Sẽ áp dụng phong sát nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm quảng cáo
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, vẫn chưa triển khai quy chế phong sát đối với trường hợp nào. Nhưng trong tương lai sẽ làm điểm một vài trường hợp, có thể sẽ áp dụng liên quan đến hoạt động quảng cáo.
Áp dụng hình thức phong sát với nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo
Thời gian qua, câu chuyện nghệ sĩ, người nổi tiếng, các biên tập viên, MC quảng cáo sữa giả, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá lố đang gây bức xúc trong cộng đồng.
Chiều 21/4, tại Họp báo thường kỳ quý I năm 2025 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), vấn đề này được bàn luận sôi nổi.

Các đại biểu chủ trì họp báo.
Tại họp báo, NSND Xuân Bắc - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, khẳng định, không chỉ nghệ sĩ, người nổi tiếng mà bất kỳ ai quảng cáo sai, bán hàng sai quy định đều chịu trách nhiệm trước pháp luật.
"Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, ai vi phạm ở đâu, mức độ nào sẽ bị xử lý ở đấy.
Bộ VH,TT&DL và Cục Nghệ thuật biểu diễn đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Tuy nhiên, bộ quy tắc này không có chế tài xử phạt mà chỉ góp phần nâng cao nhận thức và cảnh báo các nghệ sĩ về ứng xử có chuẩn mực trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và trên không gian mạng.
Trong năm 2024, Cục đã thực hiện kiểm tra hành vi vi phạm, đối với những người có biểu hiện vi phạm vừa vi phạm quy chế, vừa vi phạm Nghị định 144/2020/NĐ-CP Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn và có thông báo, nhắc nhở đánh giá", NSND Xuân Bắc cho hay.
Đồng quan điểm, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Bộ Quy tắc ứng xử dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng không có tính chất bắt buộc, kèm theo đó là chế tài.
Về lý do vẫn cần bộ quy tắc ứng xử, ông Lê Quang Tự Do nói, việc ban hành bộ quy tắc ứng xử dựa trên việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới. Bộ quy tắc ứng xử sẽ tạo môi trường văn hóa, để khán giả bày tỏ chính kiến của mình thông qua tẩy chay với nghệ sĩ thiếu chuẩn mực.
"Tuy nhiên, sau một thời gian chúng tôi nhận thấy bộ quy tắc không kèm chế tài sẽ không có tính răn đe. Để áp dụng chế tài, chúng tôi đã thể chế hóa bằng cách đưa một số nội dung trong bộ quy tắc ứng xử vào Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử.
Hiện nay đã đề xuất một số nội dung trong dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi). Nội dung này đã được đưa vào trong dự thảo nhưng phải đợi Quốc hội thông qua.
Sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ sửa Nghị định 144, chúng tôi sẽ tiếp tục thể chế hóa hoạt động quản lý này", ông Do cho hay.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, hiện đã có quy chế hạn chế nghệ sĩ, người nổi tiếng xuất hiện trên báo chí, sân khấu - hay còn gọi là phong sát, được ban hành từ năm 2024.
"Hiện, vẫn chưa triển khai đối với trường hợp nào nhưng trong tương lai sẽ làm điểm một vài trường hợp, có thể sẽ áp dụng liên quan đến hoạt động quảng cáo", ông Do thông tin.
Vi phạm của Quang Linh Vlogs là trường hợp đáng tiếc
"Công thức chung" của các nghệ sĩ, người nổi tiếng khi bị lên án vì hoạt động quảng cáo quá lố, quảng cáo sai sự thật là xin lỗi, hoặc giữ im lặng.
Khi sự việc lắng xuống theo thời gian, các nghệ sĩ này vẫn không thể hiện trách nhiệm mà vẫn thản nhiên quảng cáo, xuất hiện trước công chúng như chưa có chuyện gì xảy ra.
Theo ông Lê Quang Tự Do, lời xin lỗi của nghệ sĩ và bất cứ ai khi làm sai đều cần thiết. Nhưng người đó phải khắc phục lỗi đã gây ra. Có 2 hình thức khắc phục và nên triển khai đồng thời là tự nguyện, tự giác khắc phục, thực hiện xử phạt nghiêm túc và không để tái phạm.
Cũng theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, việc xử lý hành vi quảng cáo vi phạm, không có hành vi với đối tượng là nghệ sĩ, người nổi tiếng mà áp dụng với tất cả mọi cá nhân.


Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử dự kiến mức phạt đối với BTV Quang Minh là 37,5 triệu đồng và MC Vân Hugo là 70 triệu đồng vì hành vi quảng cáo cho sữa Hiup.
Tuy nhiên, trong Luật Quảng cáo (sửa đổi) lần đầu có bổ sung nội dung liên quan đến người nổi tiếng.
Trong quá trình làm việc, xử lý vi phạm, ông Do đánh giá, các nghệ sĩ, người nổi tiếng cho thấy nhận thức kém về các quy định này.
"Họ nhận hợp đồng một cách vô tội vạ, ít người kiểm chứng được việc thông tin nhãn hàng đưa ra có đúng hay không dẫn đến việc vi phạm khi quảng cáo.
Vi phạm của Quang Linh Vlogs là một trường hợp đáng tiếc, đau lòng. Nếu như hiểu biết pháp luật hơn, có lẽ họ không để xảy ra sự việc đau lòng như vậy.
Nghệ sĩ, người nổi tiếng thường có tính nghệ sĩ, hay biến tấu nhiều thứ. Ví dụ, sản phẩm tăng chiều cao vượt trội nhưng nói lên nhiều centimet, dẫn đến quảng cáo lố, không có trong kịch bản. Hay, quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo gây nhầm lẫn về chất lượng, công dụng.
Có trường hợp, nghệ sĩ, người nổi tiếng dựa trên kinh nghiệm cá nhân nhưng đánh đồng người khác cũng như mình, dẫn đến nói lố, sai sự thật.
Nghệ sĩ thường hợp tác với công ty sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng với gương mặt đại diện. Đổi lại, họ được trả bằng cổ phần, cổ phiếu và vô tình trở thành đồng sản xuất. Nếu bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, họ có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật
Điển hình như vụ quảng cáo 1 viên kẹo Kera bằng đĩa rau, hay mới đây truyền thông đưa tin có người quảng cáo 1 viên rau xanh bằng 5kg rau củ. Chúng tôi đã, đang thu thập thông tin và khuyến khích báo chí, truyền thông chia sẻ những trường hợp tương tự", ông Do nói thêm.