Síp nhận hệ thống phòng không từ Israel thay thế vũ khí Nga
Theo kênh truyền hình Sigma, lô vũ khí được bàn giao hôm 3/12. Tuy nhiên, các quan chức Cộng hòa Síp từ chối bình luận chi tiết.
Truyền thông địa phương đưa tin, Cộng hòa Síp đã nhận lô hàng đầu tiên của hệ thống phòng không Barak MX do Israel sản xuất, trong bối cảnh quốc đảo Địa Trung Hải này tìm cách nâng cấp năng lực phòng thủ sau khi mất đi nguồn cung vũ khí chủ chốt từ Nga do Moskva đang phải chịu các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Theo kênh truyền hình Sigma, lô vũ khí được bàn giao hôm 3/12. Tuy nhiên, các quan chức Cộng hòa Síp từ chối bình luận chi tiết.
Đổi mới năng lực phòng thủ giữa căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ
Cộng hòa Síp bị chia cắt từ năm 1974 sau cuộc can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ, với chính quyền được quốc tế công nhận kiểm soát phía Nam, còn phía Bắc do chính quyền Cộng hòa Bắc Síp tự xưng, được Ankara hậu thuẫn, quản lý.
Hệ thống phòng không Barak MX được kỳ vọng sẽ thay thế và bổ sung cho hệ thống Tor M1 do Nga sản xuất, vốn đã lạc hậu. Nga từng là nhà cung cấp vũ khí chính của Síp trong nhiều thập kỷ, nhưng các giao dịch này đã giảm dần từ trước khi lệnh cấm xuất khẩu vũ khí hoàn toàn được áp đặt sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022.
Các biện pháp trừng phạt này khiến hệ thống vũ khí hiện tại của Cyprus thiếu phụ tùng thay thế và không thể nâng cấp, một nguồn tin cấp cao từ Síp nói với Reuters. "Đó là lý do Síp đang tìm đến các quốc gia EU khác cũng như Israel. Trong khuôn khổ đó, chúng tôi đang nỗ lực nâng cấp khả năng phòng không" nguồn tin này cho biết.
Bài học từ quá khứ và chính sách xoay trục
Việc Cộng hòa Síp không công khai các chương trình mua sắm vũ khí là do căng thẳng kéo dài với Thổ Nhĩ Kỳ.
Lịch sử cho thấy, năm 1998, Cộng hòa Síp từng cố gắng nâng cấp khả năng phòng không với hệ thống tên lửa đất đối không S-300 từ Nga. Động thái này dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, buộc Nicosia phải chuyển hệ thống tên lửa này sang đảo Crete (Hy Lạp).
Thời điểm đó, cả Anh và Mỹ đều không ủng hộ việc Síp sở hữu hệ thống S-300. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nicosia và Washington đã cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, khi Cộng hòa Síp định hướng chính sách gắn bó chặt chẽ hơn với phương Tây.
Việc chuyển hướng sang hệ thống Barak MX không chỉ giúp Cộng hòa Síp khắc phục tình trạng thiếu phụ tùng và nâng cấp năng lực phòng không mà còn thể hiện sự xoay trục chiến lược, phù hợp với bối cảnh địa chính trị hiện tại.
Gần đây, theo tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 27/11, trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng tại khu vực Địa Trung Hải, Cộng hòa Síp đang tiến hành một động thái ngoại giao đầy táo bạo - xem xét khả năng gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tổng thống Cộng hòa Síp Nikos Christodoulides, nhà lãnh đạo thuộc phe trung hữu, đã bắt đầu một chiến dịch ngoại giao âm thầm nhằm thay đổi quan hệ của quốc gia này với NATO. Vào ngày 30/10 năm ngoái, trong chuyến thăm Mỹ, ông Christodoulides đã trực tiếp trao đổi với Tổng thống Joe Biden kế hoạch hội nhập vào liên minh quân sự quan trọng này.
Tuy nhiên, con đường gia nhập NATO của Cộng hòa Síp cũng không hề dễ dàng. Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên có quyền phủ quyết trong liên minh - đã công khai tỏ thái độ không ủng hộ. Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan đưa ra điều kiện: Phương Tây phải công nhận nền độc lập của vùng lãnh thổ Bắc Síp trước khi xem xét đơn gia nhập. Miền Bắc Síp do người gốc Thổ Nhĩ Kỳ cai quản.
Mặc dù quá trình gia nhập NATO sẽ không diễn ra nhanh chóng, nhưng những động thái ngoại giao gần đây của Cộng hòa Síp cho thấy một xu hướng chiến lược mới. Quốc gia này đang tìm cách mở rộng không gian ngoại giao và tăng cường an ninh trong một khu vực đầy biến động.