Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chỉ đạo, phát hiện án liên quan đến kinh tế, tham nhũng, tiêu cực

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Bởi công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá ở từng chức năng, nhiệm vụ.

Nhất quán từ nhận thức đến hành động

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Cán sự Đảng, viện kiểm sát nhân dân (VKSND) hai cấp tỉnh Sóc Trăng nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc liên quan đến tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ.

Theo đồng chí Đinh Gia Hưng - Bí thư Ban Cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh, đơn vị luôn chủ động phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan điều tra cùng cấp, đảm bảo yêu cầu về “chính trị - pháp luật - nghiệp vụ”; tuân thủ nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự. Đơn vị chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, "trọng chứng hơn trọng cung", kịp thời chuyển hóa chứng cứ, chứng minh tội phạm theo quy định Bộ luật Tố tụng Hình sự. Đối với những tin báo rõ ràng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm, kiểm sát viên sẽ chủ động trao đổi, yêu cầu điều tra viên nhanh chóng đưa ra giải quyết. Những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm, lãnh đạo viện và kiểm sát viên sẽ phối hợp với lãnh đạo cơ quan điều tra, điều tra viên để trao đổi, đánh giá tài liệu, chứng cứ và thống nhất hướng giải quyết để vụ việc được giải quyết nhanh chóng, kịp thời với phương châm: “Rõ tới đâu, xử lý tới đó; xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng với diện đối tượng phụ thuộc, phải chấp hành, không bàn bạc, không có động cơ vụ lợi, ăn năn, hối cải, tích cực hợp tác trong quá trình giải quyết vụ án, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại”.

Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh Sóc Trăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiểm sát chặt chẽ đối với án liên quan kinh tế, tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: SỚM MAI

Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh Sóc Trăng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiểm sát chặt chẽ đối với án liên quan kinh tế, tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: SỚM MAI

Để hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội, khi thực hiện nhiệm vụ, kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin và trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Chủ động đề ra yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra nhằm làm rõ bản chất của tội phạm và người phạm tội cũng như chủ động báo cáo tiến độ giải quyết với lãnh đạo tranh thủ xin ý kiến đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, xác minh, điều tra. Đồng thời, còn đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, đề xuất phê chuẩn quyết định khởi tố, áp dụng thay đổi biện pháp ngăn chặn; tích cực nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, yêu cầu giám định, định giá tài sản đúng pháp luật.

Nâng cao chất lượng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực án tham nhũng, chức vụ có xu hướng giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, trong kỳ các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh đã thụ lý giải quyết 7 nguồn tin về tội phạm tham nhũng, chức vụ; khởi tố mới 4 vụ, 3 bị can. Đối tượng vi phạm chủ yếu thuộc các tổ chức ngoài nhà nước và hành vi phạm tội chủ yếu là tham ô tài sản. Việc phát hiện các hành vi vi phạm này xuất phát từ tố giác của các cá nhân, tổ chức có liên quan và qua kiểm tra nội bộ. Khi phát hiện, các đối tượng luôn thành khẩn khai báo, hợp tác, khắc phục hậu quả.

Tội phạm tham nhũng, chức vụ thường tập trung vào nhóm đối tượng là cán bộ, công chức hoặc người có chức vụ trong các công ty. Do vậy, họ có hiểu biết pháp luật, có mối quan hệ rộng và khi có vi phạm pháp luật hình sự, thường tận dụng các mối quan hệ để tìm cách né tránh, bao che, đối phó với các cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì thế, quá trình điều tra, giải quyết các đối tượng tội phạm này, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó ở vấn đề trong quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan, nhất là đơn vị chủ quản đối tượng thường thiếu hợp tác, cung cấp các tài liệu. Với tinh thần đấu tranh với tội phạm, bám sát chỉ thị của Đảng, Nhà nước, ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương và quy định pháp luật, lãnh đạo, công chức, kiểm sát viên hai cấp luôn cố gắng khắc phục, vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng, tiêu cực được đẩy nhanh tiến độ giải quyết và xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định, đảm bảo tính răn đe. Ảnh: SỚM MAI

Các vụ án liên quan đến kinh tế, tham nhũng, tiêu cực được đẩy nhanh tiến độ giải quyết và xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định, đảm bảo tính răn đe. Ảnh: SỚM MAI

Để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Đinh Gia Hưng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, giải quyết các vụ án tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Viện trưởng, thủ trưởng VKSND các cấp sẽ nâng cao hơn nữa vai trò trong quản lý, chỉ đạo; chủ động nắm chắc nội dung vụ án, vụ việc phức tạp, khó khăn, vướng mắc, có các biện pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời. Thường xuyên làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng xét hỏi, tranh tụng cho cán bộ, kiểm sát viên làm công tác liên quan giải quyết các vụ án tham nhũng và cần chú trọng rèn luyện kỹ năng nói, tổng hợp. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ; tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ, thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, nội vụ nhằm bảo đảm cán bộ, kiểm sát viên trong ngành giữ vững phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, không vi phạm pháp luật.

Đơn vị sẽ chọn kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm để thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, giải quyết các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Yêu cầu kiểm sát viên phải chủ động, bám sát các hoạt động điều tra, phát huy trách nhiệm, quyền hạn để nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, bảo đảm việc giải quyết vụ án nhanh, toàn diện, đúng quy định pháp luật. Nâng cao trách nhiệm của viện kiểm sát trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, bảo đảm thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước. Tích cực phối hợp với các cơ quan tư pháp động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng để được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hưởng sự khoan hồng của pháp luật; coi đây là biện pháp thu hồi hiệu quả tài sản bị thất thoát. Phối hợp với các cơ quan tố tụng cùng cấp để đẩy nhanh tiến độ, giải quyết theo quy định của pháp luật...

Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND hai cấp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện đắc lực trong công tác đấu tranh phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Từ đó, góp phần tích cực giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

SỚM MAI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-trong-chi-dao-phat-hien-an-lien-quan-den-kinh-te-tham-nhung-tieu-cuc-73441.html