Sau sinh, cứ hễ ăn đồ ngọt, đồ lạnh là sôi bụng là bệnh gì?

Em năm nay 36 tuổi mới sinh bé thứ 2 được 4 tháng. Lúc mới sinh ở viện em đã bị đau bụng tiêu chảy phải uống kháng sinh mấy ngày. Dù đã mấy tháng nay nhưng tình trạng không thuyên giảm, cứ ăn vào là hay sôi bụng, đau bụng, tiêu chảy (phân đen và hôi), nhất là mỗi khi ăn ngọt hay lạnh là em bị liền.

Em năm nay 36 tuổi mới sinh bé thứ 2 được 4 tháng. Lúc mới sinh ở viện em đã bị đau bụng tiêu chảy phải uống kháng sinh mấy ngày. Dù đã mấy tháng nay nhưng tình trạng không thuyên giảm, cứ ăn vào là hay sôi bụng, đau bụng, tiêu chảy (phân đen và hôi), nhất là mỗi khi ăn ngọt hay lạnh là em bị liền.

Dù em đã kiêng đồ ngọt, sữa nhưng nhiều hôm ăn xong vẫn bị. Không biết tình trạng của em là bị gì ạ? Và khi em sôi bụng, bé nhà em bú sữa mẹ cũng bị sôi bụng theo luôn ạ. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp em!

(Bạn đọc gọi từ số 0906xxx879)

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn!

Với các triệu chứng như trên, bạn có thể đang gặp một số vấn đề tiêu hóa sau:

1. Hội chứng ruột kích thích (IBS): Thường gây đau bụng, sôi bụng, tiêu chảy, đặc biệt sau khi ăn thực phẩm kích thích như đồ ngọt, lạnh.

2. Rối loạn hệ vi sinh đường ruột do kháng sinh: Kháng sinh có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật, tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong ruột, gây tiêu chảy .

3. Không dung nạp lactose: Nếu bạn bị tiêu chảy sau khi ăn sữa hoặc sản phẩm từ sữa, có thể cơ thể không tiêu hóa được đường lactose.

4. Nhiễm trùng đường ruột kéo dài: Nếu bạn bị tiêu chảy phân đen, hôi và không khỏi sau nhiều tuần, có thể cần kiểm tra ký sinh trùng hoặc vi khuẩn.

5. Viêm ruột do dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp một số loại thức ăn

Một số thực phẩm như hải sản, gluten (có trong bánh mì, mì sợi) có thể gây kích ứng đường ruột.

Về câu hỏi, vì sao bé cũng bị sôi bụng?

Khi mẹ có vấn đề tiêu hóa, hệ vi sinh trong sữa mẹ cũng có thể thay đổi, ảnh hưởng đến đường ruột của bé. Một số protein từ thực phẩm mẹ ăn có thể gây nhạy cảm cho bé nếu bé có cơ địa dị ứng.

Do đó, bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để xét nghiệm phân, kiểm tra vi khuẩn đường ruột và xác định nguyên nhân chính xác. Đồng thời, có thể bổ sung men vi sinh (probiotics) để cân bằng lại hệ vi khuẩn đường ruột, giúp giảm tiêu chảy.

Bên cạnh đó, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn uống nhẹ nhàng, tránh kích thích; hạn chế sữa, đường, đồ lạnh, đồ chiên xào; ăn chậm, chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực tiêu hóa; uống nhiều nước để tránh mất nước do tiêu chảy.

Ngoài ra, nếu tình trạng phân đen kéo dài, bạn cần kiểm tra xem có xuất huyết tiêu hóa không (bằng nội soi dạ dày nếu cần).

Bạn nên đi khám sớm để điều trị dứt điểm, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và việc nuôi con nhé!

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thái Hòa,

Phụ trách Khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202503/sau-sinh-cu-he-an-do-ngot-do-lanh-la-soi-bung-la-benh-gi-9287aae/