Sử dụng đồ uống có đường tăng, gánh nặng bệnh tật tăng theo

Để giảm bớt sự gia tăng bệnh thừa cân béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp... và gánh nặng của bệnh không lây nhiễm trong tương lai, nhiều quốc gia đã thực hiện kết hợp ba nhóm giải pháp cùng lúc nhằm quản lý đồ uống có đường: áp thuế; hạn chế quảng cáo và tăng cường truyền thông…

Người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần

Theo Tổ chức Y tế thế giới, đồ uống có đường là đồ uống có chứa đường tự do, chúng có thể là nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả, hoặc dạng cô đặc hay dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường.

Mức tiêu thụ đồ uống có đường nói chung ở Việt Nam cũng đã gia tăng nhanh, từ mức trung bình 6,6 lít/người (năm 2002) lên 46,5 lít/người (năm 2017) và đặc biệt đã tăng lên 50,7 lít/người vào (năm 2018) và 52,9 lít vào năm 2020. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần.

Người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần

Người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần

PGS.TS Bùi Thị Nhung – Trưởng Khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, xu hướng sử dụng đồ uống có đường ở trẻ em ngày càng tăng, điều này làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TPHCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.

Con số này ở người trưởng thành ở năm 2015 là 15,6%, đến năm 2021 đã tăng lên 19,5%.

PGS.TS Vũ Thị Thu Hiền - Trưởng Khoa hóa sinh và chuyển hóa dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay đã có rất nhiều nghiên cứu với cỡ mẫu lớn trên thế giới chứng minh đồ uống có đường có liên quan đến nhiều ảnh hưởng không tốt với sức khỏe.

Cụ thể, đồ uống có đường có thể dẫn đến sâu răng, xói mòn men răng, thừa cân béo phì và đái tháo đường tuýp 2. Cùng đó là một loạt hệ lụy liên quan đến rối loạn chuyển hóa dẫn đến các bệnh như gout, loãng xương, tăng huyết áp…

Chia sẻ thêm thông tin về những gánh nặng về sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam vài năm trở lại đây, PGS.TS. Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, theo kết quả Tổng Điều tra dinh dưỡng so sánh giữa năm 2010 và năm 2020, tỷ lệ thừa cân, béo phì tại Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng kể cả ở lứa tuổi trẻ em lẫn người trưởng thành.

Tỷ lệ đái tháo đường tuýp 2, rối loạn chuyển hóa, tim mạch cũng đang gia tăng khi năm 2015 có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040.

Tại hội thảo truyền thông chính sách về vấn đề tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Thùy Duyên - Trường Đại học Y tế Công cộng cho hay tại Việt Nam, số liệu cho thấy sự tăng nhanh chóng mặt về tỷ lệ thừa cân béo phì ở cả người lớn và trẻ em. Điểm đáng lưu ý là cũng trong thời gian này, sản lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam cũng tăng theo cấp số nhân.

"Nếu đặt hai số liệu này cạnh nhau, chúng ta có thể nhận ra tần suất và mức độ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã thay đổi như thế nào trong hai thập kỉ vừa qua. Chính vì vậy, việc xây dựng chính sách thuế đồ uống có đường đã được đề cập đến trong các chính sách, cả đường lối chung và của riêng ngành y tế"- TS. Nguyễn Thùy Duyên nói.

Hơn 100 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

Hơn 100 quốc gia đã đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

Cần phải có hành động nhanh chóng để giảm mức tiêu thụ đồ uống có đường

Theo TS Angela Pratt – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, sự gia tăng đáng kể mức tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam cho thấy cần thiết phải có hành động nhanh chóng để giảm mức tiêu thụ vì sức khỏe cộng đồng với việc áp thuế từ đồ uống có đường có thể làm giảm tỷ lệ thừa cân và béo phì đặc biệt ở trẻ em; đồng thời góp phần làm giảm bệnh không lây nhiễm ở các thế hệ sau này.

Theo bà, trên khắp thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng thuế. Tín hiệu giá - chi phí cao hơn – rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

Hiện có 117 quốc gia, vùng lãnh thổ đã áp dụng thuế đối với các sản phẩm này. Kinh nghiệm quôc tế cho thấy đây là giải pháp hữu hiệu để giảm thói quen của người tiêu dùng cũng như định hướng sản xuất của ngành công nghiệp chuyển dần sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng thấp hoặc không có đường.

Ở Mexico, 2 năm sau khi áp dụng thuế trên đồ uống có đường, các hộ gia đình có ít nguồn lực nhất đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, so với 7,6% ở dân số chung. Tại Saudi Arabia đã giảm tiêu thụ 35% sau khi tăng giá ở mức 50%. Còn ở Nam Phi với mức thuế khoảng 12%, đồ uống có đường đã giảm tiêu thụ khoảng 15%.

"Bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Họ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối. Các biện pháp như thế này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân và béo phì, đặc biệt là ở trẻ em và giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai"- TS Angela Pratt nhấn mạnh.

Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm.

Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm.

Ngoài đề xuất áp dụng thuế, các chuyên gia cũng đưa ra các biện pháp khác để kiểm soát tiêu dùng đồ uống có đường như: quy định ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống; hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên…

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm – Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh thêm khuyến cáo của tổ chức này về đường: Giảm tiêu thụ đường tự do trong suốt quá trình sống (khuyến nghị mạnh mẽ); Ở cả người lớn và trẻ em, giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường.

"Tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) tổng năng lượng ăn vào sẽ mang lại lợi ích bổ sung"- Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm nêu rõ.

Tại Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), lần đầu tiên đồ uống có đường thuộc danh mục hàng hóa đề xuất áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nguyễn Hoàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/su-dung-do-uong-co-duong-tang-ganh-nang-benh-tat-tang-theo-169240523230755498.htm