Tăng mức trích lập quỹ đầu tư phát triển lên tối đa 80% lợi nhuận sau thuế

Tại dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới nhất, Bộ Tài chính đã đề xuất tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế (Điều 15 và Điều 18) lên tối đa 80%, tăng so mức 30% đề xuất trước đây.

Ngày 12/7, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Đức Minh

Tăng quyền chủ động, tạo sự linh hoạt cho doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nêu rõ, việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật số 69/2014/QH13.

Đồng thời hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, nâng cao quyền tự chủ, vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước tương xứng với nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế.

Góp ý về nội dung dự thảo, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đánh giá cao các nguyên tắc dự thảo luật đề ra như tách bạch quản lý vốn nhà nước và chủ sở hữu, tăng cường phân cấp gắn với giám sát, đánh giá hiệu quả theo tổng thể…

Đồng thời, kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn Nhà nước; loại bỏ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn; đồng thời luật hóa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành hiện hành đã ổn định và phù hợp với thực tế.

Về các nội dung cụ thể, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho rằng, việc Bộ Tài chính đề xuất tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế tối đa 80%, tăng so với mức ở dự thảo trước đây là 30% là hợp lý để tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp, tạo sự linh hoạt, kịp thời, tăng tính hiệu quả trong việc sử điều hành, sử dụng quỹ.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Văn Mậu phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Văn Mậu phát biểu. Ảnh: Đức Minh

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Văn Mậu cũng ủng hộ việc nâng tỷ lệ trích lập quỹ đầu tư phát triển để tạo thuận lợi doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để giảm rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp khi sử dụng vốn, đại diện PVN đề nghị quy định rõ hơn việc sử dụng nguồn này như thế nào, có phải là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hay không.

Đối với việc phân cấp quản lý doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Mậu băn khoăn về nguyên tắc phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp F1 (doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp), doanh nghiệp F2 (doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp).

Để đảm bảo linh động, kịp thời, Phó Tổng Giám đốc PVN đề xuất với doanh nghiệp F2 mà doanh nghiệp F1 sở hữu 100% vốn, thì thực hiện nguyên tắc phân phối lợi nhuận như với doanh nghiệp F1. Còn với doanh nghiệp F2 là công ty cổ phần thì giao lại cho doanh nghiệp F1 quyết định theo điều lệ của công ty. Phân phối lợi nhuận cho công ty cổ phần phải rất linh động theo thực tế. "Chẳng hạn, nếu đang có dự án cần đầu tư, có thể sẵn sàng phải để lại 100% vốn để đầu tư, nếu thu về thì sẽ khó khăn về công cụ tài chính" - đại diện PVN cho hay.

Hội thảo diễn ra sáng ngày 12/7. Ảnh: Đức Minh

Hội thảo diễn ra sáng ngày 12/7. Ảnh: Đức Minh

Giải thích làm rõ một số vấn đề, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Bùi Tuấn Minh nêu rõ các nội dung quy định thể hiện đúng như tên Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Nhà nước đầu tư vốn thì phải có sự quản lý.

Khi quản lý theo dòng vốn, thực tế có nhiều doanh nghiệp F2 rất lớn, có ảnh hưởng quan trọng đến kinh tế, xã hội. Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng đối tượng đến các doanh nghiệp F2 với mong muốn có quy định sao cho thống nhất, các doanh nghiệp dễ hiểu, dễ làm và tránh rủi ro pháp lý, chứ không phải để thêm cấp quản lý hay hạn chế quyền của doanh nghiệp.

Về Quỹ đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp, như tên gọi của quỹ, đây là nguồn lợi nhuận sau thuế để tại doanh nghiệp, không phải là của doanh nghiệp.

Quỹ Đầu tư phát triển sử dụng để xử lý tài chính đối với các dự án kinh doanh thua lỗ do điều kiện khách quan theo quyết định của cấp có thẩm quyền; chi trả tiền lương, tiền công cho các đối tượng do cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn cử, giới thiệu, thuê; thuê kiểm toán báo cáo tài chính; đầu tư bổ sung vốn vào doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh, dự án tăng cường năng lực quản trị của doanh nghiệp; nộp về ngân sách nhà nước, điều chuyển giữa các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn theo quyết định của cấp có thẩm quyền

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đã rất mạnh dạn đề xuất tỷ lệ trích lập Quỹ Đầu tư phát triển để tại doanh nghiệp từ lợi nhuận sau thuế (Điều 15 và Điều 18) lên tối đa 80%, để “đảm bảo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc tái đầu tư từ lợi nhuận hàng năm, qua đó nâng cao hiệu suất đầu tư từ phần vốn của nhà nước”, ông Bùi Tuấn Minh cho hay.

Kỳ vọng gỡ những "hòn đá tảng" kéo lùi doanh nghiệp

Theo ông Bùi Hồng Minh - Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp liên quan rất mong chờ luật này sớm được thông qua để tháo gỡ những khó khăn trong quản lý cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, doanh nghiệp có vốn nhà nước gặp nhiều vướng mắc, lúng túng về phương hướng hoạt động sắp tới cũng như việc xử lý các tồn tại cũ trước đây. "Nhiều tài sản không sinh lời, chịu tổn thất lớn về giá trị, nhưng xử lý rất khó khăn, như 'hòn đá tảng' kéo lùi doanh nghiệp. Có doanh nghiệp trong bảng tổng kết có tới 2/3 tài sản khó khăn, kéo chi phí tăng cao, khiến doanh nghiệp thua lỗ triền miên" - ông Bùi Hồng Minh cho hay.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-muc-trich-lap-quy-dau-tu-phat-trien-len-toi-da-80-loi-nhuan-sau-thue-154876.html