Thêm ứng dụng gọi xe rời Việt Nam, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
Lần lượt các hãng xe công nghệ như Uber, GoViet, Baemin và mới nhất là Gojek lời chia tay Việt Nam sau vài năm thử sức cho thấy bức tranh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường gọi xe công nghệ.
Tuy nhiên, điều này cũng mở ra nhiều cơ hội cho các DN Việt trong gia tăng chiếm lĩnh thị trường đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng nhưng vẫn còn không ít dư địa này.
Từ ngày 16/9/2024, nền tảng gọi xe, chuyển phát và giao đồ ăn Gojek- thuộc Tập đoàn GoTo (GoTo Group) sẽ chính thức dừng các hoạt động tại Việt Nam, để tập trung tìm kiếm lợi nhuận tại các thị trường chính là Indonesia và Singapore. Nguyên nhân Gojek rời Việt Nam được cho là để đánh giá lại sự hiện diện trên thị trường, tối ưu hóa tăng trưởng. Quyết định này cũng nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và phù hợp với chiến lược tăng trưởng dài hạn của công ty.
Mặt khác, theo Bloomberg, công ty thua lỗ và phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Grab Holdings Ltd. (trụ sở tại Singapore) - một hãng xe công nghệ khác tại một số thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Vì thế, DN này buộc phải cắt giảm chi tiêu khi tốc độ tăng trưởng của người dùng chậm lại.
Quyết định chia tay thị trường Việt Nam cũng cho thấy một bức tranh cạnh tranh khốc liệt của các ứng dụng gọi xe. Theo báo cáo “Mức độ phổ biến của ứng dụng gọi xe máy năm 2024” từ Q&Me, Grab vẫn là hãng xe được người Việt sử dụng nhiều nhất, nhưng thị phần đã bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi hai hãng nội địa là Be và Xanh SM. Trong khi Gojek bị đẩy xuống vị trí thứ 4.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, 42% người Việt lựa chọn Grab khi sử dụng dịch vụ di chuyển bằng xe máy, Be và Xanh SM lần lượt chiếm 32% và 19%, trong khi chỉ có 7% người dùng thường xuyên sử dụng Gojek.
Cách đây vài năm, Gojek từng chiếm vị trí cao hơn, nhưng đã bị đẩy lùi trong bối cảnh thị trường có thêm sự cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, Grab vẫn giữ vững vị trí thống trị thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam, mặc dù khoảng cách với các đối thủ như Be và Xanh SM đang dần thu hẹp.
Trước Gojek, một nền tảng giao đồ ăn khác là Baemin cũng đã nói lời chia tay Việt Nam từ 8/12/2023 do “tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự canh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại” - theo Baemin Việt Nam.
Năm 2018, một ứng dụng gọi xe khác là Uber đã bán toàn bộ mảng kinh doanh tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho đối thủ là Grab. Sự ra đi của Gojek và một số ông lớn thế giới khỏi thị trường Việt Nam để lại cho các hãng xe công nghệ còn lại gồm Grab, Be Group, Xanh SM… một khoảng trống dư địa thị trường có thể khai thác.
Có thể thấy, thị trường xe công nghệ là một trong những lĩnh vực thấy rõ nhất sự vươn lên của các thương hiệu nội địa, dù gia nhập thị trường sau DN ngoại, ít hơn cả về vốn đầu tư lẫn kinh nghiệm nhưng lại tăng trưởng để chiếm dần thị phần về tay.
Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu Statista công bố năm 2021, có 60% số người dùng tại Việt Nam thường xuyên sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ của Grab, 19% sử dụng Gojek và 18% chọn Be. Nhưng đến năm 2024, thứ hạng có sự thay đổi mạnh mẽ dù Grab vẫn giữ vị trí đầu về thị phần.
Be Group nhanh chóng đứng thứ 2, tăng thêm 13% lượng người dùng thường xuyên. Sự xuất hiện của Xanh SM vào tháng 4/2023 nhưng đã kịp vươn lên đứng thứ 3, đẩy Gojek xuống thứ 4 trong số những hãng xe công nghệ được dùng nhiều nhất.
Dễ dàng đặt chỗ, khuyến mãi hấp dẫn và giá cả cạnh tranh là 3 lý do hàng đầu khiến người dùng ưu tiên dùng các ứng dụng gọi xe công nghệ, trong đó có “xe ôm” công nghệ. Theo các thống kê, ngân sách chi tiêu cho dịch vụ gọi xe di chuyển trên các ứng dụng chiếm khoảng 40%, khoảng 80% số đó là chi cho dịch vụ di chuyển bằng xe máy.
Như vậy, có thể thấy, dù thị trường gọi xe công nghệ đã qua thời kỳ “đẻ trứng vàng”, tuy nhiên, dư địa vẫn còn rất lớn do nhu cầu đi lại vẫn cao. Vì thế, sự rời đi của các “ông lớn” nước ngoài một mặt cũng sẽ là cơ hội cho các DN Việt nếu họ có chiến lược và kế hoạch bài bản để chiếm lĩnh thị trường còn nhiều dư địa này.