Tài chính số sống đời bình dân...

Phát triển các sản phẩm thanh toán cần quan tâm đến hai chữ 'tiện' và 'lợi', bởi dù có làm gì thì người dân phải thấy tiện dụng, dễ dùng và có lợi ích về kinh tế mới sử dụng.

Thanh toán bằng mã VietQR đã len lỏi vào mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống.

Thanh toán bằng mã VietQR đã len lỏi vào mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống.

Tiện và lợi

Chú Vân ở phố Yên Ninh, Hà Nội năm nay hơn 60 tuổi đã về hưu nên buổi sáng và trưa phụ vợ, cũng đã nghỉ hưu bán bún dọc mùng. Bán hàng tại nhà, không phải đi thuê địa điểm nên lợi thế giá mềm và sạch sẽ, do đó quán khá đông khách.

Lệ mệ bê chồng bát đi rửa thì nghe tiếng vợ gọi gấp gáp: “Anh ơi, anh chỉnh điện thoại thế nào mà em vào tài khoản ngân hàng không được. Khách bảo chuyển khoản rồi mà em kiểm tra không được”.

Chú Vân đáp: “Đợi chút để rửa tay”. Cô vợ vẫn thúc giục: “Anh vào xem ngay để khách còn đi”. Chùi vội tay vào áo, chú Vân lật đật vào bấm điện thoại rồi nói: “Anh có chỉnh điện thoại đâu. Đây là ngân hàng yêu cầu cập nhật phiên bản mới cho an toàn hơn thôi. Em chưa quen nên bấm không được thôi”.

Khách gợi ý: “Cô, chú lắp cái TingBox, thiết bị thanh toán tích hợp loa thông báo chuyển khoản đi, để khi bận rộn cũng không phải lo kiểm tra khách đã chuyển khoản thành công tiền vào tài khoản chưa”.

Đợi người chồng ra ngoài, cô vợ hạ giọng với khách: “Cô biết thiết bị đó chứ. Đã bảo chú lắp rồi nhưng người già có chút bảo thủ, vẫn đang tiếc chi phí phải trả hàng tháng nên chưa chịu. Để thuyết phục dần cháu ạ”.

Mỹ Linh, nhân viên văn phòng trên phố Lý Thường Kiệt - con phố lớn nổi tiếng và đắt đỏ nhất Thủ đô - nhớ lại những ngày xưa, buổi trưa đi ăn cơm về ngồi quán trà đá của bà Lan, 81 Lý Thường Kiệt đều phải “giắt” tiền lẻ trong người. 4.000 đồng cho một cốc trà, nhiều khi nhỡ nhàng không mang tiền lẻ, đưa tiền chẵn là bà chủ quán không vui và bà cũng không cho nợ tiền nên rất “lằng nhằng”.

Đó là chưa kể có những hôm cả chủ và khách không có đủ tiền lẻ, thiếu của nhau 1.000 hay 2.000 đồng, cốc trà đá tự dưng mất “ngon”.

“Nhưng mọi việc đã hoàn toàn thay đổi từ khi có mã VietQR, mọi thanh toán trên app ngân hàng, cả khách và chủ đều vui. Thậm chí, hôm nào khách hàng mà thanh toán bằng tiền mặt, bà chủ quán còn từ chối nhận”, Mỹ Linh nói.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp trong ngành tài chính đã có thời gian gần 5 năm ở Canada cho biết, thanh toán số ở Việt Nam đã vượt xa so với Canada, do Việt Nam không phải phát triển từng bước, mà đi tắt đón đầu. Ở Canada, người dân vẫn đang sử dụng séc, một hình thức thanh toán rất “cổ hủ”.

Theo đó, khi thanh toán một món tiền, người dân viết một chi phiếu ra lệnh cho ngân hàng trích từ tài khoản của chủ séc cho người được ghi tên trên séc. Khoản tiền được trích ra có thể là tiền mặt hoặc được chuyển khoản sang tài khoản của người được thụ hưởng.

“Để được giải ngân séc đó, khách hàng phải ra ngân hàng yêu cầu mất vài ngày cùng với tốn rất nhiều chi phí. Tôi còn được chứng kiến hình ảnh hàng tháng, các cụ già đến ngân hàng xếp hàng hàng tiếng để nhận savings pass-booking (sổ tiết kiệm) in ra bằng giấy và các dịch vụ đều phải trả phí”, vị lãnh đạo cho biết.

Nhiều chủ quán trà đá như bà Lan đã quen dần với VietQR trong thanh toán.

Nhiều chủ quán trà đá như bà Lan đã quen dần với VietQR trong thanh toán.

Cũng theo vị lãnh đạo này, không phải hệ thống tài chính - ngân hàng của Canada không thông minh, mà khái niệm về thanh toán qua QR Code là chưa có. Khách hàng ở Canada chưa được chứng kiến những dịch vụ trên nền tảng số người dân Việt Nam đang sử dụng, mà vẫn sử dụng séc bình thường.

Nguyên nhân của sự “cổ hủ” này được vị lãnh đạo cho biết, ở nước ngoài có rất nhiều “di sản” liên quan đến những quy định an toàn, bảo mật… không thể bỏ ngay được nên tiến trình chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt chậm chạp hơn.

Thanh toán điện tử: Một phần của cuộc sống

Báo cáo tổng kết năm 2024 của NAPAS (đơn vị trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam) cho biết, trong năm 2024, hệ thống NAPAS xử lý 9,56 tỷ giao dịch, tăng 29,7% so với năm 2023.

Tổng giá trị giao dịch đạt 61,05 triệu tỷ đồng, tăng 14,4%. Dịch vụ chuyển tiền nhanh 247 tiếp đà tăng trưởng ấn tượng với tổng số lượng giao dịch đạt hơn 8,9 tỷ giao dịch, tăng 33,8%. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 59,8 triệu tỷ đồng, tăng 15,6%. Trong đó, chuyển tiền nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR tiếp tục tăng trưởng vượt trội,

Số lượng giao dịch bằng mã VietQR chiếm 1/3 tổng số lượng giao dịch dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas 247, tăng tương ứng 118% so với năm 2023. Trong tháng cao điểm cuối năm, hệ thống NAPAS xử lý trên 10 triệu giao dịch qua mã VietQR mỗi ngày.

Xu hướng chuyển khoản bằng mã VietQR cho thấy sự phát triển phổ biến, tiện lợi, tường minh, gia tăng trải nghiệm cho người dùng đã tác động trực tiếp, làm chững tốc độ tăng trưởng của các giao dịch thanh toán trên POS trong thời gian qua.

Ở chiều ngược lại, giao dịch trên ATM trong năm 2024 ghi nhận đà sụt giảm. Cụ thể, giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 19,5% về số lượng và 19,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 2,63% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.

Kết quả nói trên phản ánh rõ nét nhu cầu sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh NAPAS 247, thanh toán bằng mã VietQR.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, những chính sách, quy định kịp thời của cơ quan quản lý đã tạo thuận lợi cho các ngân hàng thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán số.

Biến thanh toán điện tử trở thành một phần quen thuộc, phổ biến trong xã hội, trong hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.

Số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước trong 11 tháng đầu năm 2024 cho biết, so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 56,86% về số lượng và 33,73% về giá trị; qua kênh internet tăng 50,67% về số lượng và 33% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 54,51% về số lượng và 34,34% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 106,68% về số lượng và 84,77% về giá trị; qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 6,82% về số lượng và 33,09% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 30,73% về số lượng và 15,92% về giá trị.

Để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung đầu tư, cung ứng các sản phẩm thanh toán đa dạng, hiện đại.

Mở rộng hạ tầng chấp nhận thanh toán, xây dựng hệ sinh thái đồng bộ nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế “tín dụng đen”.

“Thanh toán không tiền mặt, thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, cung cấp dịch vụ và trong đời sống hằng ngày. Việc phát triển các sản phẩm thẻ và thanh toán cần quan tâm đến hai chữ ‘tiện’ và ‘lợi’. Bởi, dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế”, ông Dũng nói.

Cũng trên con phố Yên Ninh, cách quán bún dọc mùng năm, sáu nhà là quán bún miến ngan tấp nập khách ra vào. Không thấy khách và chủ quán cầm tiền, mà chỉ nghe tiếng ting ting “đã nhận bốn mươi nghìn đồng”.

“Không phải thanh toán bằng tiền mặt, đỡ nhất là công đoạn nhận tiền thừa về là phải đi rửa tiền. Rửa tiền theo đúng nghĩa đen, vì tiền hàng ăn dầu mỡ lắm”, khách hàng vui vẻ nói.

Tuy nhiên, bà Lan bán trà đá ở 81 Lý Thường Kiệt thì từ chối lắp thêm TingBox: “Tự dưng 1 tháng phải trả thêm 80.000 đồng chi phí sử dụng dịch vụ, trong khi tiền về tài khoản đã có tin nhắn báo trên app ngay và luôn. Mã VietQR với tôi vậy là quá đủ”.

Hồng Dung

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tai-chinh-so-song-doi-binh-dan-post362348.html