Tăng cường thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
Thực hiện Nghị quyết số 121 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, các cấp, ngành, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ chính sách pháp luật cho trẻ em, phụ huynh học sinh. Các vụ việc xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh; số vụ dâm ô, xâm hại trẻ em giảm đáng kể.
Những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể địa phương.
Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và triển khai các văn bản hướng dẫn mới ban hành liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em đến các đơn vị trực thuộc; đồng thời, xây dựng mạng lưới đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội cấp cơ sở để kịp thời hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và sự đồng thuận trong xã hội.
Sở LĐ- TB&XH thường xuyên phối hợp với các đơn vị khác có liên quan biên soạn các loại tài liệu, sách, tờ rơi… đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Trong đó, đặc biệt chú trọng truyền thông đến đối tượng là trẻ em, người chăm sóc trẻ em tại các địa bàn nông thôn, miền núi, khu vực có nhiều lao động ngoại tỉnh; phối hợp chặt chẽ với các trường học tổ chức nhiều hoạt động truyền thông giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống, phòng, chống ma túy, phòng, chống HIV/AIDS, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, phòng, chống đuối nước cho trẻ em; tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục an toàn giao thông, giáo dục kỹ năng sống.
Trong năm học 2021-2022, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở GDĐT tổ chức truyền thông, tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại bạo lực, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gần 22 nghìn học sinh tại 25 trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống xâm hại trẻ em được sở thực hiện định kỳ hằng năm. Qua đó, đã nắm bắt và đánh giá được việc chấp hành các quy định sử dụng lao động là trẻ em tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề. Đồng thời, nhắc nhở các địa phương theo dõi, quản lý chặt chẽ việc giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em và có ý kiến kịp thời với cơ quan chức năng để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ.
Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phối hợp với lực lượng công an theo dõi, nắm bắt tình hình, xử lý các vi phạm về xâm hại trẻ em nhanh chóng, kịp thời, không để xảy ra sai phạm, không có khiếu nại, tố cáo.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, xã hội, số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ xâm hại trẻ em, giảm 15 vụ so với năm 2020.
Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều vụ việc xâm hại tinh thần trẻ qua mạng xã hội gây ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe và sự phát triển trí tuệ của trẻ. Để tiếp tục ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng là xử lý nghiêm minh, kiên quyết các trường hợp dâm ô, xâm hại trẻ em, không bao che, để lọt tội phạm, mỗi gia đình cần quan tâm, chăm sóc, quản lý con trẻ, đảm bảo cho trẻ có môi trường sống an toàn, lành mạnh