Tăng cường kỹ năng tổ chức hoạt động tập thể, xây dựng tình đoàn kết, hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Ngoại giao
Từ ngày 8-10/4, Công đoàn Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tập huấn tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) nhằm định hướng công tác công đoàn Bộ năm 2025, nâng cao kỹ năng tổ chức hoạt động tập thể, kỹ năng 'học tập suốt đời' cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động.

Tập thể đoàn viên Công đoàn Bộ Ngoại giao chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Ngọc Anh)
Tham dự có TS. Nguyễn Văn Đông, nguyên Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Đại sứ Phương Công Trọng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Văn phòng Đảng ủy - Đoàn thể Bộ Ngoại giao; bà Đỗ Ngọc Thủy, Ủy viên BCH Công đoàn Viên chức Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Bộ Ngoại giao; cùng đại diện các công đoàn cơ sở của Bộ Ngoại giao.
Chương trình diễn ra không khí phấn khởi, thi đua lập thành tích chào mừng 80 năm thành lập ngành Ngoại giao (28/8/1945 - 28/8/2025) và 75 năm thành lập Công đoàn Bộ (1/10/1950-1/10/2025).

Bà Đỗ Ngọc Thủy khẳng định, Công đoàn Bộ Ngoại giao luôn xác định vai trò quan trọng trong đồng hành, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành. (Ảnh: Ngọc Anh)
Phát biểu khai mạc, bà Đỗ Ngọc Thủy, Chủ tịch Công đoàn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Hội nghị tập huấn nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết, giao lưu, học hỏi giữa các đơn vị, tiếp thu kinh nghệm và kiến thức từ các chuyên gia, cán bộ đi trước của ngành, góp phần bồi đắp đời sống tinh thần phong phú, lòng yêu ngành yêu nghề cho mỗi đoàn viên công đoàn.
Công đoàn Bộ Ngoại giao luôn xác định vai trò quan trọng trong đồng hành, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành.
Bà Đỗ Ngọc Thủy tin tưởng, với sự nhiệt huyết, sáng tạo và tinh thần cống hiến của mỗi tập thể, mỗi cá nhân tham gia chương trình, các đoàn viên Công đoàn Bộ sẽ cùng nhau tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ, tiếp thêm năng lượng tích cực cho hành trình phía trước.
Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Đông, nguyên Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam đã trình bày về vai trò của công đoàn trong tổ chức các hoạt động tập thể, đồng thời chia sẻ một số kỹ năng và phương pháp cơ bản dành cho cán bộ công đoàn ở cơ sở.

TS. Nguyễn Văn Đông, nguyên Ủy viên BCH Tổng Liên đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức Việt Nam, đã chia sẻ nhiều kỹ năng quan trọng đối với cán bộ công đoàn. (Ảnh: Xuân Sơn)
TS. Nguyễn Văn Đông nhấn mạnh, các hoạt động tập thể do công đoàn tổ chức không chỉ góp phần gắn kết đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, mà còn là cách thiết thực để chăm lo đời sống tinh thần, tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh tại cơ quan, đơn vị. Đây cũng là minh chứng sinh động cho vai trò đồng hành của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng môi trường làm việc tích cực, đoàn kết và nhân văn, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Ngoại giao đang hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập ngành.
Theo TS. Nguyễn Văn Đông, để tổ chức các hoạt động tập thể hiệu quả, công đoàn cần chú trọng từ khâu lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ rõ ràng, đến việc dự trù kinh phí và triển khai thực hiện. Mỗi khâu đều đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm và khả năng phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Văn Đông cũng dành thời gian chia sẻ những kỹ năng quan trọng đối với cán bộ công đoàn như kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng điều phối, hoạt náo, xử lý tình huống và tổng hợp, đánh giá hoạt động. Có thể nói, đây là những yếu tố then chốt góp phần làm nên thành công của một sự kiện tập thể.

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Xuân Sơn)
Kết thúc phần trình bày, TS. Nguyễn Văn Đông chỉ rõ, để các hoạt động công đoàn thực sự đi vào chiều sâu và tạo sức lan tỏa, phải luôn lắng nghe ý kiến đoàn viên, đảm bảo sự an toàn, phù hợp thuần phong mỹ tục, đa dạng hóa hình thức tổ chức và có phương án dự phòng cho những tình huống phát sinh. Đó chính là nền tảng giúp công đoàn các cấp nâng cao chất lượng hoạt động, tạo dấu ấn tích cực trong đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
“Hoạt động tập thể, nếu được tổ chức bài bản, sáng tạo và linh hoạt, sẽ là chất keo gắn kết con người trong tổ chức công đoàn, đồng thời là công cụ hữu hiệu để xây dựng môi trường làm việc nhân văn, tiến bộ và đầy cảm hứng”, TS. Nguyễn Văn Đông nhận định.

Đại sứ Phương Công Trọng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Ngoại giao nhấn mạnh người cán bộ cần không ngừng học tập, học nữa, học mãi để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. (Ảnh: Xuân Sơn)
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Đại sứ Phương Công Trọng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Ngoại giao, đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu về học tập, rèn luyện và phát triển năng lực dành cho cán bộ, đoàn viên công đoàn.
Đại sứ nhấn mạnh, người cán bộ cần không ngừng học tập, học nữa, học mãi để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới. Học tập không chỉ để nâng cao trình độ chuyên môn mà còn giúp hoàn thiện bản thân trong công việc đang đảm nhiệm. Đặc biệt, việc học cần được định hướng rõ ràng, từ việc học cá nhân đến việc học từ tổ chức; qua đó rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu.
Học cũng là để giải quyết những vấn đề thực tiễn, phù hợp và hiệu quả với bối cảnh và yêu cầu tổ chức. Người cán bộ cần biết lựa chọn tài liệu học tập phù hợp, nâng cao kỹ năng tự học từ sách, tài liệu chuyên môn và cả từ Internet.

Các đoàn viên chăm chú lắng nghe và trao đổi ý kiến sôi nổi. (Ảnh: Xuân Sơn)
Theo Đại sứ Phương Công Trọng, một yếu tố quan trọng khác là thay đổi tư duy, tức là phải tích cực, chủ động, linh hoạt và thích ứng nhanh với thực tiễn. Muốn phát triển bản thân, mỗi người cần có tư duy phản biện, sáng tạo và luôn tự làm mới mình. Từ kiến thức, kỹ năng, thái độ - tất cả đều góp phần quan trọng hình thành năng lực.
Đặc biệt, việc thiết lập mục tiêu rõ ràng cũng là tiền đề quan trọng để đi đến thành công. Mục tiêu phải được xác định theo từng giai đoạn: Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cụ thể, mỗi mục tiêu cần có tính cụ thể, rõ ràng, có thể đo lường, đồng thời phải xuất phát từ nội lực của bản thân, phù hợp với tổ chức và công việc. Khi đã có mục tiêu, người cán bộ cần xây dựng chiến lược và kế hoạch để từng bước biến mục tiêu thành hành động cụ thể.
Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp, quản trị cảm xúc, thương lượng và đàm phán cũng là những năng lực thiết yếu. Một người có kỹ năng sống tích cực, lạc quan và yêu đời sẽ dễ dàng tạo thiện cảm trong giao tiếp. Muốn tranh thủ được sự hợp tác của người khác, trước hết phải hiểu họ, đặt mình vào hoàn cảnh của họ. Khi giao tiếp cần khéo léo lồng ghép văn hóa, sử dụng ngôn từ phù hợp, biểu cảm tự nhiên, thân thiện. Trong các cuộc trao đổi, kỹ năng thuyết trình và thương lượng sẽ giúp tạo ảnh hưởng và thuyết phục đối tác hiệu quả hơn.