'Sức ép' năng lượng khiến Đức 'nóng ruột' về hạt nhân
Sự lo ngại ngày càng tăng về việc Nga có thể sẽ cắt giảm khí đốt tới châu Âu đang dấy lên tranh luận ở Đức về việc liệu nước này có nên ngừng hoạt động ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng theo kế hoạch vào cuối năm nay hay không.
Nguy cơ có thể phải gia hạn hoạt động của các nhà máy này đang dấy lên sự chia rẽ tại Đức sau khi Bộ Kinh tế nước này vào giữa tháng Bảy vừa qua đã lên tiếng rằng họ đang trải qua một "phép thử căng thẳng" mới về an ninh điện năng. Berlin có thể phải tính đến một kịch bản khó khăn hơn so với tình hình trước đó, khi nước Đức hồi tháng 5 cho rằng nguồn cung năng lượng của họ vẫn được đảm bảo.
Lo ngại Nga ngừng cung cấp khí đốt
Kể từ sau căng thẳng với Ukraine, Nga đã giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thông qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức và tới nay đã cắt giảm xuống còn 20% công suất trong bối cảnh leo thang về tình hình Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt. Moscow trích dẫn các vấn đề kỹ thuật mà Đức cho rằng đó chỉ là cái cớ. Nga đã chiếm khoảng một phần ba nguồn cung cấp khí đốt của Đức và có những lo ngại rằng Moscow có thể hoàn toàn ngừng đưa năng lượng tới Berlin.
Trong nội bộ nước Đức, khối Liên minh đối lập chính liên tục đưa ra yêu cầu về việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân. Những lời kêu gọi tương tự cũng đến từ đảng nhỏ nhất trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Dân chủ Tự do ủng hộ doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, thông tin với tờ Bild am Sonntag hôm Chủ nhật: "Rất nhiều người nói về việc không đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vốn an toàn và thân thiện với khí hậu và nếu cần thiết sẽ sử dụng chúng cho đến năm 2024".
Những lời kêu gọi tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân đang gây khó khăn cho hai đảng cầm quyền khác là Đảng Dân chủ Xã hội trung tả của Thủ tướng Scholz và đặc biệt là đảng Xanh, đảng ủng hộ môi trường của Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, người chịu trách nhiệm về năng lượng. Phản đối năng lượng hạt nhân là một nền tảng của đảng Xanh. Trước đó, chính quyền liên minh giữa đảng Xanh và đảng Dân chủ Xã hội đã khởi động quá trình đưa nước Đức thoát khỏi năng lượng hạt nhân cách đây hai thập kỷ.
Một chính phủ liên minh trung hữu của bà Angela Merkel và Đảng Dân chủ Tự do đã thiết lập cơ chế rời bỏ điện hạt nhân hiện tại từ năm 2011, ngay sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản. Cơ chế này xác định sẽ dừng các lò phản ứng hạt nhân Đức vào cuối tháng 12 năm nay.
Ông Habeck từ lâu đã nói rằng việc duy trì cho các lò phản ứng hạt nhân hoạt động sẽ phức tạp về mặt pháp lý và kỹ thuật. Thêm vào đó, chúng không giải quyết được các vấn đề do thiếu nhiên liệu. Còn khí tự nhiên cũng không phải là yếu tố tạo ra điện nhiều để cung cấp đủ cho các quá trình công nghiệp và việc sưởi ấm.
"Chúng tôi gặp khó khăn về hệ thống sưởi và hoạt động của ngành điện, nhưng vấn đề không hoàn toàn là thiếu điện - ít nhất là không phải trên diện rộng toàn quốc," ông Habeck nói vào đầu tháng Bảy.
Trong quý đầu tiên của năm nay, các nhà máy hạt nhân chỉ chiếm 6% sản lượng điện và khí đốt chiếm 13% sản lượng điện của Đức. Lindner nói "chúng ta phải nỗ lực để đảm bảo rằng khủng hoảng điện không xảy ra và không nguy cấp hơn khủng hoảng khí đốt".
Quá trình xanh hóa năng lượng đang chậm lại
Những ngày gần đây, một số người của đảng Xanh đã thể hiện sự cởi mở khi cho phép một hoặc nhiều lò phản ứng tiếp tục hoạt động trong thời gian ngắn với các thanh nhiên liệu hiện có của họ, nếu đất nước gặp phải tình huống khẩn cấp về nguồn điện, nhưng điều đó sẽ không kéo dài lâu hơn nữa.
Tuy nhiên, nhiều người khác vẫn không đồng tình. Nhà lập pháp nổi tiếng của đảng Xanh Juergen Trittin kiêm Bộ trưởng Môi trường của Đức khi chương trình dỡ bỏ điện hạt nhân lần đầu tiên được đưa ra, đã thông tin với báo Tagesspiegel hôm thứ Bảy: "Đó sẽ là sự gia hạn suốt đời cho các lò phản ứng này – điều cũng sẽ yêu cầu thay đổi luật hiện hành. Chúng tôi sẽ không đụng đến điều đó".
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz đã hối thúc chính phủ đặt hàng thanh nhiên liệu mới cho các lò phản ứng còn lại ngay lập tức. Nhà lập pháp cấp cao của phe đối lập Alexander Dobrindt đã kêu gọi kích hoạt lại ba lò phản ứng đã đóng cửa và nói với tờ Welt am Sonntag rằng "trong tình huống này, việc kéo dài thời gian tồn tại của năng lượng hạt nhân thêm ít nhất 5 năm nữa là điều có thể xảy ra".
Trước đó, chính phủ của ông Scholz đã bật đèn xanh cho một số nhà máy nhiệt điện than và đồng thời có kế hoạch dọn đường cho các nhà máy đốt than non không hoạt động cũng được hoạt động trở lại. 11 nhà máy nhiệt điện than khác dự kiến ngừng hoạt động vào tháng 11 năm nay cũng sẽ được phép tiếp tục hoạt động.