Sự khác biệt trong quản lý công nghệ AI của Mỹ, Trung Quốc và EU
Về các quy định liên quan đến kỹ thuật số, Mỹ theo đuổi cách tiếp cận dựa trên thị trường, Trung Quốc đang thúc đẩy cách tiếp cận do nhà nước điều hành còn EU thì có cách tiếp cận dựa trên quyền lợi của người dùng.
Trí tuệ nhân tạo đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới. ChatGPT và các công nghệ AI thế hệ mới khác có thể tạo ra cuộc cách mạng về cách thức con người làm việc, tương tác với thông tin và tương tác với nhau. Công nghệ này cho phép con người đạt đến những giới hạn mới về kiến thức và năng suất, chuyển đổi thị trường lao động, tái thiết nền kinh tế và dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội chưa từng có.
Tuy vậy, tốc độ phát triển của AI đang khiến các nhà công nghệ, người dân và cơ quan quản lý lo lắng. Ngay cả những người đi tiên phong trong lĩnh vực công nghệ như Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman và người đồng sáng lập Apple Steve Wozniak đã đưa ra những cảnh báo về việc AI không được kiểm soát có thể dẫn đến những tác hại không thể tưởng tượng nổi, gây ra những mối đe dọa nghiêm trọng cho các cá nhân và xã hội. Những dự đoán tồi tệ nhất liên quan đến nguy cơ AI xóa sổ thị trường lao động và khiến con người trở nên lỗi thời hoặc — theo kịch bản cực đoan nhất — thậm chí hủy diệt loài người.
Với việc các công ty công nghệ đang chạy đua để nâng cao năng lực trí tuệ nhân tạo thì các nước cũng đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc xây dựng quy định về AI mà không cản trở sự đổi mới. Các mô hình quản lý khác nhau đã xuất hiện ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, bắt nguồn từ các giá trị và ưu tiên riêng. Những cách tiếp cận khác nhau này sẽ không chỉ định hình lại thị trường trong nước—mà còn ngày càng định hướng cho việc mở rộng các đế chế kỹ thuật số của Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Mỗi đế chế đều thúc đẩy một tầm nhìn cạnh tranh cho nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu trong khi cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trong thế giới kỹ thuật số.
Khi cuộc đua giành quyền thống trị AI nóng lên, cách các quốc gia lựa chọn quản lý trí tuệ nhân tạo sẽ có tác động sâu sắc đến tương lai của công nghệ và xã hội.
Khác biệt giữa Mỹ, Trung Quốc và EU
Khi nói đến các quy định về kỹ thuật số, Mỹ theo đuổi cách tiếp cận dựa trên thị trường, Trung Quốc đang thúc đẩy cách tiếp cận do nhà nước điều hành còn EU thì có cách tiếp cận dựa trên quyền lợi.
Mỹ coi AI là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố sức mạnh của đất nước, các công ty công nghệ được tôn vinh là động lực của sự tiến bộ. Mỹ không xây dựng luật AI liên bang và chỉ đề xuất các tiêu chuẩn tự nguyện mà các công ty công nghệ có thể chọn áp dụng hoặc bỏ qua. Có thể lấy một ví dụ như bản Kế hoạch chi tiết cho Dự luật về Quyền của AI do Nhà Trắng xuất bản vào tháng 10/2022 đã cung cấp hướng dẫn cho các nhà phát triển và người dùng AI về cách bảo vệ quyền của công chúng Mỹ trong thời đại AI, nhưng cuối cùng vẫn đặt niềm tin vào quá trình tự điều chỉnh của các công ty công nghệ.
Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ Lina Khan đã cảnh báo rằng việc để các doanh nghiệp quản lý AI có thể khiến Mỹ phải trả giá đắt; đồng thời cho rằng các quy định của chính phủ sẽ rất quan trọng để đảm bảo rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo mang lại lợi ích cho tất cả mọi người . Tuy nhiên, quy định toàn diện về AI vẫn là một viễn cảnh xa vời ở Mỹ, do bất đồng tại Quốc hội và những lo ngại dai dẳng của những người ra quyết định rằng bất kỳ quy định nào như vậy có thể sẽ ảnh hưởng đến sự đổi mới và làm suy yếu vai trò lãnh đạo công nghệ của Mỹ.
Ngược lại với Mỹ, Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận do nhà nước định hướng đối với quy định kỹ thuật số như một phần trong nỗ lực đầy tham vọng nhằm đưa Trung Quốc trở thành siêu cường công nghệ hàng đầu thế giới.
Chính phủ Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành công nghệ nước này từ rất sớm. Mặc dù vậy, trước những thách thức tiềm ẩn của AI, Bắc Kinh quyết tâm duy trì sự kiểm soát chặt chẽ đối với công nghệ này. Tháng 4 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành dự thảo quy định tổng quát về AI. Đây là một trong những ví dụ cho thấy chính phủ Trung Quốc cam kết định hướng tương lai AI của đất nước, khuyến khích tiến bộ công nghệ đồng thời đảm bảo rằng AI sẽ không làm suy yếu sự ổn định xã hội.
Liên minh Châu Âu lại có cách tiếp cận khác với cả Mỹ và Trung Quốc, tập trung vào quyền của người dùng và công dân. Theo quan điểm của châu Âu, AI báo trước một sự chuyển đổi kỹ thuật số với tiềm năng đột phá đến mức không thể phó mặc cho ý thích bất chợt của các công ty công nghệ mà thay vào đó phải gắn chặt vào pháp quyền và quản trị. Trên thực tế, điều này có nghĩa là các chính phủ cần can thiệp để bảo vệ các quyền cơ bản của cá nhân, bảo tồn các cấu trúc xã hội và đảm bảo phân phối công bằng các lợi ích từ nền kinh tế kỹ thuật số.
Cách tiếp cận dựa trên quyền lợi đã được phản ánh trong các quy định đột phá của EU, chẳng hạn như Quy định bảo vệ dữ liệu chung, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu của công dân. Gần đây, EU cũng đã thông qua Đạo luật thị trường kỹ thuật số, áp đặt các nghĩa vụ đối với cái gọi là người gác cổng kỹ thuật số, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ của Mỹ, để hạn chế sự thống trị của họ và bảo vệ sự cạnh tranh; và Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, thiết lập các quy tắc giữ các nền tảng trực tuyến chịu trách nhiệm về nội dung mà chúng lưu trữ.
Các nhà lập pháp EU gần đây đã thông qua một dự thảo luật toàn diện được gọi là Đạo luật AI, tìm cách giảm thiểu rủi ro do AI gây ra và đảm bảo rằng các quyền cơ bản của cá nhân được bảo vệ. Theo dự thảo luật, dự kiến sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay, các hệ thống AI khai thác lỗ hổng của cá nhân hoặc thao túng hành vi của con người sẽ bị cấm. Việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt theo thời gian thực ở những nơi công cộng cũng là vi phạm pháp luật, vì nó xâm phạm các quyền và tự do cơ bản. Các hệ thống AI có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử trong việc tiếp cận việc làm hoặc lợi ích công cộng của mọi người cũng sẽ bị quản lý chặt chẽ.
Đạo luật AI của EU sẽ phải giải được bài toán hóc búa khi ranh giới giữa lợi và hại của công nghệ AI đang còn mơ hồ. Bài toán này có thể sẽ chi phối các giai đoạn cuối của quy trình lập pháp, nhưng Nghị viện Châu Âu đã chỉ ra rằng AI tổng quát phải tuân thủ các yêu cầu minh bạch khác nhau và được thiết kế theo cách không vi phạm các quyền cơ bản hoặc tạo ra nội dung bất hợp pháp. Sau khi luật ràng buộc này được hoàn thiện, nó sẽ trở thành quy định AI toàn diện đầu tiên trên thế giới.