Tái chế để bảo vệ môi trường

ĐBP - Sản phẩm tái chế từ rác thải đang là xu hướng mới trong thời đại hiện nay. Từ những chai nhựa, lốp xe cũ hay những đồ dùng đã hỏng cùng những ý tưởng sáng tạo thiết thực, nhiều sản phẩm có ích đã được tạo thành.

Mô hình sản phẩm tái chế “Hệ thống bơm nước tưới cây trồng được điều khiển bằng điện thoại qua sóng GSM sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời” của nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh.

“Biến hóa” từ rác thải nhựa

Tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam được hiện lên đẹp đẽ nhiều màu sắc bằng “tiếng nói” của hàng trăm nắp chai nhựa. Qua những đôi bàn tay khéo léo của tập thể cán bộ, hội viên phụ nữ Công an tỉnh, các nắp chai nhựa này đã “hồi sinh” để trở thành đồ dùng học tập đầy sáng tạo, sinh động cho các em nhỏ vùng cao. Không chỉ dạy trẻ về địa lý, tình yêu quê hương, đất nước cao cả, thiêng liêng, tấm bản đồ đặc biệt này còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa trong mỗi người.

Thiếu tá Lò Thị Thùy Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Công an tỉnh chia sẻ: Thông điệp chúng tôi muốn gửi gắm đến mọi người, đặc biệt với các em nhỏ là đồ vật cũ luôn có thể tái sử dụng mà không phải vứt đi. Chỉ cần một chút sáng tạo, chúng ta đã có thể góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc bảo vệ môi trường. Thay vì kết thúc vòng đời tại các bãi rác, chúng ta hãy để rác thải có cơ hội đóng góp cho cuộc sống thêm xanh.

Cũng với mong muốn góp phần chung tay giảm thiểu rác thải nhựa và tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em thiếu nhi, nhiều công trình điểm vui chơi từ những vật liệu tái chế đã được các cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện.

Những ngày hè vừa qua đối với các em nhỏ tại bản Phăng 1, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) thật vui và ý nghĩa hơn khi điểm vui chơi cho thiếu nhi được khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây là công trình thanh niên nằm trong chuỗi chương trình “Hành trình thứ 2 của lốp xe” được Đoàn Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh phát động, triển khai tổ chức. Tận dụng những chiếc lốp xe đã qua sử dụng cùng sự đóng góp vật chất của các chi đoàn trong Cụm thi đua số 1, 2 và công lao động của các đoàn viên xã Mường Phăng; sau gần 2 tháng bắt tay vào triển khai, công trình các thiết bị vui chơi cho thiếu nhi, gồm: 2 bộ xích đu, xà kép, bập bênh hình thú, bập bênh băng ghế… với tổng trị giá khoảng 20 triệu đồng đã được hoàn thiện vào giữa tháng 7/2021. Điểm vui chơi được đặt tại khuôn viên nhà văn hóa bản Phăng 1, đã phục vụ nhu cầu vui chơi cho hơn 300 em nhỏ bản Phăng 1 và các bản lân cận.

Sáng tạo với vật liệu tái chế

Trên hành trình giữ môi trường xanh, chống rác thải, không chỉ có các tổ chức, đoàn thể tích cực triển khai các mô hình thiết thực, mà còn có nhiều cá nhân đã đưa ra những sáng kiến mới nhằm góp phần làm thay đổi ý thức, thói quen của người dân và xã hội trong sử dụng vật liệu tái chế. Trong đó, không thể không nhắc đến sự sáng tạo của giới trẻ.

Với mong muốn giúp người dân vùng sâu, vùng xa chủ động hơn trong sản xuất nông nghiệp và dễ dàng ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu chi phí, nhân công. Mô hình sản phẩm tái chế độc đáo với tên gọi “Hệ thống bơm nước tưới cây trồng được điều khiển bằng điện thoại qua sóng GSM sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời” được nhóm học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) tỉnh tiến hành nghiên cứu từ tháng 11/2020. Sau 5 tháng triển khai, mô hình được hoàn thành và thực nghiệm thành công.

Em Sùng A Chông, học sinh Trường Phổ thông DTNT tỉnh cho biết: Những nguyên vật liệu như ắc quy hay bình nước hỏng cũ, khi vứt sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng nếu kết hợp và sáng chế thành mô hình này sẽ rất ý nghĩa, vừa giúp môi trường xanh - sạch - đẹp, vừa tạo thành những sản phẩm có ích cho cuộc sống.

Tại mô hình, việc áp dụng hệ thống điều khiển từ xa qua sóng điện thoại và sử dụng điện mặt trời để bơm nước tưới cây trồng đã góp phần làm giảm nhu cầu khai thác nhiên liệu hóa thạch, hạn chế khí thải nhà kính, giúp bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Cũng mang tính ứng dụng cao trong đời sống, sản phẩm “Đèn chiếu sáng từ nguyên liệu tái chế” được nhóm học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (TP. Điện Biên Phủ) sáng chế ra từ những chiếc pin laptop hay bóng đèn đã hỏng kết hợp cùng chai, lọ nhựa và một số nguyên liệu khác. Thông qua những tấm pin năng lượng mặt trời, chiếc đèn này có thể tự động nạp điện vào ban ngày, chiếu sáng hiệu quả vào ban đêm, đồng thời an toàn tuyệt đối với mọi hoàn cảnh, môi trường khác nhau.

Chia sẻ về ý tưởng sáng chế sản phẩm, em Trần Phương Linh, học sinh lớp 12P, Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: Xuất phát từ thực tiễn khi nền công nghiệp hiện đại đang phát triển nhanh chóng nhưng ở nhiều nơi vùng sâu vùng xa tại tỉnh ta vẫn chưa có đèn điện chiếu sáng, đặc biệt là sự gia tăng nhanh chóng của rác thải nhựa độc hại đã thôi thúc chúng em vận dụng những kiến thức học được trong nhà trường để sáng tạo ra đèn chiếu sáng từ những nguyên liệu tái chế.

Có thể thấy, vật liệu tái chế là nguồn tài nguyên dồi dào cho nhiều công việc khác nhau. Trong bối cảnh toàn xã hội đang nỗ lực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và xử lý rác thải nhựa từ mỗi người dân thì những mô hình tái chế ý nghĩa được ra đời đã góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động xấu của rác thải đến môi trường và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Bài, ảnh: Châu Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/194396/tai-che-de-bao-ve-moi-truong