Sử dụng đất phải xuất phát từ lợi ích chung

Thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng, sử dụng đất phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân.

Sáng 30-8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiến hành xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp.

Xác định giá đất bảo đảm hài hòa lợi ích

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là dự án Luật lớn, có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại dự thảo Luật liệt kê các trường hợp Nhà nước thu hồi đất là cứng nhắc, chưa phản ánh đầy đủ, chưa khắc phục được căn cơ các vấn đề bất cập. Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, quy định theo hướng liệt kê các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng có ưu điểm bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng.

Tuy nhiên, việc liệt kê quá cụ thể, chi tiết các dự án, công trình thu hồi đất có nhược điểm khó bảo đảm bao quát, đầy đủ. Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng, cách tiếp cận theo hướng liệt kê các trường hợp như hiện nay chưa làm rõ được sự cần thiết của các dự án, công trình này theo tinh thần của Hiến pháp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chỉnh sửa quy định tại các điều, khoản về căn cứ xác định, thông tin đầu vào, phương pháp xác định giá đất để thể chế hóa cụ thể hơn yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TƯ về “có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Việc bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân được thực hiện thông qua các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về thuế có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng bổ sung quy định rõ về nội hàm các phương pháp xác định giá đất; bỏ quy định về việc lựa chọn phương pháp theo nguyên tắc “có lợi nhất cho ngân sách nhà nước”, thay thế bằng quy định về trường hợp áp dụng đối với từng phương pháp cụ thể; lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh, không còn là một phương pháp định giá độc lập.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật bổ sung phương pháp thặng dư là một trong những phương pháp xác định giá đất và bổ sung tương ứng quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng; tuy nhiên, điều kiện áp dụng phương pháp này đã có sự thu hẹp so với quy định của pháp luật hiện hành. Các nội dung này đồng thời đang được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

“Vì vậy, việc quy định tại Luật về các phương pháp xác định giá đất theo các nội dung này không phải là việc luật hóa các quy định của văn bản dưới luật đã được thực hiện ổn định trong thực tiễn”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận.

Cần quy định nguyên tắc về giá đền bù đất

Thảo luận về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khi nhắc đến sử dụng đất thì phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, địa phương, lợi ích doanh nghiệp và lợi ích của người dân, vì vậy cần phải làm rõ hơn ba lợi ích này. Cùng với đó, cần xác định thuộc tính của đất gồm có vị trí và diện tích.

“Có vị trí đất phù hợp với làm giao thông, có vị trí gần với sông, với biển…, mỗi vị trí này đều có những lợi thế khác nhau. Khi nhắc đến lợi ích quốc gia, địa phương thì cần xác định vị trí đất có thể làm được gì để có lợi nhất đối với đất nước và địa phương”, đại biểu cho hay.

Về phương pháp định giá đất, đại biểu đề nghị quy định trong luật là phương pháp xác định đền bù cho người dân, xác định chi phí đền bù. “Giá đất là do doanh nghiệp thỏa thuận với người dân nên không quy định trong luật nhưng phải quy định nguyên tắc đền bù”, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói.

Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, có một số nội dung trong dự thảo Luật chưa được cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ. Nghị quyết số 18-NQ/TƯ đặt mục tiêu thị trường bất động sản trong đó có thị trường quyền sử dụng đất phải trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả, nhưng thực tế việc phân bổ đất đai qua cơ chế thị trường đã làm sai lệch méo mó kết quả.

“Người có nhu cầu, có khả năng sử dụng không tiếp cận đất đai hoặc tiếp cận với chi phí quá cao, làm tăng chi phí kinh doanh, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đất đai lại trở thành công cụ đầu cơ để sinh lời, không phải được đưa vào khai thác, sử dụng”, đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ.

Nêu thực tế tồn tại, vướng mắc khi thực hiện giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Quốc Oai (Hà Nội) tại 15 dự án thực hiện thu hồi đất nông nghiệp, đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để giải quyết vướng mắc thực tiễn trong thực hiện giao đất dịch vụ trong Luật Đất đai lần này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) thảo luận.

Góp ý về vấn đề thu hồi đất đối với một số dự án bị tắc nghẽn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, tất cả các dự án, dù to dù nhỏ nếu được cấp chính quyền cho phép thì chính quyền phải tham gia vào vấn đề giải tỏa, thu hồi đất cho dự án. Đại biểu nêu rõ, đối với các dự án đã được giải tỏa từ trên 70% trở lên, qua 2 năm thì sẽ cưỡng chế để thu hồi và giá đền bù đúng bằng giá Nhà nước quy định. Nếu còn lại một số hộ thì chính quyền cần tham gia vào vấn đề đền bù, giải tỏa. Vì vậy, đại biểu mong muốn các văn bản dưới Luật này cần có quy định cụ thể.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc hội nghị.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương, hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung theo kế hoạch đề ra.

Hội nghị có nhiều đại biểu thảo luận với các ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, xác đáng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật. Không khí thảo luận sôi nổi, tâm huyết, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã công phu, trách nhiệm chuẩn bị tài liệu trình hội nghị và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn chỉnh các dự thảo luật, hồ sơ tài liệu các dự án luật, trình Quốc hội xem xét quyết định theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/su-dung-dat-phai-xuat-phat-tu-loi-ich-chung-639558.html