Tăng ngân sách cho GDĐH: Cần xác định mức độ đầu tư với từng nhóm ngành đào tạo
Nhà nước cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đầu tư theo hướng đặt hàng cho các lĩnh vực mũi nhọn và các ngành khoa học cơ bản.
Hiện nay, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học đang ở mức rất thấp (chỉ chiếm khoảng 0,27% GDP), và ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học phân bổ đến các trường đại học cũng đang rất ít.
Trong khi đó, những năm gần đây, học phí không tăng, nguồn thu hạn chế, nhiều trường đại học phải loay hoay tính toán để cân đối bài toán thu chi, đảm bảo cho các hoạt động của nhà trường.
Tại Hội thảo Giáo dục 2023, lãnh đạo nhiều trường đại học đã kiến nghị tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn dài hạn
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hà Nội, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học Việt Nam đang thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Nhiều nước đầu tư ngân sách cho giáo dục đại học chiếm hơn 1% GDP.
Ngân sách cho giáo dục đại học thấp sẽ dẫn tới hệ lụy là cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị, điều kiện giảng dạy không được đầu tư và nâng cấp, người học không được tiếp cận những môi trường, phương tiện học tập hiện đại, chất lượng.
Thêm một hệ lụy nữa là xảy ra tình trạng những người học có điều kiện sẽ lựa chọn ra nước ngoài du học. Hằng năm, số lượng sinh viên ra nước ngoài du học rất lớn, nhưng vấn đề là không phải tất cả đều được tiếp cận với môi trường giáo dục chất lượng tốt. “Chảy máu ngoại tệ" theo con đường học tập nước ngoài cũng đang là một vấn đề rất đáng lo ngại.
Chính vì vậy, tăng ngân sách cho giáo dục đại học là vấn đề quan trọng, bởi đầu tư cho giáo dục đại học là đầu tư cho phát triển.
Giáo sư Hoàng Văn Cường đề xuất, cần phải tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học theo 3 hướng.
Thứ nhất là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn những trường đại học hàng đầu có vai trò dẫn dắt cho cả hệ thống để đầu tư sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, thư viện giảng dạy hiện đại để người học tiếp cận với môi trường giáo dục tầm cỡ thế giới. Nhà nước thực hiện đầu tư bằng các dự án đầu tư công.
Thứ hai là đầu tư cho hoạt động chuyên môn của trường đại học, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học.
Cùng với giảng dạy, chức năng của trường đại học phải gắn với nghiên cứu khoa học, đặc biệt với những trường đại học theo định hướng nghiên cứu, đào tạo trình độ tiến sĩ.
Chính vì vậy, những trường theo định hướng nghiên cứu cần phải được đầu tư ngân sách cho nghiên cứu khoa học nhiều hơn.
“Hơn nữa, phải có tầm nhìn đầu tư dài hạn, tạo ra quỹ nghiên cứu để các trường thực hiện nghiên cứu chuyên sâu những vấn đề theo thế mạnh và theo định hướng của các trường. Thực hiện theo hướng đó thì các trường mới tạo ra được những sản phẩm khoa học hoàn chỉnh.
Còn như hiện nay, Nhà nước thực hiện đấu thầu theo từng đề tài, và các trường thực hiện nghiên cứu đề tài riêng lẻ như thế thì không thể có một sản phẩm hoàn chỉnh, và hệ quả là sẽ không thu hút được nghiên cứu sinh vào tham gia nghiên cứu chất lượng cao.
Chúng ta cần đổi mới đầu tư về nghiên cứu khoa học, không đầu tư theo đề tài đơn lẻ mà đầu tư theo định hướng nghiên cứu dài hạn. Hằng năm xem xét đánh giá các trường thực hiện đạt được kết quả, hiệu quả ra sao, tiến độ đến đâu để điều chỉnh đầu tư cho phù hợp”, Giáo sư Hoàng Văn Cường nhận định.
Thứ ba, Nhà nước cần đầu tư theo hướng đặt hàng cho các lĩnh vực mũi nhọn và các ngành khoa học cơ bản. Nghĩa là phải có định hướng đầu tư và thực hiện đặt hàng công khai, minh bạch.
Trong từng giai đoạn phát triển đất nước, nhà nước cần ưu tiên đào tạo lĩnh vực nào, ngành nghề nào thì sẽ đặt hàng cho các cơ sở giáo dục đại học.
Ví dụ hiện nay đất nước đang có nhu cầu nhân lực về chip bán dẫn thì Nhà nước phải đặt hàng cho cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực đào tạo ngành nghề này theo số lượng và yêu cầu đầu ra cụ thể.
Xác định mức độ đầu tư với từng nhóm ngành đào tạo
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam cho biết, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học thấp sẽ có tác động nhiều mặt đến hoạt động của cơ sở giáo dục và từ đó ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Thứ nhất là tác động đến chất lượng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo. Các cơ sở giáo dục với ngân sách đầu tư thấp sẽ chủ yếu tập trung đảm bảo duy tu, bảo dưỡng để duy trì hoạt động của các cơ sở vật chất hiện có, mà không thể chú trọng đầu tư thêm các trang thiết bị mới, có tính cập nhật để phục vụ công tác đào tạo như: hệ thống phòng thực hành, thí nghiệm, xưởng thực tập, thư viện, các phòng học chuyên ngành…
Từ đó, hạn chế việc đổi mới hoạt động giảng dạy và học tập của cả giảng viên và sinh viên.
Thứ hai là ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên. Quỹ lương chiếm phần lớn trong ngân sách của các cơ sở giáo dục đại học. Mức lương và thu nhập của giảng viên thấp sẽ hạn chế động lực đổi mới, sáng tạo và sự tâm huyết, gắn bó với nghề của đội ngũ giảng viên hiện tại.
Nếu việc này kéo dài thì hệ quả sẽ là vấn đề chảy máu chất xám, cơ sở giáo dục sẽ rất khó tuyển dụng hay thu hút được các ứng viên giảng viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm tốt về công tác.
Xét về tính hệ thống, nếu tiếp tục tiếp diễn tình trạng trên, sẽ có một sự dịch chuyển đội ngũ giảng viên có trình độ cao tại các cơ sở giáo dục đại học công lập sang hệ thống tư thục hoặc các lĩnh vực, các ngành nghề khác và tác động tổng thể đến chất lượng hệ thống giáo dục Việt Nam.
Thứ ba là tác động đến xã hội và người học. Trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay, ngoài ngân sách nhà nước thì học phí là nguồn thu chính của các cơ sở giáo dục đại học. Để đảm bảo duy trì hoạt động khi nguồn ngân sách đầu tư của nhà nước bị tiết giảm, các cơ sở giáo dục đại học buộc phải tăng học phí để bù lại phần thâm hụt.
Như vậy sẽ tác động trực tiếp đến người học, tạo gánh nặng cho xã hội và người dân và gián tiếp, sẽ làm hạn chế cơ hội học tập đại học của những đối tượng người trẻ có năng lực tốt sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn và các gia đình có thu nhập thấp.
Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm nhận định, hiện giáo dục đại học Việt Nam đang chuyển đổi sang cơ chế tự chủ với việc tiết giảm chi phí thường xuyên, chi đầu tư đối với các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Chính phủ định hướng sẽ không giảm đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục đại học và chuyển đổi từ việc cấp ngân sách dàn trải theo quy mô tuyển sinh và đào tạo, sang việc cấp ngân sách qua việc đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học… cho cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, thực tế cho đến nay thì cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ vẫn chưa được triển khai cụ thể đối với các cơ sở giáo dục đại học (trừ khối sư phạm có đặt hàng về đào tạo), trong khi nhiều cơ sở giáo dục được chuyển sang tự chủ với việc cắt chi phí thường xuyên, chi phí đầu tư….
“Cùng với đó, để chia sẻ khó khăn xã hội sau đại dịch Covid-19, gần 3 năm qua, học phí của giáo dục đại học không tăng theo yêu cầu của Chính phủ. Đại đa số cơ sở giáo dục đại học (trừ 23 cơ sở giáo dục đại học được giao thí điểm tự chủ theo Nghị định 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ) đang đứng trước khó khăn, áp lực lớn trong đảm bảo cân đối tài chính trong những năm gần đây.
Những bất cập khó khăn về nguồn thu đã tác động lớn đến thu nhập của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong giai đoạn vừa qua và hiện cũng chưa có định hướng giải quyết từ cấp có thẩm quyền. Nếu việc này kéo dài sẽ tác động không nhỏ đến số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên và chất lượng hoạt động đào tạo nói chung”, Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm cho biết.
Trước thực tế này, việc Nhà nước cần tăng tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục đại học, để từng bước tiệm cận với tỷ lệ đầu tư cho giáo dục đại học của các nước tiên tiến trong khu vực là việc quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, vấn đề hiện đang lúng túng là đổi mới phương thức đầu tư cho giáo dục đại học như thế nào?
Theo thầy Khiêm, trước hết chúng ta cần đẩy nhanh thực hiện xây dựng, đánh giá và phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật cho các ngành đào tạo đại học/sau đại học một cách khoa học và thực tiễn, làm cơ sở cho xác định tổng chi phí đào tạo cho Ngành/Nhóm ngành đào tạo (cấp 4), từ đó xác định tổng thể nguồn lực quốc gia cần thiết cho đào tạo đại học.
Đây là việc đã có lộ trình đưa ra với thẩm quyền phê duyệt định mức kinh tế, kỹ thuật là của cơ quan quản lý cấp trên của các cơ sở giáo dục đại học, song hiện nay chỉ mới có Bộ Y tế đi đầu trong công việc quan trọng này và các cơ sở giáo dục thuộc Bộ Y tế dường như có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.
Cùng với đó, Nhà nước cần xem xét đánh giá phân loại các ngành đào tạo đại học theo một số nhóm ngành đào tạo, dựa trên tính chất đặc thù ngành nghề, mức độ cần thiết, mức độ ảnh hưởng có tính quyết định đối với sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước ở từng giai đoạn.
Đối với mỗi nhóm ngành đào tạo có thể xem xét mức độ đầu tư, tỷ lệ đầu tư của Nhà nước trên tổng chi phí đào tạo chung của nhóm ngành một cách khoa học, hợp lý dựa trên từng giai đoạn phát triển của đất nước.
“Căn cứ vào hai yếu tố trên (định mức kinh tế kỹ thuật và tỷ lệ nguồn lực Nhà nước đầu tư cho từng nhóm ngành đào tạo), đồng thời đối chiếu với năng lực đào tạo thực tế của từng cơ sở giáo dục (năng lực này có thể xác định bằng bình quân số sinh viên tốt nghiệp ngành đào tạo trong vòng 05 năm liền kề), Nhà nước bố trí và phân bổ nguồn lực cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Mức phân bổ đầu tư này có thể được xác định hằng năm hoặc ổn định cho một giai đoạn (3-5 năm) tùy thuộc vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của đất nước ở từng giai đoạn.
Bài toán phân bổ nguồn lực này cũng cần đảm bảo gắn kết với Quy hoạch quốc gia mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và tránh dàn trải trong đầu tư cho giáo dục đại học”, Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm đề xuất.