Tại sao khu trục hạm Mỹ đến Phần Lan để 'bảo toàn an ninh' khu vực Baltic?

Nhóm tàu hải quân Mỹ đang ở Phần Lan một lần nữa nhấn mạnh cam kết từ Washington trong việc duy trì sự ổn định và an ninh khu vực Baltic với các đồng minh.

Chỉ huy tàu khu trục USS Gravely (DDG-107) Hunter Washburn cho biết: “Mọi thủy thủ trên tàu đều hiểu được tầm quan trọng và đặc quyền khi đến thăm Phần Lan trong thời điểm lịch sử này. Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác và đồng minh của chúng tôi, giống như chúng tôi đã làm trong 70 năm nay và chúng tôi mong muốn xây dựng thêm các mối quan hệ đối tác ngay bây giờ và trong tương lai".

Tàu hải quân Mỹ đến Phần Lan để "bảo toàn an ninh" khu vực Baltic. (Ảnh minh họa)

Tuyên bố của hải quân Mỹ nói rằng hai tàu chiến nước này vừa triển khai đến Phần Lan, gồm USS Gravely và tàu đổ bộ USS Gunston Hall (LSD-44) đã tiến hành “nhiều hoạt động rộng rãi với đồng minh và đối tác ở biển Baltic", đặc biệt là với hải quân Phần Lan và Thụy Điển.

Ông Washburn khẳng định: “Thật là vui khi chúng tôi được làm việc cùng với rất nhiều đồng minh và đối tác của NATO ở biển Baltic. Mỗi lần lên tàu với các quốc gia cùng chí hướng, chúng tôi có cơ hội tăng cường khả năng tương tác và sự ổn định trong khu vực”.

Theo National Interest, khi xung đột ở Ukraine ảnh hưởng mạnh mẽ đến châu Âu, việc hải quân Mỹ thể hiện sức mạnh chắc chắn khiến Nga và các đồng minh NATO chú ý.

USS Gunston Hall cũng đã tham gia cuộc tập trận Siil 2022 của Estonia, có tên tiếng Anh là Hedgehog. Các cuộc tập trận này “thực hiện sự điều động ở cấp tiểu đoàn và kiểm soát các hoạt động đổ bộ nhằm tăng cường khả năng tương tác của đồng minh trong khu vực Baltic, tập trung vào các cuộc diễn tập phòng thủ", theo các báo cáo.

Trong thời gian diễn ra Siil 2022, thủy thủ và thủy quân lục chiến Mỹ trên tàu Gunston Hall đã tham gia các sự kiện huấn luyện khác nhau với lực lượng phòng vệ Estonia, bao gồm các hoạt động tàu vào bờ, diễn tập sơ tán thương vong và cứu nạn hàng loạt, cũng như một cuộc tấn công đổ bộ trên đảo Saaremaa, Estonia.

Chuyến thăm của hải quân Mỹ đến vùng biển Baltic được thực hiện vào một thời điểm "thích hợp" hơn. Khi Ukraine vẫn đang xung đột quân sự với Nga, cả Thụy Điển và Phần Lan đã quyết định nộp đơn xin gia nhập liên minh NATO. Quyết định lịch sử này đảo ngược chính sách của chính phủ Thụy Điển và Phần Lan gần 80 năm trước, đồng thời phản ánh cuộc chiến của Nga và Ukraine đã định hình lại hoàn toàn cục diện an ninh trên lục địa già.

Tuyên bố của hải quân Mỹ cũng nói rằng nước này rất vui mừng về việc tăng cường quan hệ Mỹ-Phần Lan và, thông qua đó, là quan hệ với Thụy Điển. Cả hai quốc gia được cho là đều mang lại những tài sản quan trọng cho liên minh NATO, bao gồm các lực lượng quân sự được đào tạo bài bản, được trang bị tốt và trong trường hợp của Phần Lan là kinh nghiệm về Nga.

“Tôi mong đợi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO và thấy rằng chúng ta sẽ thực sự tăng cường các hoạt động hàng hải của mình ở biển Baltic", Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro tuyên bố với tiểu ban quốc phòng của hạ viện hồi tháng trước.

Dù có vẻ như cả Thụy Điển và Phần Lan sẽ tham gia NATO, sẽ cần một chút thúc đẩy để tất cả các đồng minh NATO đều nhất trí với bước đi này. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối việc Thụy Điển trở thành thành viên vì Stockholm ủng hộ nhóm PKK của người Kurd, mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là một tổ chức khủng bố.

Phương Anh(Nguồn: National Interest )

Phương Anh(Nguồn: National Interest )

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tai-sao-khu-truc-ham-my-den-phan-lan-de-bao-toan-an-ninh-khu-vuc-baltic-ar680165.html