Tận dụng trí tuệ nhân tạo để trao quyền cho phụ nữ Đông Nam Á

Trong nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, các cơ quan của Liên hợp quốc đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để trao quyền cho phụ nữ Đông Nam Á. Những cách tiếp cận sáng tạo này nhằm tăng cường cơ hội đào tạo và cung cấp cho phụ nữ dễ bị tổn thương các nguồn lực quan trọng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Philippines: Đào tạo doanh nhân ở vùng xa xôi

Philippines có hàng nghìn hòn đảo. Điều này đồng nghĩa với việc cư dân ở các đảo xa xôi hơn thường khó được hưởng lợi đầy đủ từ các cơ hội đào tạo do Liên hợp quốc và đối tác cung cấp. Từ tháng 12/2023, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã giới thiệu các chatbot AI để hỗ trợ nữ doanh nhân ở vùng sâu vùng xa. Sáng kiến này cho phép các chủ doanh nghiệp nhận được tư vấn kỹ thuật và tạo nội dung tiếp thị kỹ thuật số, thúc đẩy đáng kể sự tham gia và doanh số trực tuyến.

"Trong nhiều trường hợp, những người đào tạo không còn phải đi đến các hòn đảo và vùng núi xa xôi nữa. Người đào tạo là một chatbot trên điện thoại di động", chuyên gia kỹ thuật của ILO Hideki Kagohashi cho biết.

Phụ nữ trên đảo Siargao (Philippines)

Phụ nữ trên đảo Siargao (Philippines)

Trên đảo Siargao, chatbot tư vấn kỹ thuật cho những phụ nữ bán sản phẩm dừa và giúp nữ doanh nhân tạo các bài đăng tiếp thị trên Facebook, giảm đáng kể thời gian cần thiết để đăng bài hàng ngày từ vài giờ xuống chỉ còn 10-20 phút.

Chuyên gia Kagohashi giải thích: "Trước kia, các doanh nhân thường ngừng đăng bài vì mất quá nhiều thời gian để có được kết quả. Giờ đây, với AI tạo sinh, họ có thể nhanh chóng tạo ra nội dung chất lượng cao hơn với hình ảnh hoặc video có liên quan, nhiều bài đăng đa dạng hơn mỗi ngày, hoàn chỉnh, với đối tượng mục tiêu về giọng điệu và nội dung, dẫn đến mức độ tương tác trực tuyến cao hơn và doanh số tăng lên".

Dự án vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng ILO và các đối tác sẽ mở rộng quy mô đào tạo để tiếp cận ít nhất 15.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn quốc trong 3 năm tới.

Thái Lan: Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương

Trong khoảng một năm nay, nền tảng SoSafe do AI hỗ trợ đã cung cấp cho phụ nữ Thái Lan tư vấn phù hợp về nhiều vấn đề, bao gồm mang thai ngoài ý muốn, quấy rối tình dục và bạo lực gia đình... Chủ yếu được phụ nữ và trẻ em gái trong các tình huống dễ bị tổn thương sử dụng, SoSafe chứa thông tin đã xác minh dành cho thanh thiếu niên, phụ nữ và người cao tuổi về các quyền và phúc lợi xã hội của họ.

Học sinh trung học ở Phuket (Thái Lan) sử dụng chatbot do UNFPA hỗ trợ

Học sinh trung học ở Phuket (Thái Lan) sử dụng chatbot do UNFPA hỗ trợ

SoSafe có thể tiếp cận được 600.000 người dùng trên 14 tỉnh thí điểm, đã cải thiện giao tiếp giữa những phụ nữ bị ảnh hưởng và các dịch vụ hỗ trợ. Hơn 1.000 trường hợp bạo lực gia đình đã được báo cáo với chính quyền. Nền tảng này, do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) hợp tác với Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Thái Lan và các đối tác khác cung cấp, phát hiện các từ khóa và cung cấp phản hồi tự động để hỗ trợ kịp thời cho người dùng.

Thông tin về SoSafe đến từ các cơ sở dữ liệu của Chính phủ và các nguồn đáng tin cậy, giúp đảm bảo rằng người dùng nhận được thông tin chính xác.

Indonesia: Để phụ nữ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong cộng đồng

Tại 75.000 ngôi làng của Indonesia, các quyết định thường được đưa ra bởi nam giới, những người có nhiều khả năng tham gia các cuộc họp mở.

"Thành phần tham gia các cuộc họp của làng chủ yếu là nam giới và việc bỏ phiếu công khai có thể dẫn đến sự kỳ thị đối với những người có thể không đồng ý với người đứng đầu làng, ngăn chặn các cuộc thảo luận mở", Dhany Oktaviany, giám đốc dự án của Nền tảng đổi mới xã hội (SIP), giải thích.

Trưởng làng ở Indonesia đang thử nghiệm STRIVE, một công cụ AI được UNDP hỗ trợ

Trưởng làng ở Indonesia đang thử nghiệm STRIVE, một công cụ AI được UNDP hỗ trợ

SIP, một dự án do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) điều hành, có mục đích thay đổi tình trạng nêu trên. Là một phần của SIP, một công cụ kỹ thuật số hỗ trợ AI sẽ tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong quá trình ra quyết định ở cộng đồng. Công cụ này cho phép gửi ý tưởng, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các cuộc thảo luận.

Malaysia: Khởi nghiệp thành công

Vài năm trước, Hasyiya Karimah Adli (37 tuổi) là một học giả chuyên về năng lượng mặt trời. Cô nhận ra rằng, Malaysia có rất nhiều ánh nắng mặt trời nhưng lại không được khai thác hết tiềm năng. Để mở rộng quy mô các trang trại năng lượng mặt trời, Hasyiya - một nhà hóa học có bằng tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật vật liệu - đã chuyển sang điện toán.

Năm 2021, cô tham gia khóa đào tạo "Code - Không rào cản", một sáng kiến của Liên hợp quốc và Microsoft nhằm thu hẹp khoảng cách giới trong công nghệ đám mây, AI và kỹ thuật số. Cô chia sẻ: "Tôi yêu thích AI, Internet vạn vật và bắt đầu nâng cao kỹ năng".

Tiến sĩ Hasyiya Karimah Adli, Malaysia

Tiến sĩ Hasyiya Karimah Adli, Malaysia

Hiện nay, Hasyiya là nhà sáng lập của khoa Khoa học dữ liệu và điện toán tại Đại học Malaya Kelantan. Nhóm 7 nhà khoa học dữ liệu đầu tiên của khoa sẽ tốt nghiệp vào tháng 3/2025. Nhu cầu cho chương trình này đang tăng vọt. Tại đợt tuyển sinh vào tháng 9 năm ngoái, 2.000 ứng viên đã cạnh tranh để giành 90 suất. Hàng trăm người khác đã tham gia các khóa học ngắn hạn trực tuyến.

Các khóa học dựa trên chương trình giảng dạy của Microsoft và khoa thu hút sinh viên từ khắp các trường đại học. Sinh viên kinh doanh thấy cách phân tích dữ liệu và AI có thể giúp họ điều hành các công ty khởi nghiệp trong tương lai. Các bác sĩ thú y và nông dân muốn biết dữ liệu từ các cảm biến có thể giúp họ theo dõi nhiệt độ cơ thể của động vật như thế nào hoặc AI có thể dự đoán mức sử dụng nước và năng lượng ra sao.

Là một trong số ít nữ trưởng khoa công nghệ tại Malaysia, Hasyiya muốn những phụ nữ trẻ biết rằng lĩnh vực này không do nam giới thống trị. "Tôi vẫn nói với những cô gái trẻ rằng tôi cũng không phải là người làm trong ngành công nghệ thông tin. Nếu họ có đam mê thì không cần phải nghi ngờ bản thân", cô nhấn mạnh.

Nguồn: UN

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tan-dung-tri-tue-nhan-tao-de-trao-quyen-cho-phu-nu-dong-nam-a-20250204160442429.htm