Sếp Hoàng Nam Tiến 'cày' 16 tiếng/ngày, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng 'thích người làm dưới 8 tiếng'

Về việc lãnh đạo theo phong cách 'đi cày' hay rảnh tay giao việc cho nhân viên. Trong khi ông Hoàng Nam Tiến tự hào với cường độ 14 - 16 tiếng/ngày thì Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, kết quả công việc thu được mới là thước đo thành công chứ không phải số giờ làm việc mỗi ngày.

Các diễn giả tham dự Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023

Mới đây, tại Diễn đàn Lãnh đạo doanh nghiệp trẻ Việt Nam 2023 chủ đề "tư duy mới, hành động mới", một câu hỏi rất thú vị được đặt ra rằng lãnh đạo doanh nghiệp nên làm việc theo phong cách "đi cày" - làm ngày làm đêm, hay làm việc theo phong cách "rảnh tay" - giao việc cho nhân viên, càng ít can thiệp vào công ty càng tốt?

Chủ đề này cũng hot trở lại khi chia sẻ về phát biểu từ năm 2022 của sếp FPT. Hoàng Nam Tiến rằng ông từng làm việc 16 giờ/ngày xuyên suốt nhiều năm nhưng ông vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp nhiều bạn trẻ làm việc đến 20 giờ/ngày.

Tuy nhiên, trên FB cá nhân mới đây, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng lại bày tỏ: làm việc 20 tiếng hay 1 tiếng một ngày tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh và tính chất công việc của mỗi người. Tôi thích người làm việc dưới 8 tiếng 1 ngày để dành thời gian còn lại cho những hoạt động khác và luôn hoàn thành công việc hơn. Kết quả công việc thu được mới là thước đo thành công chứ không phải số giờ làm việc mỗi ngày!.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Sunhouse cho rằng, mỗi lãnh đạo, mỗi doanh nghiệp sẽ có cách quản trị và vận hành bộ máy khác nhau, tương ứng với mỗi ngành nghề riêng biệt.

Theo ông Phú, lãnh đạo doanh nghiệp cần truyền được động lực, nhiệt huyết và ý tưởng đổi mới sáng tạo xuống cho từng cấp bậc nhân viên. Làm được điều này, nhân sự mới thực sự cống hiến cho công ty và chủ động làm việc hiệu quả ngay cả khi ông chủ vắng mặt. Một doanh nghiệp hoạt động tốt là doanh nghiệp mà "ông chủ" ít phải đi làm.

"Giờ đây mỗi tuần tôi có thể dành ra một buổi chơi golf, năm sau có thể là hai buổi mỗi tuần, năm sau nữa là ba buổi", ông Phú chia sẻ.

Chủ tịch Sunhouse nêu quan điểm: doanh nghiệp không thể mãi phụ thuộc vào duy nhất người đứng đầu, mà cần vận động như một nhà máy, đó là người nào việc nấy theo đúng quy chuẩn, để nhân sự nào cũng đều biết được quyền hạn và trách nhiệm của mình.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Sunhouse

Ông Phú kể câu chuyện: một người bán rau dù nắng dù mưa vẫn vượt hàng chục cây số để mang rau lên Hà Nội bán, chỉ để thu về số tiền 200.000 đồng. "Ít ỏi như vậy tại sao họ vẫn làm? Nếu trả lời được câu hỏi này, các bạn doanh nhân sẽ hiểu tại sao có những lãnh đạo doanh nghiệp họ bất chấp vất vả, vẫn làm việc ngày đêm", ông cho hay.

Còn Chủ tịch FPT - ông Trương Gia Bình khẳng định, bản thân rất thích làm việc và chưa từng nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi ở tuổi 67.

"Hiện tại, tôi vẫn trực tiếp đi bán hàng", ông Bình nói và cho biết, gần đây ông liên tục có những chuyến công tác Nhật Bản và Mỹ để gặp gỡ khách hàng, đàm phán và ký hợp đồng, bởi chỉ ông mới làm được.

Người đứng đầu FPT không phủ nhận thực tế là rất ít lãnh đạo doanh nghiệp lớn phải trực tiếp đi bán hàng. Vì đi "bán hàng" là phải chiều khách hàng, có khi phải hạ mình thấp hơn. Nhưng ông Bình không ngại điều đó, thậm chí còn thấy khó chịu khi các cuộc "đi bán hàng" của mình thưa bớt.

Vào năm 2022, xuất hiện trong 1 talkshow, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FPT Telecom, Tập đoàn FPT, chia sẻ rằng, muốn thực hiện đam mê, đạt được thành công trong công việc, trước tiên phải hành động, cụ thể là chăm chỉ làm việc. Ông từng làm việc 16 giờ/ngày xuyên suốt nhiều năm nhưng ông vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp nhiều bạn trẻ làm việc đến 20 giờ/ngày.

Ông Hoàng Nam Tiến

Ông Tiến tâm sự: “Đam mê thực sự phải bằng hành động, hành động đêm ngày. Tôi rất tự hào mình có thể làm việc 12, 14, 16 giờ/ngày, không có thứ 7, Chủ nhật, làm từ năm này qua năm khác, nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp các bạn trẻ làm việc 20 giờ/ngày. Các bạn ấy bị vợ mắng nếu mà có vợ, các bạn bị người yêu bỏ, chắc chắn bỏ rồi, bởi vì không còn thời gian nào. Các bạn sống bằng đam mê, bằng hành động của mình và làm việc điên cuồng mỗi ngày”.

Cùng quan điểm, Shark Thái Vân Linh khuyên các bạn trẻ dành thời gian chú trọng vào việc phát triển sự nghiệp. Shark Linh chia sẻ: "Điều cơ bản nhất là các bạn đi làm từ 9h sáng đến 6h chiều về, nhưng sau đấy các bạn phải làm thêm cái gì đó nữa. Nghĩa là: Các bạn không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm rồi. Các bạn có thể ở lại làm thêm công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, tới khi về rồi cũng có thể nghiên cứu thêm nữa. Chỉ có như vậy các bạn mới có đủ sự chuẩn bị để nắm lấy cơ hội”.

Trước những quan điểm này, nhiều người đồng tình rằng để đạt được thành công, thăng tiến trong sự nghiệp thì bạn cần làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết mình. Ngược lại, số khác lại cho rằng, bên cạnh thời gian cho công việc, chúng ta cần dành thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và các mối quan hệ xung quanh. Làm việc nhiều không hẳn là tốt, quan trọng là đạt được hiệu quả công việc.

Theo một nghiên cứu, người làm việc trung bình trong 3 giờ hiệu quả hơn người làm việc 8 giờ/ngày. Trên thực tế, trong 8 giờ tại văn phòng, phần lớn nhân viên văn phòng đều không dành toàn bộ thời gian để làm việc, họ làm một số hoạt động ngoài lề như: Đọc tin tức trong 1 giờ 5 phút; lướt mạng xã hội trong 44 phút…

Quan niệm mỗi ngày làm việc 8 giờ, một tuần làm việc 40 giờ dường như đã ăn sâu vào tâm trí và là thói quen của phần lớn chúng ta. Song không phải ai cũng lựa chọn làm việc theo tiêu chuẩn chung này. Mỗi người đều có 24 giờ mỗi ngày như nhau, có người chỉ làm việc 4-5 tiếng/ngày, người tận dụng toàn bộ 8 tiếng để hoàn thành công việc, thậm chí có những người dành đến 20 tiếng/ngày để làm việc.

Mai Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/sep-hoang-nam-tien-cay-16-tiengngay-chu-tich-ssi-nguyen-duy-hung-thich-nguoi-lam-duoi-8-tieng-20180504224289476.htm