Sức vươn, tầm nhìn vượt gian khó
Hôm nay 9-7, ngành Du lịch Việt Nam tròn 60 năm thành lập (9/7/1960 - 9/7/2020). Kỷ niệm đúng dịp toàn ngành đang nỗ lực vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19. Dù còn nhiều khó khăn, ngành Du lịch đã thu được những kết quả tích cực trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa kết hợp với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng điểm đến... Đây là tiền đề để toàn ngành tiếp tục phấn đấu đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nhật Nam
Bước chuyển thành công
Các con sắp được nghỉ hè, chị Nguyễn Thị Bích (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) đặt chuyến du lịch cho gia đình đi Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), khởi hành từ ngày 20-7. Tuy nhiên, chị rất bất ngờ khi khách sạn từ 3 đến 4 sao đều kín chỗ. “Do không lường trước được thị trường du lịch nội địa sớm sôi động trở lại, sát ngày đi mới đặt khách sạn, nên tôi không chọn được nơi ưng ý”, chị Bích bày tỏ.
Theo Trưởng phòng Truyền thông và Tiếp thị, Công ty Du lịch Flamingo Redtours Vũ Thị Bích Huệ, du lịch nội địa đang khởi sắc mạnh mẽ. Nhiều nơi có tình trạng “cháy” phòng, như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Còn theo bà Nguyễn Thị Thế, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Thế Anh, hoạt động du lịch hè đang rất sôi động, sản phẩm tour du lịch kích cầu bán rất chạy, nhất là tour du lịch biển.
Sự vào cuộc của các hãng hàng không đã góp phần làm sôi động thị trường du lịch nội địa. Ngoài việc mở lại các đường bay tạm dừng do giãn cách xã hội, trong tháng 5 và 6-2020, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã mở mới 13 đường bay nội địa, nối những điểm du lịch nổi tiếng với nhau, như: Từ Hải Phòng đến Đà Lạt, Phú Quốc, Cần Thơ; từ Vinh đến Cần Thơ… Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air) cũng mở 8 đường bay mới. Nhờ đó, lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không trong tháng 6-2020 đạt khoảng 297,4 triệu lượt, tăng 13,4% so với tháng trước.
Theo Tổng cục Du lịch, trong quý I và quý II-2020, khoảng 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế dừng hoạt động. Song, điều đáng mừng là hiện nay, lượng khách nội địa đang tăng trở lại trong đó tại Hà Nội, lượng khách nội địa tháng 6-2020 đạt 792 nghìn lượt, tăng hơn 60% so với tháng trước. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đánh giá, các doanh nghiệp hàng không, vận chuyển, lưu trú, lữ hành còn phải bù lỗ nhiều để kích cầu, nhưng nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, ngành Du lịch đã thực hiện kích cầu du lịch thành công, dần tăng trưởng trở lại.
Chuẩn bị cho bước đi dài
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, kịch bản phục hồi thị trường du lịch đã được triển khai theo đúng lộ trình. Từ nay đến hết năm 2020, ngành Du lịch tập trung phát triển du lịch nội địa, khuyến khích “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Bên cạnh đó, ngành Du lịch đã chuẩn bị các phương án đón khách quốc tế trở lại khi Chính phủ cho phép.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, việc tập trung phát triển du lịch nội địa là kế sách lâu dài, không chỉ là điểm tựa để phục hồi du lịch khi việc đón khách quốc tế chưa thể thực hiện. Còn theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, để du lịch nội địa phát triển bền vững, ngoài giảm giá kích cầu, các địa phương, đơn vị phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ cũng như chất lượng các sản phẩm du lịch phù hợp với tâm lý của du khách, đồng thời phát triển nền tảng số trong cách làm du lịch.
Tại Hà Nội, ngành Du lịch Thủ đô đang triển khai kế hoạch cho hoạt động du lịch từ nay đến hết năm 2020, tập trung hướng vào thị trường khách nội địa. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, du lịch Thủ đô phấn đấu từ nay đến cuối năm đạt khoảng 12 triệu lượt khách nội địa. Để đạt được mục tiêu này, ngành Du lịch Thủ đô đã và đang thực hiện nhiều giải pháp kích cầu, trong đó đáng chú ý là đã ký biên bản hợp tác với ba hãng hàng không: Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjer Air về triển khai các chương trình kích cầu cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Hà Nội. Như trong tháng 7 và 8-2020, Vietnam Airlines sẽ giảm giá từ 10% đến 15% đối với các chặng bay nội địa...
Ngoài chính sách giảm giá, kích cầu, ngành Du lịch Thủ đô đã xây dựng thành công một số sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu của du khách, như tour du lịch đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour du lịch khám phá Hoàng thành Thăng Long với nội dung trải nghiệm mới; đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề... “Bên cạnh hoạt động kích cầu, Hà Nội luôn bảo đảm môi trường du lịch an toàn, thân thiện; nâng cao chất lượng dịch vụ để du khách đến Hà Nội luôn muốn quay lại”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.
Du lịch Việt Nam đang khá thành công trong việc ứng phó với khủng hoảng toàn cầu do dịch Covid-19. Đó là cơ sở để tin tưởng vào sự phát triển trong dài hạn, ngành Du lịch sẽ phát huy truyền thống 60 năm, tiếp tục vượt khó, chủ động, sáng tạo đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/972220/suc-vuon-tam-nhin-vuot-gian-kho