Tân Thuận - IPC kinh doanh ra sao dưới thời Tề Trí Dũng?
Từ một cánh chim đầu đàn có công rất lớn trong việc hình thành, phát triển khu chế xuất đầu tiên của cả nước, chuyển hóa vùng đất Nhà Bè đầm lầy hoang hóa thành khu đô thị hiện đại bậc nhất TPHCM… thật trớ trêu có một ngày, 'cả sếp lớn lẫn sếp bé' của công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (tên viết tắt là IPC) lần lượt tra tay vào còng…
Từ đỉnh cao…
Từ tâm huyết của lãnh đạo Trung ương và TPHCM; sự năng động sáng tạo của các chuyên gia, đặc biệt là vai trò của ông Phan Chánh Dưỡng, một trong các thủ lĩnh của nhóm “thứ sáu” (nhóm chuyên gia kinh tế tư vấn cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), năm 1989, UBND TPHCM đã thành lập Chương trình khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận.
Chương trình khu công nghiệp xuất khẩu Tân Thuận là tiền thân của công ty IPC hiện nay nhằm hiện thực hóa chính sách đổi mới, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, hình thành khu chế xuất để thúc đẩy kinh tế xã hội của TPHCM nói chung và vùng đất Nhà Bè nghèo khó nói riêng.
Từ chủ trương đổi mới, với nhiều cơ chế chính sách thông thoáng, IPC đã góp phần chuyển hóa một vùng đất đầm lầy hoang hóa có giá trị kinh tế thấp thuộc huyện Nhà Bè thành các khu công nghiệp và đô thị hiện đại, văn minh kiểu mẫu bậc nhất TPHCM và cả nước. Cụ thể: Năm 1991, IPC đã thu hút nhiều nhà đầu tư và thành lập khu chế xuất Tân Thuận với quy mô 300 ha. Khu chế xuất Tân Thuận cũng là mô hình khu chế xuất đầu tiên ở Việt Nam.
Đến năm 1993, IPC tiếp tục thành lập công ty Phú Mỹ Hưng nhằm xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh dài gần 18 km với 12 làn xe và 5 cụm dân cư phát triển A, B, C, D, E dọc tuyến đường với khu A là đô thị mới Phú Mỹ Hưng.
Có thể nói IPC đã góp phần hình thành nên một quần thể khu kinh tế năng động và giữ vị trí quan trọng trong toàn bộ quá trình phát triển không gian đô thị TPHCM về hướng Nam.
Với thành tích to lớn đạt được, IPC đã được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của các Bộ Ngành Trung ương và UBND TPHCM.
Hơn 1/4 thế kỷ hình thành và phát triển, IPC đã trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của TPHCM trong nghiên cứu, đầu tư, phát triển và mời gọi hợp tác đầu tư vào kinh doanh cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong lĩnh vực khu chế xuất, khu công nghiệp và đô thị.
...xuống vực thẳm.
Tối 14 và sáng 15/5, Công an TPHCM đã khởi tố và bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc IPC và bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc công ty Sadeco để điều tra về tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".
Cùng với việc khởi tố, bắt tạm giam, Thường trực HĐND TPHCM khóa IX đã có quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu đối với ông Tề Trí Dũng. Ông Tề Trí Dũng là đại biểu HĐND TPHCM khóa IX, cùng tổ với đại biểu Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM.
Việc khởi tố, bắt giam ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc không làm dư luận bất ngờ. Ông Tề Trí Dũng (SN 1981, ngụ quận 1, TPHCM) tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học La Trobe (Úc) tuy được xem là một doanh nhân 8X thành đạt song cũng để lại không ít điều tiếng…
Tháng 10/2018, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Tề Trí Dũng và chỉ đạo Thanh tra TPHCM chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ một số dấu hiệu sai phạm tại IPC.
Cụ thể: Việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty Sadeco và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước có dấu hiệu không bảo đảm lợi ích cổ đông, gây thiệt hại cho nhà nước. Việc hợp tác với công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án khu dân cư Long Hậu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không bảo đảm lợi ích của IPC.
Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, IPC sai phạm trong quản lý sử dụng tòa nhà văn phòng IPC, thu lợi từ việc cho thuê làm văn phòng hơn 295 tỉ đồng. IPC hoạt động kinh doanh có lãi nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách; mang danh nghĩa là hợp tác nhưng thực chất là chuyển nhượng dự án Khu dân cư Long Hậu (Long An) cho một doanh nghiệp khác mà được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Kết luận thanh tra khẳng định ông Tề Trí Dũng làm đại diện vốn nhà nước tại 4 công ty có vốn đầu tư nhà nước là vượt so với quy định. IPC lựa chọn Công ty Nguyễn Kim làm cổ đông chiến lược là không có cơ sở pháp lý…
Nghiêm trọng nhất là trong các năm 2016, 2017, ông Tề Trí Dũng và nhiều lãnh đạo IPC đi nước ngoài “như đi chợ”, vượt số ngày quy định, gây lãng phí cho ngân sách. Có trên 10 trường hợp đi nước ngoài khi chưa có quyết định cho phép của UBND TPHCM.
IPC có 9 công ty thành viên, gồm công ty TNHH Tân Thuận (TTC), công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng ( PMH), công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco), công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC), công ty cổ phần Long Hậu (LHC), công ty Cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT), công ty cổ phần thương mại dịch vụ Hiệp Tân (HTC), công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (ASL) và công ty TNHH Sepzone – Linh Trung.