Tâm tình bác sĩ tuyến xã

Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tuyến xã thường ít được nói đến và dù hành nghề trong điều kiện tối thiểu với nhiều áp lực nhưng chính sự gần gũi bằng cả tấm lòng, chữ tâm giản dị đã giúp họ vun đắp niềm tin trong nhân dân.

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955*27/2/2023), Báo Phú Thọ gửi tới bạn đọc những suy nghĩ thể hiện trách nhiệm, tình cảm của đội ngũ thầy thuốc tuyến xã trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Bác sĩ Lê Minh Thụ - Trạm trưởng Trạm y tế xã Xuân An (huyện Yên Lập): Nhiệt tâm vun đắp niềm tin

Những ngày đầu tôi vào nghề Y đã nhận nhiệm vụ công tác tại Trạm y tế xã Xuân An và gắn bó cho đến nay hơn 30 năm, trong đó gần 20 năm giữ vai trò là Trạm trưởng. Với đặc thù của xã miền núi đặc biệt khó khăn, hiện nay đội ngũ cán bộ, nhân viên Trạm y tế xã đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 3.700 nhân khẩu gồm nhiều dân tộc cùng chung sống được phân bố rải rác trên diện tích gần 19km2. Khu xa nhất cách trung tâm xã 6km. Vì thế, việc đi lại chăm sóc sức khỏe, tuyên truyền cho người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp không ít khó khăn, trong khi điều kiện cơ sở vật chất nhà trạm đều đã xuống cấp. Trong số người bệnh đến với chúng tôi có đến hơn 50% bệnh nhân từ các xã lân cận. Để thu hút người dân đến với Trạm, các cán bộ ở đây luôn hết lòng chăm sóc, tư vấn, tận tình sẻ chia, tạo niềm tin với người dân.

Công tác tại xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đổi lại chúng tôi được bà con rất gần gũi, tin yêu và dành nhiều tình cảm trân quý. Tôi còn nhớ kỷ niệm khó quên cách đây vài năm khi chăm sóc cho một bệnh nhân nhiễm HIV. Lúc ấy, người bệnh như tuyệt vọng vì bị người thân, hàng xóm kỳ thị, xa lánh. Bệnh nhân tìm đến tôi như để được sẻ chia, mong nhận được sự cảm thông và giúp đỡ. Bằng kiến thức chuyên môn và sự đồng cảm của mình, tôi đã giải thích cặn kẽ về các biện pháp phòng lây truyền HIV cho người khác, đồng thời vận động bệnh nhân đi làm xét nghiệm, điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV. Từ đó, sức khỏe của bệnh nhân dần hồi phục, tư tưởng thoải mái. Những túi khoai lang, nải chuối trong vườn hay dúm măng chua là món quà mộc mạc mà người bệnh mang đến để tỏ tấm lòng biết ơn cán bộ ở trạm. Điều đó khiến tôi và đồng nghiệp rất xúc động và nhận thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đối với y tế tuyến cơ sở hiện nay không chỉ là vấn đề thực hiện kỹ thuật chuyên môn mà còn đòi hỏi cán bộ y tế phải sâu sát với cộng đồng, đẩy mạnh các hoạt động phòng bệnh, đặc biệt là chăm sóc bệnh nhân tại nhà và kiến thức tư vấn phòng bệnh. Sự chân thành, cởi mở và nhiệt tâm đã khiến người dân ngày một thêm tin tưởng, củng cố lòng tin của người dân.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Hải - Trạm trưởng Trạm y tế xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn): Nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân vùng cao đã có nhiều chuyển biến

Cách xa Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, từ lâu, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã vùng cao Kim Thượng đã đặt niềm tin tưởng vào các cán bộ Trạm y tế xã mỗi khi đau ốm. Mỗi khi thấy sức khỏe khác thường, bà con đều tìm đến trạm để được chúng tôi thăm khám, kê đơn. Đó chính là niềm vui chứng minh hiệu quả từ nỗ lực của những cán bộ y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Là xã đặc biệt khó khăn với gần 100% là đồng bào dân tộc Dao, Mường, Tày… trình độ dân trí không đồng đều, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, những năm qua, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ Trạm y tế xã đã khắc phục khó khăn làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhằm đẩy lùi những hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, Trạm đã phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ y, bác sĩ phối hợp đội ngũ y tế thôn bản tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản, vận động người dân ăn chín, uống sôi, ngủ màn, khi có bệnh phải đến cơ sở y tế để được khám và điều trị...

Đồng thời, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại gia đình và cộng đồng… Ngoài giờ trực khám, đội ngũ cán bộ y tế của Trạm còn dành thời gian đến từng gia đình tư vấn cho bà con cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, nhất là đối với người nhiễm HIV, người cao tuổi, phụ nữ sau sinh và trẻ sơ sinh. Nhờ làm tốt công tác truyền thông, nhiều năm nay, nhận thức của bà con đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, xã không còn phụ nữ sinh đẻ tại nhà mà 100% đến cơ sở y tế; tỉ lệ phụ nữ có thai tiêm phòng uốn ván đạt 100%; giảm tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng…

Bác sĩ Bùi Ngọc Thảo - Trạm trưởng Trạm y tế xã Đồng Lương (huyện Cẩm Khê): Nỗ lực vượt áp lực!

Theo phân tuyến kỹ thuật của ngành Y thì vệ sinh phòng bệnh và triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế hiện vẫn đang là nhiệm vụ thường xuyên của y tế tuyến xã, còn việc khám và điều trị bệnh của bác sĩ thì mới dừng lại ở việc chẩn đoán, sơ cứu ban đầu và tiên lượng xác định bệnh để chuyển tuyến. Ở đây, chúng tôi chỉ được phép giới hạn điều trị một số bệnh thông thường, thậm chí cả trong kê đơn thuốc cũng không được phép kê đơn thuốc đắt tiền. Chính điều này nhiều khi gây khó khăn cho y tế xã bởi trên địa bàn xã Đồng Lương có một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế tương đối khá, nên khi đau ốm họ thường có nhu cầu sử dụng các loại thuốc đắt tiền quá khả năng kê đơn của bác sĩ. Vì thế môi trường tiếp xúc của bác sĩ tuyến xã hầu như chỉ là các căn bệnh phổ thông, thuần túy như cảm cúm, tăng huyết áp, tiêm chủng… Hệ thống trang thiết bị y tế ở trạm chúng tôi còn nghèo nàn. Vậy nên khi phải dồn lực cho phòng chống dịch bệnh, mà đỉnh điểm là chống dịch COVID-19, mỗi cán bộ y tế tuyến xã đều phải gồng mình vượt qua những áp lực trong công việc. Tôi còn nhớ những ngày cuối năm 2021, khi người dân làm ăn xa về quê ăn Tết đều phải qua trạm để test COVID-19. Những ngày ấy, anh chị em ở trạm làm quên giờ giấc, thậm chí khoác trên người bộ đồ bảo hộ từ sáng sớm đến quá 12 giờ đêm. Thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ phòng dịch, cán bộ trạm tự đi vận động, nhờ sự góp sức của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Áp lực, mệt mỏi do quá tải bệnh nhân nhưng tôi vẫn động viên cán bộ của mình cùng đội ngũ y tế thôn bản phải làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Bản thân tôi luôn tâm niệm và khắc ghi lời dạy của Bác “Thầy thuốc như mẹ hiền”, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu suốt đời.

Sơn Lâm (thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//y-te/tam-tinh-bac-si-tuyen-xa/191091.htm