Saudi Arabia: 'Vàng đen' nơi cát trắng và nỗ lực tăng trưởng xanh

Mặc dù đạt doanh thu khổng lồ từ trữ lượng dầu khí lớn thứ hai thế giới, song Saudi Arabia vẫn chuyển mình mạnh mẽ để tăng trưởng xanh, bền vững hơn.

Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất trên thế giới - Ảnh: Nhà máy khí đốt Haradh tại cực nam mỏ dầu Ghawar, Saudi Arabia. (Nguồn: Saudi Aramcoi)

Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đạt 161,7 tỷ USD năm 2021, chiếm 16,5% lượng xuất khẩu của toàn thế giới, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng xu hướng thị trường và biến động dầu thô toàn cầu.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, quốc gia Trung Đông này đã có nhiều bước chuyển mình tích cực theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững nhằm giải quyết thách thức trong nước nói riêng và đóng góp vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu nói chung.

Tại sao lại có câu chuyện này?

Món quà từ thiên nhiên

Để hiểu được câu chuyện này, cần quay ngược dòng thời gian về lại năm 1993. Khi đó, Quốc vương Saudi Arabia Abdulaziz bin Abdulrahman Al Saud đã cho phép công ty Standard Oil of California (Socal), sau này đổi tên thành Chevron, có quyền thăm dò triển vọng khai thác dầu ở đất nước mới được thành lập.

Năm 1938, Socal phát hiện một lượng lớn dầu trong Vòm Dammam gần Vịnh Arab. Một lượng dầu hạn chế bắt đầu được xuất khẩu vào năm 1939 và tăng lên đáng kể khi Thế chiến II kết thúc.

Cuối những năm 1940, Socal tham gia liên doanh với các công ty dầu mỏ khác của Mỹ và được đổi tên thành Công ty Dầu khí Mỹ Arab (Aramco). Đến những năm 1970, Saudi Arabia trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới.

Năm 1980, ngành công nghiệp dầu mỏ của Saudi Arabia bước vào một kỷ nguyên mới khi chính phủ nắm toàn quyền sở hữu Aramco, đổi tên thành Saudi Aramco.

Công ty này bắt đầu khám phá những khu vực trước đây chưa từng được khai thác và phát hiện ra nhiều mỏ dầu thô chất lượng cao với trữ lượng khổng lồ.

Cho đến tận ngày nay, Saudi Aramco vẫn tiếp tục khám phá nhiều mỏ dầu và khí, cả truyền thống và phi truyền thống, tại nhiều khu vực trên toàn đất nước.

Theo thống kê, Saudi Arabia có trữ lượng dầu được chứng minh lớn thứ hai thế giới và là thành viên then chốt của tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cũng như Các nước Arab Xuất khẩu dầu mỏ (OAPEC). Bên cạnh hàng chục mỏ dầu và khí đã và đang được khai thác, Saudi Arabia có hai mỏ lớn nhất thế giới.

Đầu tiên, đó là mỏ Ghawar, mệnh danh là “chú voi trên sa mạc”. Mỏ này nằm cách thành phố Dhahran, Al-Hasa thuộc tỉnh miền Đông Saudi Arabia 100km về tây nam. Đây là mỏ dầu lớn nhất thế giới cả về trữ lượng và sản lượng dầu, chứa hơn 1/4 tổng trữ lượng dầu đã được chứng minh của Saudi Arabia và chiếm khoảng 1/2 sản lượng dầu của cả nước.

Sau khi được phát hiện năm 1948 và đi vào hoạt động năm 1951, mỏ Ghawar đã nhanh chóng xác lập vị thế của quốc gia Trung Đông trên bản đồ dầu mỏ thế giới.

Mỏ Safaniya của Saudi Arabia là mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới. (Nguồn: oil&gasmiddleeast)

Ngoài ra, Saudi Arabia cũng sở hữu mỏ Safaniyah, nằm cách thành phố Dhahran 200 km về phía Bắc. Chỉ đứng sau mỏ Ghawar về quy mô, song mỏ Safainyah lại là mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới với trữ lượng 37 tỷ thùng dầu, cùng sản lượng hàng năm lên tới khoảng 1,3 triệu thùng dầu thô.

Để tận dụng tiềm năng tối đa các mỏ dầu khổng lồ và nhiều mỏ khí đốt, Saudi Arabia đã xây dựng và phát triển một ngành công nghiệp lọc hóa dầu hiện đại, cung cấp năng lượng và mang lại nguồn thu lớn để nền kinh tế vươn lên mạnh mẽ.

Nước này có 9 khu liên hợp lọc dầu sản xuất xăng, nhiên liệu, dầu diesel, khí hóa lỏng, nhiên liệu máy bay, dầu hỏa và các sản phẩm dầu mỏ khác. Đây là những nhà máy có công nghệ lọc hóa dầu tân tiến bậc nhất trên thế giới, với sản lượng khoảng 8 triệu thùng/ngày các sản phẩm dầu mỏ, hầu hết được dành cho xuất khẩu.

Do đó, với trữ lượng dầu, khí đốt lớn và nền công nghiệp lọc hóa dầu hiện đại, không khó hiểu khi ngành dầu thô và khí đốt tự nhiên được nhiều người coi là xương sống của kinh tế Saudi Arabia, đóng góp tới 32,4% GDP trong năm 2021.

Khi dầu mỏ không phải tất cả

Dầu mỏ là “món quà” của thiên nhiên dành cho Saudi Arabia, giúp Riyadh định hướng con đường phát triển. Song nó không phải “chìa khóa vạn năng” cho một số vấn đề quốc gia Trung Đông đang phải đối mặt, đặc biệt là bài toán về nguồn nước.

Dù 97% người dân có thể tiếp cận nước uống, song với khí hậu nóng hạn, tiêu thụ quá mức và thiếu nguồn nước tái tạo ổn định, Saudi Arabia vẫn là một trong những quốc gia khan hiếm nước nhất thế giới. Tiêu thụ nước bình quân đầu người tại quốc gia này ở mức 89,5m3/năm, thấp hơn nhiều so với mức khan hiếm nước tuyệt đối là 500m3/năm. Vì thế, trong lúc thế giới lao đao vì giá xăng dầu tăng đột biến song tại Saudi Arabia, giá 1 lít xăng đôi khi còn rẻ hơn giá 1 lít nước đóng chai.

Vì thế, dù dầu mỏ vẫn là tài nguyên thiên nhiên then chốt, Saudi Arabia luôn quan tâm đến việc bảo đảm nguồn nước cho các hoạt động sản xuất cũng như sinh hoạt cho người dân, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt nước tại nhiều nơi trên thế giới.

Dự án khí Hydrogen khổng lồ tại khu vực Oxagon thuộc siêu thành phố Neom thể hiện mong muốn tìm kiếm các nguồn năng lượng sạch và có thể tái tạo của Saudi Arabia. (Nguồn: Arab News)

Đây có lẽ là một phần động lực khiến Saudi Arabia tích cực chống biến đổi khí hậu toàn cầu, tăng tốc phát triển năng lượng sạch và bền vững.

Những nỗ lực được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tại Saudi Arabia và phù hợp với các tiêu chuẩn sống cao hơn. Bên cạnh đó, hướng đi này phù hợp với tầm nhìn đa dạng hóa kinh tế của Saudi Arabia đến 2030 về giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Ở cấp độ quốc gia, Saudi Arabia đã đưa ra nhiều mục tiêu và chiến lược để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng như sáng kiến của quốc gia về hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, hạt nhân và thủy điện.

Trên bình diện quốc tế, Saudi Arabia đã phê chuẩn nhiều văn kiện về bảo vệ môi trường như Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu…

Trong bối cảnh đó, dầu mỏ và khí đốt sẽ tiếp tục có vai trò lớn, song không còn là yếu tố quan trọng duy nhất trên con đường phát triển của quốc gia Trung Đông này.

Thanh Hiền

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/saudi-arabia-vang-den-noi-cat-trang-va-no-luc-tang-truong-xanh-194432.html