300 tỷ USD bị đe dọa, ông Putin ra sắc lệnh 'ăn miếng trả miếng'

Sắc lệnh mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho phép Nga có phản ứng kịp thời với những tài sản của Mỹ trong trường hợp tài sản của Nga ở Mỹ bị tịch thu.

Theo đó, ông Putin ngày 23/5 đã ký sắc lệnh, trong đó nêu rõ phương hướng hành động của Moscow đối với việc các nước tịch thu và sử dụng bất kỳ tài sản nào của Nga bị “đóng băng” ở Mỹ.

Theo sắc lệnh, Nga sẽ xác định các loại tài sản tài chính của Mỹ, gồm chứng khoán đã được niêm yết, bất động sản, động sản (tài sản di dời được) và quyền sở hữu… có thể được dùng để bồi thường cho những tổn thất mà Nga phải gánh chịu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Động thái của ông Putin được đưa ra trong bối cảnh các nhà đàm phán thuộc nhóm 7 nước công nghiệp tiên tiến (G7) đã thảo luận trong nhiều tuần về cách khai thác tốt nhất khoảng 300 tỷ USD tài sản bị phong tỏa của Nga.

Các loại tài sản này bao gồm các loại tiền tệ chính và trái phiếu chính phủ, vốn đã bị đóng băng ngay sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Các quan chức và nhà kinh tế nói với Reuters trong tháng này rằng khả năng Nga trong đưa ra các biện pháp trả đũa tương tự nếu các nhà lãnh đạo phương Tây tịch thu tài sản bị đóng băng của nước này đã bị xói mòn do đầu tư nước ngoài đang suy giảm. Nhưng thay vào đó, nước này có thể nhắm vào tiền mặt của các nhà đầu tư tư nhân.

Sắc lệnh ngày 23/5 tuyên bố rằng Liên bang Nga hoặc ngân hàng trung ương có thể yêu cầu tòa án Nga xác định xem tài sản của họ có bị tịch thu một cách vô lý hay không và yêu cầu bồi thường.

Sau đó, tòa án sẽ ra lệnh chuyển khoản bồi thường dưới dạng tài sản của Mỹ hoặc tài sản ở Nga từ danh sách do ủy ban chính phủ Nga về bán tài sản nước ngoài lập.

Sắc lệnh liệt kê chứng khoán, cổ phần trong các công ty Nga, bất động sản và quyền tài sản trong số các tài sản thuộc sở hữu của Mỹ có khả năng bị tịch thu.

Cựu Tổng thống Dmitry Medvedev hồi tháng trước thừa nhận rằng Nga nắm giữ một lượng tài sản nhà nước không đáng kể của Mỹ và bất kỳ phản ứng nào Nga đưa ra sẽ không cân xứng và tập trung vào tài sản của các cá nhân.

Sắc lệnh cũng tuyên bố rằng tài sản thuộc sở hữu của những người dưới sự kiểm soát của Mỹ có thể là mục tiêu. Nó không nói rõ việc "dưới sự kiểm soát của Mỹ" sẽ được xác định như thế nào.

Tài sản của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả cá nhân và các quỹ đầu tư lớn của Mỹ, được giữ trong các tài khoản 'loại C' đặc biệt mà Nga đưa ra ngay sau khi nước này đưa quân tới Ukraine và hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây vào tháng 2/2022.

Tiền trong các tài khoản đó không thể được chuyển ra khỏi Nga mà không có sự cho phép của chính quyền Nga.

Washington đã thông qua luật cho phép chính quyền của Tổng thống Joe Biden tịch thu tài sản của Nga nắm giữ trong các ngân hàng Mỹ và chuyển chúng cho Ukraine, điều mà Nga nhiều lần gọi là bất hợp pháp.

Thanh lý ngân hàng American Express

Tổng thống Nga Putin trong tuần qua cũng đã ra quyết định cho phép ngân hàng American Express quyền “tự nguyện thanh lý” hoạt động kinh doanh của mình tại Nga, theo một tài liệu được công bố trên cổng thông tin pháp lý ngày 22/4.

Quyết định không nêu rõ chính xác quá trình thanh lý sẽ diễn ra như thế nào và khi nào.

American Express đã hoạt động tại Nga từ năm 2008.

American Express đã hoạt động tại Nga từ năm 2008.

Theo tài liệu, quyết định này được đưa ra phù hợp với sắc lệnh được ông Putin ký vào tháng 8/2022 liên quan đến các biện pháp kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực tài chính và năng lượng liên quan đến “những hành động không thân thiện của một số quốc gia nước ngoài và tổ chức quốc tế”.

Vào tháng 10/2022, Tổng thống Nga Putin đã phê duyệt danh sách 45 tổ chức tín dụng thuộc sở hữu nước ngoài, bao gồm cả American Express. Các giao dịch cổ phiếu hoặc vốn cổ phần của những tổ chức này bị cấm nếu không có sự cho phép đặc biệt của Tổng thống. Không rõ tài sản của American Express bị Nga phong tỏa là bao nhiêu.

American Express thông báo vào tháng 3/2022 rằng họ sẽ đình chỉ mọi hoạt động ở Nga và Belarus do các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột Ukraine. Quyết định này diễn ra sau một động thái tương tự của các công ty thanh toán Visa và Mastercard của Mỹ.

Kể từ đó, thẻ AmEx phát hành toàn cầu không còn hoạt động ở Nga nữa, trong khi thẻ phát hành địa phương ở Nga không hoạt động bên ngoài quốc gia trên mạng toàn cầu American Express.

American Express đã hoạt động tại Nga từ năm 2008, là một phần của bộ phận kinh doanh Thanh toán Doanh nghiệp Toàn cầu của American Express.

Thanh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/300-ty-usd-bi-de-doa-ong-putin-ra-sac-lenh-an-mieng-tra-mieng-d111258.html