Số phận những mẫu MPV bình dân mới - không dễ thành công
Nếu Stargazer X mới ra mắt đã 'cứu' thành công mẫu xe thế hệ trước, tương lai của MG G50, BYD M6 hay GAC M6 Pro lại chưa thật sự 'rộng mở'.
Từ đầu năm 2024, lượng xe mới xuất hiện tại Việt Nam tăng vượt bậc nhờ sự góp mặt của các thương hiệu ôtô Trung Quốc. Dù không ghi nhận lượng tân binh đông đúc như nhóm SUV, những chiếc MPV bình dân cũng ghi nhận nhiều cái tên nổi bật.
Vậy số phận của những mẫu xe MPV giá rẻ mới này sẽ thế nào, có phải cái tên nào cũng thành công?
Hyundai Stargazer X - thay tên đổi phận
Đầu quý II, Hyundai "nổ phát súng" đầu tiên khi trình làng Stargazer X, một biến thể mới thay cho mẫu Stargazer tiền nhiệm. Sự có mặt của Stargazer X đã thật sự cứu lấy mẫu xe này bởi trước đó, Stargazer tiền nhiệm không được lòng người dùng.
Từng có thời gian doanh số của mẫu MPV này không vượt qua 2 chữ số. Đầu năm nay, Hyundai chỉ bán được 55 chiếc Stargazer sau đó liên tục trắng doanh số đến khi Stargazer X xuất hiện. Lý do cho sự thất bại của Stargazer không đến từ mức giá, tiện nghi hay sức mạnh động cơ mà từ kiểu dáng "kỳ lạ" và không hợp thí hiếu của mẫu MPV này.
Ngay khi được ra mắt, biến thể X đã cho thấy sự lột xác hoàn toàn khi mang nhiều nét SUV hơn. Stargazer X được gia tăng kích thước tổng thể, tạo cảm giác bề thế nhưng không quá độc lạ như bản tiền nhiệm.
So với các tân binh nhóm MPV ra mắt năm nay, đây là cái tên ghi nhận sức bán tốt nhất. Trong 5 tháng kể từ khi ra mắt, Hyundai bán trung bình 597 chiếc Stargazer X/tháng. Tại Việt Nam, Stargazer X được bán với 3 phiên bản, giá dao động 489-599 triệu đồng.
Bình cũ rượu mới Suzuki XL7 Hybrid
Nếu Stargazer X làm nên chuyện khi cứu lấy mẫu xe tiền nhiệm, XL7 Hybrid lại không tạo được làn sóng quá ấn tượng khi ra mắt. Đây không hẳn là một sản phẩm hoàn toàn mới mà trông giống bản nâng cấp động cơ hơn khi sở hữu thiết kế gần như giống hệt XL7 bản xăng.
Động cơ mild hybrid trên mẫu xe này cũng được thừa hưởng từ chiếc Ertiga hybrid với máy xăng dung tích 1.5L cho ra công suất tối đa 103 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 138 Nm, kết hợp với bộ pin lithium-ion 12 V.
Trước đó, 2 mẫu xe tiền nhiệm là XL7 và Ertiga hybrid cũng không ghi nhận sức bán tốt nếu đặt cạnh các đối thủ trong phân khúc. Nhiều tháng trong quý I-II năm nay, 2 cái tên này đều xuất hiện trong nhóm bán chậm nhất thị trường.
Việc thừa hưởng các thiết kế cũng như động cơ của 2 mẫu xe không nổi bật có thể là lý do chính khiến XL7 hybrid không tạo được tiếng vang khi ra mắt. Tuy nhiên, yếu tố đa dụng, giá rẻ và chi phí sử dụng tiết kiệm lại là điểm mạnh của mẫu MPV này với khách hàng thực dụng hay có nhu cầu kinh doanh taxi dịch vụ.
Công nghệ Mild Hybrid giúp xe tiết kiệm hơn đôi chút nhiên liệu, đồng thời cũng đủ đơn giản để không làm thay đổi chi phí bảo dưỡng hay sửa chữa nếu so với các công nghệ hybrid hiện đại hơn.
Tại Việt Nam, XL7 hybrid được bán với một phiên bản, giá 599,9 triệu đồng.
BYD M6 có cửa?
BYD M6 là sản phẩm thứ 4 được nhà sản xuất Trung Quốc mang về Việt Nam từ tháng 10. Đây được kỳ vọng trở thành "phao cứu sinh" cho thương hiệu nhờ giá thành "thân thiện" với người dùng hơn 3 đàn anh.
Mặc dù là thương hiệu xe điện thành công tại nhiều thị trường, 3 mẫu xe ra mắt trước đó của BYD ở Việt Nam bao gồm Dolphin, Atto 3 và Seal lại khó để đạt được doanh số tốt do tệp khách hàng bé, giá thành cao và ngoại hình quá cá tính so với sở thích người Việt.
M6 lại được thiết kế khác, đây là một chiếc MPV thuần điện với kích thước tương đương Hyundai Custin hay Toyota Innova Cross. Nhờ điểm mạnh động cơ điện với chi phí sử dụng thấp, M6 phù hợp với những khách hàng có nhu cầu kinh doanh taxi dịch vụ.
Nhược điểm về thiếu trạm sạc công cộng cũng có thể được khắc phục trên BYD M6, khi các xe dịch vụ có thể tính toán sạc điện vào ban đêm và vận hành trong ngày, với tầm hoạt động đủ lớn của mẫu MPV điện.
Trên thị trường hiện tại cũng chỉ có BYD M6 là mẫu MPV điện, các sản phẩm khác đều là xe cỡ nhỏ hoặc SUV.
Tuy vậy theo nguồn tin của Tri Thức - Znews, BYD không chủ trương bán M6 với số lượng lớn cho các hãng taxi tại Việt Nam. Các mẫu BYD M6 chạy dịch vụ thường là xe cá nhân, không gắn mào taxi.
Quyết định này nhiều khả năng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của M6 trước các đối thủ. Tại Việt Nam, BYD M6 được bán với giá 756 triệu đồng.
Dấu hỏi cho GAC M6 Pro
Trong sự kiện VMS 2024, GAC giới thiệu M6 Pro đến người dùng đồng thời công bố giá bán 2 phiên bản lần lượt là 699 và 799 triệu đồng.
Khác với những hãng xe Trung Quốc, GAC không chọn phân khúc SUV cỡ B làm điểm đến đầu tiên khi xuất hiện tại Việt Nam. Thương hiệu này chọn một đường khó đi hơn với SUV cỡ D giá cao GS8 và MPV hạng sang M8, sau đó đến M6 Pro.
Câu chuyện doanh số chắc chắn không thể nhanh chóng ghi nhận tính hiệu tích cực trước những mẫu xe phân khúc cao như vậy. Tuy nhiên vấn đề của GAC đến từ cách vận hành và chiến lược bán. Hiện tại dù là một tập đoàn lớn tại quê nhà, liên tục mang xe mới giới thiệu người dùng, thương hiệu này dường như chưa thật sự bán xe nghiêm túc ở Việt Nam.
Theo cập nhật từ trang chủ, GAC hiện chỉ có 7 đại lý toàn quốc bao gồm TP. Hải Phòng, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, TP.HCM và Long An, Bình Dương. Hãng cũng không cho thấy nỗ lực xây dựng nhà máy hay cơ sở bảo hành/bảo dưỡng tại địa phương nhằm hỗ trợ người dùng.
Như vậy, khó để khách hàng có thể phải lòng những mẫu xe của GAC dù chất lượng và thiết kế tốt ra sao bởi hãng vẫn chưa cho thấy những cam kết lâu dài khi bán xe tại Việt Nam như các thương hiệu đồng hương còn lại.
Kỳ vọng giá của MG G50
Trong sự kiện VMS 2024, MG cũng giới thiệu người dùng mẫu MPV bình dân mới tên G50 và "hé lộ" thời gian mở bán từ tháng 11. Tuy nhiên đến nay khi các đại lý bắt đầu nhận đặt cọc, thông tin về giá bán hay thời gian giao xe vẫn chỉ đang xuất hiện qua lời hứa từ nhân viên tư vấn.
Theo nhiều nguồn tin, MG G50 dự kiến có giá dao động 550-650 triệu đồng cho 2 phiên bản. Và nếu đây là sự thật, mẫu MPV này nhiều khả năng sẽ đạt được kết quả bán tốt như cách MG 5 đã từng.
MG 5 là một trong những mẫu xe "gánh vác doanh số" cho thương hiệu tại thị trường Việt. Chiếc sedan này không ăn điểm về động cơ hay thiết kế mà thu hút khách nhờ chiêu "phá giá" biến chiếc xe gầm thấp cỡ C có giá tương đương một mẫu SUV cỡ A-B (399 triệu đồng).
Nhờ sự thành công của MG 5, khách hàng đặt nhiều kỳ vọng và chờ đợi mức giá chính thức cho G50.
Nếu được áp dụng đúng "chiêu" của MG 5, G50 có thể tạo được làn sóng trong nhóm xe taxi dịch vụ. Rào cản của MG G50 đến từ động cơ xăng. Ở thời điểm mà xe thuần điện hay hybrid dần trở thành đích đến và dự kiến bùng nổ ở nhóm taxi dịch vụ, máy xăng trên G50 có thể khiến các hãng vận tải hay các cá nhân lo ngại về tính tiết kiệm.