Sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả

Nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nước, như: Thiếu nước, nước bị ô nhiễm, sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả... Đây là thực trạng được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cảnh báo, nhất là trước những diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu (BĐKH), đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, phù hợp khi sử dụng nước, trong đó có việc sử dụng nước để sản xuất nông nghiệp.

Nước là một trong những nhân tố quyết định đến năng suất cây trồng cũng như hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Sử dụng nước tiết kiệm sẽ giúp giảm chi phí canh tác và nâng cao thu nhập cho bà con. Trong bối cảnh BĐKH diễn ra gay gắt như hiện nay, các giải pháp sử dụng nguồn nước hiệu quả, linh hoạt và bền vững sẽ giúp người dân đối phó chủ động hơn với những diễn biến bất thường của thiên tai.

Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi BĐKH, bên cạnh tiềm năng về cây lúa, nước ta còn có một tiềm năng rất lớn trong phát triển nông sản từ cây trồng cạn, đặc biệt là những cây chủ lực và có lợi thế như cà phê, hồ tiêu, chè, điều, cao su, mía, cây ăn quả, rau, hoa... Theo quy hoạch phát triển, trong thời gian tới, diện tích cây trồng cạn của cả nước sẽ tiếp tục tăng, nhiều nhất là cây ăn quả, tiếp đó là cao su, cà phê và điều... Do đó, áp lực về nguồn nước tưới tiêu cũng sẽ gia tăng, đòi hỏi việc sử dụng nước phải tiết kiệm và hiệu quả hơn.

TS Đào Trọng Tứ cho biết: “Hiện đã có không ít mô hình tiêu biểu về áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng. Những cây có giá trị kinh tế cao thì nên áp dụng mô hình này bởi hiệu quả rất cao. Áp dụng công nghệ là giải pháp tối ưu để tiết kiệm nước cho sản xuất; giảm công lao động, chủ động tưới tiêu trong mọi hoàn cảnh”.

Nông dân xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho vườn cà phê. Ảnh: MINH THUẬN

Theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 6 mô hình tưới tiết kiệm là tưới nhỏ giọt ngầm, tưới nhỏ giọt capinet, tưới nhỏ mặt, tưới phun mưa, tưới phun cấp hạt nhỏ và tưới phun sương. Áp dụng những mô hình tưới tiết kiệm này giúp quản lý dinh dưỡng cây trồng, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm phòng trừ cỏ dại, giảm nấm bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, cơ giới hóa, sản xuất hàng hóa quy mô lớn...

Còn đối với khu vực xảy ra hạn mặn gay gắt và lũ về thấp như ở Đồng bằng sông Cửu Long, theo PGS, TS Lê Anh Tuấn, cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu BĐKH (Đại học Cần Thơ) thì cần giảm nhanh diện tích trồng lúa vì hoạt động trồng lúa tiêu tốn rất nhiều nước mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Bên cạnh đó, ngoài những giải pháp ứng dụng công nghệ tưới đắt tiền, bà con cũng cần có kế hoạch sử dụng nước hợp lý như tưới theo đúng thời điểm cần nước của cây trồng; liều lượng tưới phải hợp lý; có thể kết hợp mục tiêu tưới với các mục tiêu khác như cấp nước sinh hoạt, nuôi cá, cải tạo đất; tận dụng chum, vại, bể chứa... để tích trữ nước dùng khi thiếu nước. PGS, TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: “Tưới nhỏ giọt, tiết kiệm thực ra rất tốt cho cây trồng, cây dễ dàng hấp thụ. Nên sử dụng những cây trồng ít tốn nước. Cây lúa sử dụng rất nhiều nước nên cần chuyển đổi cho phù hợp”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin thêm: “Thực tế hiện nay, nguồn nước sinh hoạt và hệ thống thủy lợi trong trồng trọt, chăn nuôi ngày càng bị ô nhiễm, chịu tác động của BĐKH. Do đó, với khoảng 70% tổng lượng nước ngọt được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, chúng ta cần thay đổi, tối ưu hóa cách sản xuất lương thực, thực phẩm. Đây là nhiệm vụ cấp bách, nếu không sớm hành động sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, bởi nước sạch không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Chúng ta không thể xem thường vai trò của nước trong đời sống. Gìn giữ nước chính là chìa khóa để đạt các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030”.

Có thể nói, với một nước sản xuất nông nghiệp là chủ yếu như nước ta, việc sử dụng nguồn nước linh hoạt và hiệu quả không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm tài nguyên nước. Đây là đòi hỏi cấp thiết trong bối cảnh tương lai nguồn nước sẽ là sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.

TUẤN PHONG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/su-dung-nguon-nuoc-tiet-kiem-hieu-qua-766789