước khác”.

Để có thể tiếp tục giành ưu thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, thành công trong đàm phán thuế quan với Mỹ là rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 chỉ ra rằng, mặc dù dữ liệu năm 2024 cho thấy Việt Nam đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong việc giảm gánh nặng thủ tục và các trường hợp doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 4 lần trở lên trong một năm, nhưng để duy trì niềm tin của nhà đầu tư, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả thông quan, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Trong một diễn đàn gần đây về thu hút đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên mới, ông Seck Yee Chung (SingCham Việt Nam) cho rằng, Việt Nam đã làm rất tốt trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như đầu tư hạ tầng, nhân lực để tăng sức hấp dẫn nhưng “sẽ tuyệt vời hơn”, nếu thủ tục hành chính được cải thiện để dự án được phê duyệt nhanh hơn.

“Một dự án trong lĩnh vực năng lượng phải mất từ 9 tháng tới 1 năm mới có được giấy phép”, ông Seck Yee Chung nói và bày tỏ hy vọng, tới đây các rào cản gia nhập thị trường với các doanh nghiệp ngoại sẽ được hạ xuống.

Để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính đã đưa ra một loạt giải pháp, trong đó có việc kịp thời nắm bắt, tham mưu xử lý, tháo gỡ ngay các vướng mắc, kiến nghị cho các dự án đầu tư nước ngoài lớn. Bên cạnh đó, phát huy vai trò các tổ công tác để đồng hành, hỗ trợ, giải quyết nhanh thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài lớn để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, tập trung vào các dự án quy mô lớn, công nghệ cao; xây dựng “Cổng một cửa đầu tư quốc gia” hoàn thành trong tháng 8/2025 và “Cổng một cửa đầu tư cấp tỉnh” sau khi sắp xếp lại cấp tỉnh…

Nguyên Đức

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-toc-thu-hut-dong-von-fdi-lon-chat-luong-cao-d280321.html