Sức sống mới dưới chân đèo Lũng Lô

Di tích đèo Lũng Lô ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc như một huyền thoại. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Thượng Bằng La hôm nay đã và đang phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế của địa phương để thu hút đầu tư, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân.

>>Phát huy truyền thống anh hùng của cha ông

>>Về "rừng Đại tướng" ở Mường Phăng

Di tích Lũng Lô, huyện Văn Chấn là một địa danh đã đi vào sử sách trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc như một huyền thoại, nơi nhà thơ Tố Hữu ghi lại những câu ca vang dội và hào hùng của quân và dân cả nước, dốc sức tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ khiến thực dân Pháp phải bất ngờ, khiếp sợ: "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh".

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, những năm qua, xã Thượng Bằng La luôn tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn trên các lĩnh vực: chế biến gỗ, chè, vật liệu xây dựng, nhất là trang trại nuôi thỏ rộng 30ha của Công ty Nippon Zoki Việt Nam giải quyết việc làm cho 120 lao động địa phương với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Đứng chân trên địa bàn xã Thượng Bằng La, Công ty TNHH Nippon Zoki chi nhánh tại Yên Bái luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương xã quan tâm, tạo mọi điều kiện phát triển. Với 100% vốn đầu tư nước ngoài, Công ty được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động năm 2016, với ngành nghề kinh doanh là chăn nuôi thỏ công nghệ cao làm nguyên liệu để sản xuất vắcxin. Hiện nay, Công ty đã có 17 chuồng nuôi thỏ với trên 150.000 con thỏ các loại, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương xã Thượng Bằng La đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn trên các lĩnh vực. Nhất là, trang trại nuôi thỏ rộng 30ha của Công ty Nippon Zoki Việt Nam giải quyết việc làm cho 120 lao động địa phương với thu nhập 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với thu hút doanh nghiệp vào địa bàn, phát huy lợi thế của địa phương, xã Thượng Bằng La còn chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã có trên 130 mô hình kinh tế có hiệu quả cao, với các mô hình như: trồng cam, tre măng Bát độ, nuôi trâu, bò, lợn, gà và trồng rừng...

Khuyến khích người dân phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, đến nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt trên 53 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,94%.

Những nỗ lực đổi thay đã đưa Thượng Bằng La trở thành 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện Văn Chấn về đích xây dựng nông thôn mới từ năm 2016, xứng đáng với truyền thống trên quê hương cách mạng, quê hương di tích đèo Lũng Lô huyền thoại. Sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm chính là tiền đề vững chắc để Thượng Bằng La tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao trong năm 2024.

Minh Huyền - Mạnh Cường

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/254/322085/suc-song-moi-duoi-chan-deo-lung-lo.aspx