Tăng tốc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch
Dịch Covid-19 khiến nhu cầu của khách du lịch có nhiều thay đổi, chẳng hạn như khách có xu hướng tự đặt dịch vụ, ít tiếp xúc, tự khám phá theo nhóm nhỏ… Chuyển đổi số chính là giải pháp để ngành du lịch đáp ứng yêu cầu mới của du khách. Nhiều trung tâm du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai… đã tăng tốc chuyển đổi số, giúp khách du lịch thực hiện nhiều dịch vụ từ xa.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, khách du lịch đã có thể đặt phòng, đặt tua, mua vé tham quan, đặt phương tiện di chuyển…, thậm chí có cả một "hướng dẫn viên" thông minh để thực hiện một tua du lịch.
"Trợ lý" trên tay
Những ngày này, khách du lịch đến với Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long khá đông. Hoàng thành Thăng Long có di tích Nhà D67, nơi làm việc của Quân ủy Trung ương trong kháng chiến chống Mỹ. Đây là nơi diễn ra nhiều cuộc họp có tính quyết định của chiến dịch "Mùa xuân 1975". Nhiều vị khách vừa tham quan Nhà và hầm D67 vừa chăm chú… sử dụng điện thoại. Trước đây, muốn hiểu kỹ về những hạng mục di tích trong Hoàng thành, cần có thuyết minh viên đi kèm, nhưng hiện giờ, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, khách du lịch đã có một "trợ lý" thông minh, hướng dẫn toàn bộ lịch trình tham quan.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội đã xây dựng ứng dụng "Hoàng thành Thăng Long" và cập nhật trên cả hệ điều hành Android lẫn iOS. Trưởng phòng Hướng dẫn-Thuyết minh Nguyễn Thị Yến cho biết: "Trung tâm đã xây dựng ứng dụng này để phục vụ nhu cầu ngày một đa dạng của khách. Tất cả các hạng mục của di sản, các hiện vật quan trọng đều được giới thiệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau bằng văn bản và bằng âm thanh. Khi dịch Covid-19 xảy ra, ứng dụng ngày càng được khách quan tâm. Nhiều vị khách đã cùng ứng dụng khám phá mọi "ngóc ngách" của Hoàng thành". Hiện nay, nhiều điểm đến của Hà Nội đã triển khai xây dựng các ứng dụng, hoặc hệ thống thuyết minh tự động như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, làng gốm Bát Tràng, Nhà tù Hỏa Lò, phố cổ Hà Nội...
Không chỉ là hướng dẫn viên, các phầm mềm, trang thông tin này còn là "trợ lý" du lịch, khi cung cấp địa chỉ những nhà hàng, khách sạn, dịch vụ đi lại, các điểm tham quan… lân cận; khách hàng cũng có thể đặt nhiều dịch vụ du lịch qua những nền tảng này. Bên cạnh những ứng dụng cho điểm đến, Sở Du lịch Hà Nội còn xây dựng Cổng thông tin du lịch Hà Nội, vừa có bản web, vừa có ứng dụng trên các nền tảng thông minh. Vào "cổng", du khách có cái nhìn toàn diện về du lịch Thủ đô, gồm điểm đến, hệ thống nhà hàng, khách sạn lẫn bản đồ du lịch. Cổng thông tin này cũng gợi ý khách sắp xếp một lộ trình tùy theo nhu cầu, sở thích… Đặc biệt, tại đây có danh sách những đơn vị kinh doanh du lịch đạt chuẩn để khách yên tâm lựa chọn, hạn chế tình trạng bị "chặt chém" về giá cả. "Cổng" thông tin này còn liên thông với nhiều tiện ích khác.
Những nền tảng công nghệ phục vụ cho du lịch đã được phát triển những năm gần đây, nhưng dịch bệnh khiến các địa phương đều "tăng tốc". Lào Cai là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất miền bắc. UBND tỉnh Lào Cai xây dựng "hệ sinh thái du lịch thông minh", gồm hai kênh: Cổng thông tin du lịch www.laocaitourism.vn và ứng dụng Du lịch Lào Cai trên điện thoại. Các kênh này cập nhật tin tức mới nhất về các địa điểm du lịch, sự kiện văn hóa; tích hợp tính năng đặt tour, nhà hàng, khách sạn.
Nhờ vậy, du khách có thể chủ động lập kế hoạch trong suốt chuyến đi, từ đặt vé, dịch vụ ăn uống, đi lại mà không cần tương tác trực tiếp. Ứng dụng cũng được trang bị nhiều chức năng khác như: Tìm kiếm chung quanh, chỉ đường, tích hợp ảnh 360/3D, thực tại ảo VR, tham quan thực tại ảo tăng cường AR… Nguyễn Quỳnh Phương, sinh viên Học viện Ngân hàng, đang có chuyến du lịch tại Sa Pa chia sẻ: "Chỉ cần vài thao tác trên ứng dụng Du lịch Lào Cai là tôi có thể tìm thấy nhiều điểm vui chơi, tham quan ở chung quanh.
Giá cả thì được niêm yết công khai nên rất yên tâm". Các cơ sở kinh doanh du lịch ở Lào Cai cũng tích cực số hóa các quy trình quản lý kinh doanh. Khách sạn Châu Long, nơi khách có thể ngắm trọn thung lũng Mường Hoa (Sa Pa) là một thí dụ điển hình. Khách sạn đã ứng dụng phần mềm Smile vào quản trị. Chỉ qua điện thoại, lãnh đạo có thể biết rõ số lượng khách đặt phòng, đặt tour, thậm chí cả đồ ăn, thức uống, thời gian khách lưu trú và số tiền khách thanh toán... Giải pháp này rút ngắn được thời gian và tiết kiệm nhân lực tối đa. Theo ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, Sa Pa hiện có khoảng 20 khách sạn loại từ 3-5 sao đã sử dụng phần mềm Smile và rất nhiều cơ sở lưu trú sử dụng phần mềm EzCloud để quản trị khách sạn, nhà nghỉ, homestay…
Tại một trung tâm du lịch lớn khác của miền bắc là Quảng Ninh, "số hóa" cũng đã len lỏi vào mọi "ngóc ngách" của hoạt động du lịch. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch do cơ quan quản lý, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh du lịch "nở rộ" trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Instagram, TikTok… Các nền tảng thông minh cho phép khách du lịch khám phá vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, danh thắng Yên Tử... và đặt các dịch vụ qua mạng hết sức thuận lợi. So với các địa phương khác, Quảng Ninh chú trọng ứng dụng công nghệ vào quản lý du lịch.
Điển hình là việc Ban quản lý vịnh Hạ Long xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử. Việc thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử hiện được áp dụng cho khách du lịch tham quan ban ngày và tham quan lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, chứng từ thu là vé tham quan chuyển đổi theo hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh rất thuận tiện cho du khách nội địa và quốc tế theo dõi. Khi triển khai chuyển đổi theo hóa đơn điện tử, số liệu thu phí, thu dịch vụ hành khách qua cảng được truyền dữ liệu về cơ quan quản lý thuế trong ngày, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về chuyển đổi số.
Ngành du lịch Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ du lịch thông minh như thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động... Sắp tới Khu du lịch Tuần Châu sẽ thí điểm mô hình phố thông minh không dùng tiền mặt. Dự kiến có khoảng 140 điểm kinh doanh, mua sắm, cửa hàng kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia.
Cần sự tiếp sức của chính quyền
"Số hóa" ngành du lịch hiện đang được triển khai chủ yếu trong việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm, đặt các dịch vụ qua các nền tảng thông minh; hỗ trợ khách du lịch tham quan, khám phá, thuyết minh các địa điểm tham quan… Tuy nhiên, chuyển đổi số còn nhiều lĩnh vực khác, thí dụ như bán sản phẩm, quản lý du lịch. Hiện tại các điểm đến, các địa phương đều tăng cường bán sản phẩm trực tiếp đến tay khách hàng qua ứng dụng thông minh, không thông qua đại lý. Tuy nhiên, việc bán hàng trực tiếp này còn nhỏ lẻ.
Trong khi đó, thị phần bán sản phẩm du lịch trực tuyến thông qua đại lý hiện chủ yếu nằm trong tay các đại lý nước ngoài. Các đại lý du lịch Việt Nam như: Vinabooking.vn, Chudu24.com, Ivivu.com, VNTrip, Mytour.vn, Gotadi... chỉ chiếm 20% thị phần. Trong lĩnh vực quản lý du lịch, các phần mềm quản lý đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nhất là quản lý thông tin khách hàng, các thuật toán để có thể hiểu được thói quen, nhu cầu, hành vi của khách hàng…
Song, Giám đốc điều hành Tiên Phong Travel Phùng Xuân Khánh (phố Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) cho biết: "Khoảng 95% số công ty lữ hành Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vốn và nhân lực đều có hạn, nên không tiếp cận hoặc không thể mua được các phần mềm, ứng dụng hiện đại nhất". Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai Trần Bình Sơn cũng cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ nên chuyển đổi số khiến họ phải đầu tư khá lớn. Đây là những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp lực bất tòng tâm.
Đối với lĩnh vực bán hàng, chính quyền cần có giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến có thể lớn mạnh hơn, cạnh tranh với các nền tảng bán hàng thông minh của quốc tế. Việc các địa phương, các điểm đến bán hàng trực tiếp sẽ đem lại lợi ích cho cả người mua lẫn bên bán do không mất chi phí môi giới. Tuy nhiên, ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch Công ty Gotadi, một đại lý du lịch Việt Nam, cho rằng, nếu chỉ vài cơ sở thực hiện việc bán hàng trực tiếp cho khách hàng thì sẽ khó thành công, mà cần xây dựng một "hệ sinh thái".
Điều này rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa-khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cũng bày tỏ mong muốn có thể liên kết với các đơn vị khác trong bán sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Thậm chí có thể xây dựng các gói "combo" để tạo thuận lợi cho khách hàng, đồng thời, đem lại lợi ích cho nhiều điểm du lịch. Để làm được điều này, cần có sự đứng ra của các cơ quan quản lý làm trung gian kết nối, hỗ trợ các đơn vị.