Đưa chồng ung thư về nhà, người vợ Ấn Độ bị xâm hại trên xe cứu thương
Làn sóng phẫn nộ dâng lên ở Ấn Độ khi một phụ nữ bị xâm hại ngay trên chiếc xe cứu thương mà cô thuê để chở người chồng bị ung thư từ bệnh viện về nhà.
Ấn Độ đang chứng kiến làn sóng phẫn nộ trên toàn quốc sau một loạt vụ hiếp dâm nghiêm trọng gần đây, thu hút sự chú ý của quốc tế. Vụ việc mới nhất xảy ra ở bang Uttar Pradesh khiến dư luận bàng hoàng. Một phụ nữ ở thành phố Lucknow thuê xe cứu thương tư nhân để chở người chồng bị ung thư về nhà do không đủ khả năng chi trả viện phí. Trên đường đi, cô bị tài xế và phụ xe cưỡng bức.
Đáng phẫn nộ hơn, khi người chồng cố can thiệp để cứu vợ mình, tài xế và phụ xe đã ngắt nguồn ôxy của anh, khiến anh lâm vào tình trạng nguy hiểm. Người em trai đi cùng cũng bị đe dọa đến tính mạng, bất lực không thể cứu giúp.
Sau đó, cả ba nạn nhân bị ném xuống xe cách nhà khoảng 150km. Mặc dù người chồng được đưa đến bệnh viện Gorakhpur bằng xe cứu thương khác nhưng anh đã qua đời khi vừa đến cổng viện.
Trước đó không lâu, một vụ cưỡng bức và sát hại cũng đã xảy ra tại một bệnh viện ở Kolkata. Nạn nhân là nữ bác sỹ thực tập 31 tuổi. Sau ca trực đêm, do không có phòng nghỉ riêng, cô đã nghỉ ngơi trong phòng hội thảo. Hôm sau, đồng nghiệp phát hiện thi thể bán khỏa thân của nữ bác sỹ với dấu hiệu bị bạo hành tập thể.
Vụ việc này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình trên toàn quốc. Các bác sỹ và nhân viên y tế đã xuống đường, Hiệp hội Y khoa Ấn Độ thậm chí còn phát động một cuộc đình công toàn quốc. Người biểu tình hô vang khẩu hiệu "Không an toàn, không làm việc" và từ chối điều trị cho bất kỳ ai ngoại trừ các ca cấp cứu.
Theo số liệu từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia Ấn Độ (NCRB), từ năm 2017 đến 2022, Ấn Độ ghi nhận 189.000 vụ hiếp dâm. Trung bình mỗi ngày có 86 vụ được báo cáo, nghĩa là cứ 20 phút lại có một phụ nữ trở thành nạn nhân. Mặc dù luật pháp Ấn Độ quy định kẻ hiếp dâm có thể bị tuyên án tử hình nhưng trong 24 năm qua, chỉ có 5 người bị kết án tử. Như vậy, dù có luật pháp, số vụ hiếp dâm ở Ấn Độ vẫn không giảm và tỷ lệ kết án cũng không tăng.
Tình trạng này đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về sự an toàn của phụ nữ ở Ấn Độ, đồng thời đặt ra câu hỏi về hiệu quả của hệ thống tư pháp trong việc ngăn chặn và xử lý các tội phạm tình dục tại đất nước này.