Sớm có chính sách hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 200 ngàn ha rừng và đất lâm nghiệp với đa dạng loại rừng gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng trồng. Hơn 20 năm trước, tỉnh đã tiến hành đóng cửa rừng để chăm sóc, bảo vệ. Nhờ đó, nhiều năm qua, Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong công tác bảo vệ rừng.
Để đạt được kết quả này, vai trò của lực lượng giữ rừng đặc biệt quan trọng. Đây là những người trực tiếp bám cơ sở, bám rừng để triển khai các kế hoạch; trực tiếp tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng; ngăn chặn đối tượng xâm nhập rừng trái phép; chủ động các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ quy định về việc chuyển lực lượng kiểm lâm ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thành lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng mà chưa có thêm các chế độ hỗ trợ thật phù hợp với đặc thù công việc đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý, tinh thần công tác của lực lượng kiểm lâm trên địa bàn. Nhiều kiểm lâm trong khu bảo tồn, vườn quốc gia trong tỉnh nghỉ việc vì chế độ đãi ngộ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng quá thấp. Đến nay, việc tuyển dụng viên chức chuyên trách bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn nên không tuyển được người.
Trong khi tình hình hoạt động của “lâm tặc” trên địa bàn ngày càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng xâm hại rừng có hành vi manh động, táo bạo, đã dùng hung khí, súng tự chế để chống trả gây thương tích cho lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng để tẩu thoát. Trước thực trạng phức tạp này, nếu lực lượng giữ rừng mỏng, thiếu các công cụ hỗ trợ sẽ rất khó ngăn chặn, xử lý những đối tượng xâm hại rừng, nguy cơ “chảy máu” rừng là rất lớn. Vì rừng ở Đồng Nai rất đa dạng nên có hệ sinh thái rừng, tài nguyên rừng đa dạng, nhiều động vật rừng quý hiếm, được “lâm tặc” chú ý.
Để giữ rừng mãi xanh, giữ lá phổi “khổng lồ” cho Đồng Nai và các tỉnh, thành phía Nam, bên cạnh các giải pháp bảo vệ rừng đang triển khai, cần phải quan tâm đến việc nâng cao các chế độ, chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng. Việc HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết quy định hỗ trợ với lực lượng bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027 là điều cần thiết, đang được các chủ rừng cũng như lực lượng giữ rừng mong đợi. Một khi đời sống, thu nhập của lực lượng bảo vệ rừng được đảm bảo thì chắc chắn sẽ tạo động lực, sự yên tâm trong công việc bảo vệ rừng; để những công sức, sự hy sinh thầm lặng của họ được bù đắp xứng đáng.