Giải thưởng Võ Trường Toàn năm 2024: Hòa cùng dòng chảy công nghệ

Trong bối cảnh ngành giáo dục - đào tạo chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đóng vai trò then chốt trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhờ đó, mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho người học được triển khai đồng bộ, nâng cao hiệu quả giáo dục.

Những giờ học nhiều màu sắc

Có mặt tại Trường Mầm non 4 (quận 3, TPHCM) một ngày giữa tháng 11, giờ học của cô Nguyễn Thụy Ngọc Trâm, giáo viên lớp Lá 2, luôn rộn rã tiếng cười. Cô Trâm cho biết, nhờ linh hoạt áp dụng các phần mềm công nghệ, sau đó trình chiếu lên màn hình tương tác giúp bài giảng trở nên sinh động, tăng hiệu quả tiếp nhận đối với học sinh. Đơn cử, với bài học về con hổ, giáo viên lồng ghép hình ảnh, âm thanh, video giúp trẻ có thể “nhìn tận mắt” hình dáng, “nghe tận tai” tiếng gầm rú và quan sát thói quen săn mồi của loài hổ. Không gian lớp học không còn giới hạn trong bốn bức tường mà được “biến hóa” thành góc rừng thu nhỏ với sự có mặt của nhiều loài động vật, cây cối. Để làm được điều đó, giáo viên phải có kỹ năng tìm kiếm, chọn lựa tư liệu trên mạng internet, kết hợp thêm hiệu ứng công nghệ giúp bài học trở thành chuyến du hành hấp dẫn với học sinh.

 Cô Nguyễn Thụy Ngọc Trâm, giáo viên Trường Mầm non 4 (quận 3) trong giờ dạy kết hợp hiệu ứng công nghệ

Cô Nguyễn Thụy Ngọc Trâm, giáo viên Trường Mầm non 4 (quận 3) trong giờ dạy kết hợp hiệu ứng công nghệ

Đối với cô Trâm, mỗi học sinh là một thế giới riêng nhiều màu sắc. Có bạn tiếp thu bài học nhanh, dạn dĩ, có bạn tiếp thu chậm hơn, ngại giao tiếp. Cái khó của giáo viên là làm sao trở thành bạn đồng hành với tất cả học sinh. “Tôi cho rằng kiên nhẫn là yêu cầu quan trọng nhất đối với giáo viên mầm non. Từng sự tiến bộ dù là nhỏ nhất của các con đều trở thành động lực giúp tôi cố gắng nhiều hơn mỗi ngày”, cô Trâm bày tỏ.

Chặng đường 15 năm làm nghề của cô, không thể đếm hết những buổi trưa ăn vội chén cơm để dành thời gian chăm sóc trẻ. Có những ngày mệt mỏi, sự thiếu cảm thông của phụ huynh khiến trái tim nhà giáo như thắt lại. Nhưng với tình thương dành cho trẻ, cô chưa bao giờ muốn dừng lại. Nghề giáo tuy vất vả, song càng dấn thân càng muốn gắn bó. Một ánh nhìn thơ ngây của trẻ, những tiếng gọi hồn nhiên “cô Trâm ơi”, “cô Trâm à” khiến tất cả mệt mỏi đều tan biến. Mỗi ngày đến lớp, cô Trâm luôn giữ nguồn năng lượng tích cực, chủ động gần gũi, yêu thương học sinh. Có trẻ khi lên bậc học cao hơn quay về trường thăm cô, có trẻ không bao giờ gặp lại, nhưng với cô, việc được đồng hành trong những bậc thang đầu đời của trẻ là niềm hạnh phúc to lớn, giúp cô luôn tự hào về sứ mệnh “trồng người”.

Ông NGUYỄN BẢO QUỐC, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

TPHCM xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ quan trọng, song hành với yêu cầu đổi mới giáo dục. Thông qua các đề án chuyển đổi số, giáo dục thông minh, diện mạo của giáo dục thành phố đang có nhiều thay đổi quan trọng, từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, kéo gần khoảng cách giữa khu vực ngoại thành và nội thành, tạo nên phong trào học tập sôi nổi với nhiều phương pháp dạy học mới, nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành.

Làn gió mới cho hoạt động của học sinh

Nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên từ lúc là học sinh tiểu học, khi bước vào đại học, cô Trần Thị Như Quỳnh, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp, TPHCM) vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Nghề giáo vừa là quyết tâm, đồng thời cũng là ước mơ duy nhất của cô. Qua nhiều năm theo nghề, cô luôn cảm thấy mình may mắn vì nhận được tình cảm yêu mến, sự kính trọng, tin tưởng của học sinh và phụ huynh.

 Cô Trần Thị Như Quỳnh, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp) và các em học sinh

Cô Trần Thị Như Quỳnh, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Gò Vấp) và các em học sinh

Tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, một ngày làm việc của cô Như Quỳnh bắt đầu từ 6 giờ 30 phút với các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ học sinh ăn sáng. Bước vào các tiết học, cô chủ động lồng ghép các đoạn video, hình ảnh, sử dụng phần mềm chuyển đổi giọng nói giúp bài giảng trở nên sinh động và trực quan hơn. Đặc biệt, mỗi buổi trưa, trước giờ học sinh đi ngủ, cô thường dành 5-10 phút kể các câu chuyện hạt giống tâm hồn, kỹ năng sống giúp học sinh dễ đi vào giấc ngủ, qua đó chuyển tải thông điệp về các giá trị sống, bài học đạo đức gần gũi với lứa tuổi học sinh.

Cô Như Quỳnh cho biết, ở độ tuổi 40, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin không nhanh bằng đồng nghiệp trẻ nhưng cô vẫn tự tay mày mò, đầu tư nhiều thời gian, công sức để cắt, dựng video, sử dụng ứng dụng lồng tiếng cho các nhân vật hoạt hình, thiết kế ra nhiều trò chơi để tạo hứng thú cho học sinh. Trước đây, Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 lấy học sinh làm trung tâm thì nay với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động của học sinh là mục tiêu trọng tâm giáo viên cần hướng đến. Thông qua các hoạt động học tập, học sinh chủ động phát hiện kiến thức và luyện tập kỹ năng. Do đó, để nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động học tập trên lớp, giáo viên phải chủ động đổi mới phương pháp, đa dạng hình thức tiếp cận, phát huy vai trò làm chủ của học sinh. Đó không chỉ là yêu cầu bắt buộc của công việc mà còn là tâm huyết, sự vun vén, niềm tin cô dành cho các thế hệ học trò.

Trở thành phiên bản tốt hơn

Thầy Vũ Tấn Hưng, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5, TPHCM) tốt nghiệp hệ cao đẳng chuyên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM). Trong thời gian chờ học để có bằng cử nhân, thầy thử sức với việc giảng dạy tại Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú). Những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, chàng trai trẻ chỉ xem đó là công việc tạm thời để kiếm thêm thu nhập. Ngày tháng trôi qua, sự háo hức của học trò khi tiếp cận kiến thức mới, những tình cảm hồn nhiên của các em khiến thầy nhận ra trái tim mình đã thuộc về bảng đen, phấn trắng. Thầy Tấn Hưng quyết định nộp hồ sơ tuyển dụng vào ngành giáo dục. Năm 2006, thầy được phân công giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

 Thầy Vũ Tấn Hưng, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) trong một giờ lên lớp

Thầy Vũ Tấn Hưng, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) trong một giờ lên lớp

Nhờ có lợi thế về nền tảng công nghệ thông tin, am hiểu các công cụ kỹ thuật số, thầy Hưng đã triển khai nhiều ứng dụng như Google Classroom, Google Meet, Quizizz, Padlet, Online Judge… vào phương pháp dạy học ở lớp. Những công cụ này không chỉ giúp thầy truyền đạt kiến thức mà còn tạo ra môi trường học tập giàu tính tương tác, giúp học sinh có thể đặt câu hỏi, làm bài tập, nhận phản hồi từ giáo viên một cách nhanh chóng. Các bài giảng và tài liệu số hóa cho phép học sinh truy cập mọi lúc, mọi nơi, thúc đẩy khả năng tự học và tiếp cận kiến thức linh hoạt. Cùng với sự phát triển nhanh của công nghệ, hiện nay, học sinh và giáo viên đang có nhiều thay đổi trong thói quen học tập. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giúp người dạy và người học làm chủ được việc học, đồng thời tham gia hiệu quả vào hệ thống quản lý dạy học trực tuyến, mang làn gió mới đến hoạt động dạy học của các trường học.

Trải lòng với chúng tôi, thầy Hưng cho biết, thầy giáo cũng là một… người học trên chính hành trình làm nghề của mình. Người thầy tốt là người luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân, trở thành phiên bản tốt hơn ngày hôm qua. Trong đó, ý thức trách nhiệm kết hợp sự nhiệt tình sẽ giúp các thầy, cô giáo cho ra đời những bài giảng mang đậm hơi thở cuộc sống, chạm được tâm hồn và trí óc của người học.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, đến cuối năm học 2023-2024, hơn 80% trường học trên địa bàn thành phố đã triển khai kho học liệu số. Từ năm học 2023-2024, thành phố triển khai thí điểm học bạ số đối với học sinh lớp 1; năm học 2024-2025 tiếp tục thí điểm đối với học sinh lớp 6 và số hóa dữ liệu học bạ cấp tiểu học, THCS; năm học 2025-2026 thí điểm đối với học sinh lớp 10 và số hóa dữ liệu học bạ cấp THPT. Đặc biệt, trong năm học 2024-2025, toàn ngành tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng đến thực hiện chủ đề năm học là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TPHCM”.

THU TÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giai-thuong-vo-truong-toan-nam-2024-hoa-cung-dong-chay-cong-nghe-post768582.html