Tăng diện tích quảng cáo trên báo in lên 30% hay tùy cơ quan báo chí quyết định?
Hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính.
Chiều 25/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Liên quan vấn đề quảng cáo trên báo in, dự thảo luật có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất điều chỉnh tăng diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo in, theo đó diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác. Loại ý kiến thứ hai, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất loại ý kiến thứ 3 là nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường. Vì hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính.
"Báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu, nên họ quảng cáo trên báo in nhiều hay ít, rộng hay hẹp là tùy thuộc cơ quan báo chí đó. Chúng ta cũng đừng lo việc quảng cáo nhiều quá, vì nếu bạn đọc đọc báo thấy quảng cáo nhiều quá, người ta sẽ chán, tẩy chay thì tờ báo sẽ không có doanh thu, còn bạn đọc chịu được thì thôi, chúng ta không nên bó hẹp...", ông lý giải.
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (An Giang) cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.
Vì vậy, bà đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cũng thống nhất các chính sách như Ban soạn thảo đưa ra nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính, giúp nâng cao chất lượng nội dung trong bối cảnh hiện nay diện tích quảng cáo của các loại báo chí truyền thống bị giảm thu từ quảng cáo của các nhãn hàng.
"Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ ra nguyên nhân sụt giảm, trong đó nguyên nhân chính là quảng cáo trực tuyến có lợi thế áp đảo về công nghệ đã thu hẹp nguồn quảng cáo của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, quảng cáo phụ thuộc vào doanh nghiệp, họ có quyền "book" trên các loại hình mà người dân nhận diện được trong đó có các nền tảng mạng xã hội", đại biểu nêu thực tế.
Từ đó, bà đề nghị Ban soạn thảo rà soát các luật liên quan, có các cơ chế, chính sách để các cơ quan báo chí, truyền hình thực hiện chính nhiệm vụ chính trị của mình, là kênh chính thống, uy tín, qua đó thu hút khách hàng là độc giả, doanh nghiệp chủ động tìm đến, bên cạnh giải pháp "tăng tỷ lệ quảng cáo trên báo giấy" khi chúng ta chưa khai thác hết dung lượng quảng cáo đã đề ra.
Tranh luận về nội dung này, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, các ý kiến của các ĐBQH đều nêu quan điểm, việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là thiếu quảng cáo.
"Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác nữa hiệu quả hơn báo in", ông nói và ủng hộ ý kiến ĐBQH Phạm Văn Hòa, nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo. Song cạnh đó, ông cũng bày tỏ lo lắng nếu giao tự chủ, tự quyết diện tích quảng cáo thì có thể dẫn đến một số cơ quan báo chí có lượng bạn đọc ổn định, lượng phát hành ổn định hoặc báo do ngân sách Nhà nước bảo đảm mà lại tăng diện tích quảng cáo lên thì rất phản cảm.
Do đó, ngoài quy định đầy đủ, hoàn thiện về nội dung này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị nên để cơ quan báo, tạp chí quyết định diện tích quảng cáo trên báo in, trừ cơ quan báo chí đặc thù, cơ quan báo chí sử dụng ngân sách Nhà nước, các cơ quan báo chí đặt hàng, các báo được "bao tiêu sản phẩm"… Có nhiều cách để điều tiết vấn đề này, tuy nhiên nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tức là các cơ quan báo chí đặc thù, báo do ngân sách Nhà nước bảo đảm thì Chính phủ quy định chi tiết; còn lại nên quy định "mở", khoáng đạt với anh em báo chí, "vì quản thì không thể xuể".
"Quy định như vậy sẽ cởi mở và hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, vì người đọc rất tinh tường, sẽ lựa chọn những sản phẩm đứng đắn, đàng hoàng và có trách nhiệm với công chúng, với xã hội", đại biểu chia sẻ thêm.